Từ Làng... đến Phố

Bão tan đã lâu nhưng đèn đường vẫn tối
Từ Làng... đến Phố

Bão tan đã lâu nhưng đèn đường vẫn tối

Từ Làng... đến Phố ảnh 1
Trước tượng đài mẹ Nhu, cây đèn trang trí chỉ còn cái trụ nên làm mất vẻ trang nghiêm.

Hiện nay, ở nhiều đường phố của thành phố Đà Nẵng, kể cả những đường lớn, đường huyết mạch như đường Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Tất Thành, Điện Biên Phủ…; thậm chí trước tượng đài mẹ Nhu - biểu tượng tinh thần yêu nước chống giặc của người dân Đà Nẵng - hệ thống đèn đường và đèn trang trí bị cơn bão số 6 đánh ngã, đến nay đã tròn ba tháng mà vẫn chưa khắc phục, làm mất vẻ mỹ quan của các con đường TP nói chung, cũng như ảnh hưởng đến sự an toàn giao thông trên những con đường này vào ban đêm.

Năm mới Đinh Hợi đã điểm, đặc biệt thành phố Đà Nẵng đang trong đợt kỷ niệm 10 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của miền Trung, các cơ quan chức năng cần khắc phục ngay các hệ thống đèn điện, đèn trang trí trên những con đường, nhất là đường lớn, huyết mạch của thành phố.

 NGUYỄN VĂN TÚ

Ca cháo tình thương

Từ Làng... đến Phố ảnh 2

Bất kể ngày mưa, tháng nắng, 10 năm qua, cứ mỗi sáng sớm, từ thứ hai đến thứ bảy, chú tiểu Nhuận Liên, Nhuận Nguyên… của chùa Hòa Cường, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, lại chở hai xô cháo bằng xe máy hoặc xe đạp đến cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) (ảnh).

Các chú tiểu với nụ cười nhân hậu, lần lượt múc những vá cháo nóng bốc hơi, đổ vào ca cho từng người. Điều ngạc nhiên là khi người cuối cùng nhận cháo thì cũng là lúc hai xô cháo vừa hết, không thừa, không thiếu.

Sư cô trụ trì chùa Hòa Cường là Thích nữ Hành Tâm cho biết: “Món cháo chay được nấu từ nhiều loại gạo, quả, củ, đậu do nhà chùa mua hoặc các đạo hữu của chùa mang đến tặng, chúng tôi mong muốn làm ấm lòng các bệnh nhân nghèo mỗi sáng“.

LÊ QUỐC KỲ

Chở củi về rừng!

Từ Làng... đến Phố ảnh 3

Cây trái từ miệt vườn chở về chợ buôn bán là lẽ thường, song bây giờ ngay sát nách chợ thị xã Vĩnh Long có chuyện ngược lại: Người dân miệt vườn không bán nhãn ở chợ thị xã nữa mà chở về đất cù lao bạt ngàn nhãn để… bán! Hàng ngày, nhiều xe gắn máy kìn kìn chở nhãn vượt phà An Bình sang đất cù lao (ảnh).

Đèo đến 4 giỏ nhãn trên xe honda, anh Phát ở phường 3 (thị xã Vĩnh Long) cười nói: “Người ta nói mình chở củi về rừng nhưng không chở sao được vì giá nhãn bên cù lao hiện cao hơn bên thị xã”. Ngày ngày anh Phát đèo xe trên 100 ký nhãn để “kiếm tiền chợ”.

Lý do của việc “chở củi về rừng” này là đất cù lao Minh hình thành 40-50 lò sấy nhãn và khoảng 60 điểm mua nhãn đóng rổ xuất đi. Theo thời gian, dịch vụ buôn bán nhãn dần dần định hình ngay trên vùng nguyên liệu.

NGUYÊN VẸN

Dịch vụ làm vua

Từ Làng... đến Phố ảnh 4

Đến tham quan Dinh ba tọa lạc trên một đồi thông thuộc đường Lê Hồng Phong, thành phố Đà Lạt, sau khi thưởng ngoạn thắng cảnh tuyệt đẹp, những đường nét kiến trúc dinh thự của người Pháp và những phòng sinh hoạt gia đình của vua Bảo Đại, du khách còn có dịp vui thú với dịch vụ cho thuê trang phục hoàng cung để làm vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa. Sau khi đăng ký dịch vụ làm vua, du khách sẽ được các “tỳ nữ” giúp mặc hoàng bào.

Lúc áo, mão, cân đai chỉnh tề, “vua” sẽ được mời “giá lâm” để “thần dân” chụp hình làm… kỷ niệm. Tiếng máy ảnh tạch tạch chớp nháy trong vòng 5 phút đã xong, “vua” bước xuống khỏi ngai vàng cởi long bào “nhường ngôi” cho người khác. Anh Việt kiều Nguyễn Hoàng Nam thích thú nói: “Về quê hương Việt Nam không chỉ được vui chơi mà còn được làm “vua”, chỉ tốn… 25.000 đồng”.

TRẦN HUY HÙNG CƯỜNG

Công viên Lưu Hữu Phước vẫn “kín cổng, cao tường”!

Từ Làng... đến Phố ảnh 5

Trong khi hầu hết các công viên ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều công viên ở các đô thị khác trong cả nước đã dỡ bỏ hàng rào bao bọc xung quanh, tạo ra sự thông thoáng để mọi người dân đến vui chơi, thư giãn thoải mái thì ở thành phố Cần Thơ, công viên văn hóa mang tên nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vẫn còn hàng rào ngự trị tứ phía (ảnh).

Một người dân ở đây bức xúc nói: “Có lẽ do đơn vị quản lý công viên đã cho thuê mặt bằng buôn bán quá nhiều nên nếu phá bỏ hàng rào sẽ thất thu một khoản lớn, do đó mặc người dân than phiền, họ vẫn cố tình để vậy”.

Rất mong chính quyền thành phố Cần Thơ cương quyết phá bỏ hàng rào công viên, trả lại cho công viên chức năng hữu ích của nó.

MINH DŨNG

Từ Làng... đến Phố ảnh 6

Cây ngâu cảnh 160 tuổi

Trong chuyến khảo sát tìm động, thực vật quý hiếm mới đây, Hội Sinh vật cảnh Vĩnh Long đã phát hiện cây ngâu “già” đang sống tại khuôn viên chùa Cũ Ba Phố (xã Loan Mỹ, Tam Bình, Vĩnh Long) (ảnh).

Một bậc tiền bối tại địa phương nói rằng, cây ngâu này là một loại cây cảnh quý hiếm, tính đến hết năm 2006 này, cây ngâu đã tròn 160 tuổi! Đối với cây cảnh, ở tuổi này thì được liệt vào đại cổ thụ rồi. Hiện tại, cây ngâu vẫn phát triển bình thường, cao trên 3m, gốc to bằng gốc dừa, tàn lá xòe khá rộng…

THÀNH ĐƯỢC

Tin cùng chuyên mục