
- Sới cờ Ngõ Trạm

Đó là quán nước của ông Thu ở 33 Ngõ Trạm (Hà Nội), rộng vỏn vẹn 16m2, bày kín từ lòng nhà hẹp ra tận vỉa hè cũng chỉ được chừng 20 bàn cờ. Ấy thế mà quán lúc nào cũng ken cứng người; ba bốn chục ông từ đầu xanh đến tóc bạc ken vòng trong vòng ngoài, không được tỷ thí thì sán lại quanh các bàn mà thầy dùi.
Hơn chục năm trước, ông Thu về hưu, mở quán nước kiếm thêm chút tiền độ nhật. Vốn mê cờ nên ông bày bàn cờ ra bên cạnh để cùng bầu bạn giải khuây. Thế rồi người nọ rỉ tai người kia, người mê cờ kéo nhau đến ngày mỗi đông. Tính ông Thu thoải mái, giá dịch vụ lại rẻ: người chơi chỉ cần bỏ ra 1.000 đồng thuê một bàn rồi tùy thích án ngữ từ sáng sớm đến tối thui… nên quán lúc nào cũng đông.
Trước đây, 4 năm liền ông Thu từng tổ chức “Giải cờ tướng Ngõ Trạm”, giải thưởng lên tới 1 triệu đồng. Thế nhưng sau này, phần vì đông người đến chơi quá, phần vì phát hiện có tình trạng móc ngoặc của các kỳ thủ nên ông dẹp luôn.
Sới cờ Ngõ Trạm đã thành điểm hẹn lý tưởng của không chỉ các cao thủ Hà Nội mà kỳ thủ từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định… cũng khăn gói ngày ngày ra giao đấu.
THẢO LƯ
- Vào mùa mắm lóc
Nước lũ từ thượng nguồn đã về trắng đồng đất miền Tây, đồng nghĩa với việc các lò mắm ở Châu Đốc chuẩn bị lu, thạp, muối hột, đường thốt nốt… để làm mắm. Năm 2005, trong số 2001 tấn mắm linh, sặt, chốt, trèn… của Châu Đốc thì 40% sản lượng là mắm lóc. Năm nay, lũ về rất lớn nên các lò mắm chắc chắn sẽ tăng sản lượng. Cháu nội của bà Giáo Khỏe (mắm Bà Giáo Khỏe 55555), anh Nguyễn Phụng Hoàng cho biết, đến tháng 10 âm lịch, lò của anh sẽ làm ít nhất 40 tấn mắm lóc, loại cá lóc tự nhiên theo nước lũ tràn từ đồng ruộng ra sông lớn. Loại cá lóc nuôi trong ao đìa, đăng quầng sẽ không còn “đất sống” ở Châu Đốc do chất lượng thịt không cao, khiến thành phẩm mắm bị bở. Cá lóc sau khi làm sạch sẽ cho vào lu ủ với muối hột, sau đó trộn thính, “chao” lại bằng đường thốt nốt là có thể ăn được. Năm rồi, mắm lóc 55555 xuất khẩu trên 30 tấn.
MINH ANH
- Thành cổ Quảng Trị đã có chuông ngân
Gia đình anh Phan Thanh Chương và chị Nguyễn Thị Hà, ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, vừa đến cúng một quả chuông đồng mới đúc cho Di tích Thành cổ Quảng Trị - nơi được xem như nghĩa trang không có mồ mả. Quả chuông đồng cao hơn 1m, rộng 55cm, được treo trên giá đỡ bằng gỗ và đặt vào lòng một nấm mồ tượng trưng giữa di tích. Nguyện vọng của gia đình anh Chương và chị Hà là cúng chuông để Ban quản lý Di tích- Danh thắng Quảng Trị rung chuông tưởng niệm trong mỗi lần tổ chức nghi lễ ở di tích Thành Cổ. Đây là lần đầu tiên di tích Thành cổ Quảng Trị có tiếng chuông ngân vang.
LAM KHANH
- Yoga vào giảng đường

Đại học RMIT Việt Nam đã trở thành trường đại học đầu tiên mở lớp dạy yoga cho sinh viên và nhân viên của trường với mức học phí đã được nhà trường hỗ trợ. Giáo viên dạy yoga có cả người nước ngoài lẫn người Việt. Hiện số học viên liên tục tăng và số buổi học cũng tăng lên 4 buổi/tuần so với 2 buổi/tuần trước đây. “Yoga thật diệu kỳ. Yoga giúp tôi thư giãn. Sau mỗi buổi tập, tôi cảm thấy giảm đi sự căng thẳng cũng như làm cho cơ bắp khỏe mạnh”, Megan Calabro - một sinh viên đến từ RMIT Melbourne trong Chương trình trao đổi sinh viên với RMIT Việt Nam, chia sẻ.
K.THI
- Giải tỏa nửa vời
Hình ảnh hết sức phản cảm trên là do việc giải tỏa thiếu triệt để miếu thờ xây dựng trái phép tại giao lộ giữa quốc lộ 20 với đường Lê Hồng Phong thuộc khu phố 4, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Cách đây khoảng 16 năm, người dân tự ý lập một miếu thờ nhỏ bằng xi măng để cúng nạn nhân chết vì tai nạn giao thông. Tháng 5-2006, họ đập bỏ miếu cũ, xây lại miếu mới to hơn và hơn một tháng sau, cơ quan chức năng đã cưỡng chế tháo dỡ vì lý do vi phạm cảnh quan đô thị và hành lang an toàn giao thông.
Tuy nhiên, việc đập bỏ lại diễn ra nửa vời càng làm mất mỹ quan, phản cảm bởi người dân vẫn cứ hương hoa hàng ngày trên nền xi măng nham nhở. Không những thế, điều đáng nói là miếu thờ này án ngự ngay phía trước Trường THPT Đức Trọng, trong khi ngày khai giảng năm học mới đang cận kề. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải tỏa dứt điểm miếu thờ này trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa quy định của pháp luật lẫn thuyết phục, vận động người dân chấp hành nghiêm túc quyết định của Nhà nước.
NGỌC TRANG
- Cầu treo Bến Tắt sắp “hồi sinh”

Ngay trước Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (km 685+850), về phía trái có đoạn sông Bến Tắt là đầu nguồn sông Bến Hải lịch sử chảy cắt ngang đường Hồ Chí Minh. Trên đoạn sông này, cầu treo Bến Tắt (đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia) là chiếc cầu treo duy nhất của đường Hồ Chí Minh, dài 150m, rộng 6m, được rất nhiều du khách trong ngoài nước biết đến, đặc biệt là du khách Mỹ trở lại thăm chiến trường xưa: vĩ tuyến 17, hàng rào điện tử Macnamara, cầu treo Bến Tắt, đường 9 Nam Lào. Trận lũ tháng 10-2005, nước lũ dâng cao khỏi mặt cầu đã cuốn sập hai trụ chính và mố cầu… Chính vì vậy, việc tỉnh Quảng Trị chuẩn bị phục dựng di tích này (ảnh chụp 2004) được dư luận hết sức hoan nghênh.
HƯƠNG LY