Từ làng đến phố

Từ làng đến phố

Từ làng đến phố ảnh 1

Một nông dân nuôi 500 con trăn

Đó là ông Võ Văn Viện (ảnh), tự Ba Rí, 50 tuổi, ngụ tại ấp Nhơn Thọ I, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Trong số 500 con trăn này, có 50 con trăn lớn mỗi con nặng từ 40-50kg; 50 con trăn nặng khoảng 30kg/con; 400 con trăn lứa 2-3kg/con. Ông Viện gầy dựng đàn trăn này từ cách đây 5 năm.

Thức ăn cho trăn chủ yếu là chuột, đầu vịt, cá trê; 1 tuần cho trăn ăn 1 lần nên vốn bỏ ra không nhiều và việc chăm sóc cũng nhẹ nhàng! Ông Viện nuôi trăn trong chuồng lưới (1 chuồng/m2), xung quanh nhà và cả trên gác. Hiện nhà ông có 70 chuồng (mỗi chuồng từ 5-7con). Ông thường bán trăn cho thương lái lấy da (hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu) với giá 270.000đ/kg (loại 25-35kg/con); 160.000đ/kg (loại 4-6kg/con); 140.000đ/kg (loại 14-15kg/con)… Hàng năm ông Viện thu nhập hơn trăm triệu đồng.

THÀNH ĐƯỢC

Du lịch bằng thuyền thúng

Đối với ngư dân vịnh Nha Trang, thuyền thúng như “một chiếc xe đạp” trên biển để qua - lại giữa các đảo gần. Theo tài liệu, cách đây gần 100 năm, khi người Pháp áp đặt thuế thuyền, ngư dân nghèo địa phương nghĩ ra chiếc thuyền thúng để khỏi bị đánh thuế, đồng thời có phương tiện đi biển gần bờ tìm con cá, con tôm sinh sống. Ngày nay, chiếc thuyền thúng trong vịnh Nha Trang còn có thêm một chức năng mới: phương tiện du lịch.

Ngay tại chân cầu Trần Phú, du khách có thể ngắm nhìn các nghệ nhân tạo ra chiếc thuyền thúng từ những cây tre già. Còn muốn “du lịch thuyền thúng” thì xin mời ra Đầm Báy, Làng Chài, Hòn Một, Hòn Mun. Trong vài tháng trở lại đây, Ban quản lý Khu bảo tồn vịnh Nha Trang đã đưa chiếc thuyền thúng làm bằng composit, có đáy kính vào khai thác du lịch tại Hòn Mun. Một chiếc thuyền thúng có thể chở hai người và một tay chèo là ngư dân trong vùng. Chòng chành trên chiếc thuyền thúng, khách có thể vừa ngắm cảnh núi non biển trời, vừa có thể ngắm những rạn san hô dưới biển qua đáy kính.

K.V.T.


Thêm một loại rau đắng

Từ làng đến phố ảnh 2

Lâu nay, đặc sản rau đắng thường xuất hiện trong các bữa ăn vùng sông nước ĐBSCL với hai loại rau đắng đất và rau đắng biển. Những tưởng rau đắng chỉ mọc được ở vùng đồng bằng, ven các ao hồ… nhưng mới đây, trong chuyến công tác lên miền núi đá Đồng Văn (Hà Giang), PV Tuần san SGGP Thứ Bảy ghi nhận thêm một loại rau đắng mới, tạm gọi là rau đắng núi (ảnh) . Trong các buổi chợ phiên vào chủ nhật, rau đắng núi được đồng bào Mông hái từ những vách đá tai mèo ẩn trong mây mù, mang xuống chợ phiên bán hay trao đổi hàng hóa. Rau đắng núi thoạt nhìn giống đọt nhãn lồng nhưng khi luộc hay xào với trứng, thịt bò thì có vị thơm khó tả. Nhai kỹ rau đắng núi, sau vị đắng nhẫn là vị ngọt dịu, ăn rất mát nên có tác dụng giải nhiệt. Giá rau đắng núi bán tại chợ Đồng Văn là 2.000 đồng/bó.

MINH ANH

Khổ vì hủ tục!

Khi người vợ chẳng may qua đời, một thời gian sau, người chồng phải trở về bên nội còn con cái của họ thì giao cho bên ngoại quản lý, nuôi dưỡng, bất luận hoàn cảnh kinh tế như thế nào. Đó là luật tục “Trở về” đang tồn tại ở một số địa phương vùng đồng bào dân tộc Êđê (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).

Ở buôn Thống Nhất, xã Suối Trai ,cô H’Din, 23 tuổi, đang khốn khổ vì luật tục này. Mẹ mất cách đây ba năm, H’Din phải đứng ra gánh vác việc nhà và nuôi nấng 8 đứa em để bố trở về bên nội. Hôm chia tay đàn con, bố H’Din chỉ biết khóc hết nước mắt… Ma Lin, Bí thư xã Suối Trai, rất bức xúc vì luật tục nói trên nhưng ông cũng đành bó tay. Ông giải thích: “Đây là quy định có từ lâu đời theo chế độ mẫu hệ của người Êđê nên rất khó bỏ. Chúng tôi chỉ biết vận động các gia đình sinh ít con để lỡ mẹ có mất thì lũ nhỏ cũng đỡ khổ. Sắp tới, xã phải tìm cách vận động bà con xóa bỏ luật tục này, nếu không, mấy nhà nghèo tội lắm!”.

THẠCH BÍCH

Bán báo thời cạnh tranh

Từ làng đến phố ảnh 3

Giai đoạn bùng nổ thông tin, các tờ báo cạnh tranh quyết liệt đã đành, người bán báo dạo cũng phải nhanh chân và nhanh miệng thì mới mong bán được nhiều báo. Ở một số tỉnh miền Bắc và cả thủ đô Hà Nội, người bán báo dạo hiện nay đã “trang bị tận răng” các phương tiện hỗ trợ nghề nghiệp. Ví như anh Đỗ Văn Hải (quê Hưng Yên, “tác nghiệp” tại TP Việt Trì, Phú Thọ, ảnh) mỗi ngày, đạp xe đến đại lý giao báo để nhận báo mới và một cuộn băng thu âm các thông tin “nóng hổi” của các tờ báo. Sau đó, Hải đạp xe khắp phố phường, bật máy cát-sét và cho loa nén phát hết cỡ để rao báo. Để “đầu tư” cho máy, loa, bình ắc quy 12 vol, Hải đã bỏ ra 300.000 đồng nhưng bù lại, anh bán được rất nhiều báo mà chẳng phải nhọc nhằn mời mọc.

HƯƠNG LY

Quảng trường biến thành phố bán “xôn”

Vài năm qua, quảng trường đại lộ Nguyễn Tất Thành ngay trung tâm thành phố Qui Nhơn đã trở thành phố bán hàng “xôn”. Từ 5 giờ chiều, những chủ sạp nhà ở gần đó đã dọn hàng ra bán. Ngoài quần áo người lớn, trẻ em có giá rất thấp từ 20.000 - 80.000đ lấy từ TPHCM, còn có nhiều chiếu hàng bán đồ lưu niệm. Chị Minh, 53 tuổi, chủ một quầy hàng bán quần áo cho biết: “Công an đến thì chúng tôi rút đi và khi họ đi, chúng tôi lại bày ra bán tiếp”. Người dân thành phố cũng như khách du lịch rất phiền lòng mỗi khi đi ngang qua khu vực trung tâm này bởi các chiếu hàng chiếm lối đi và khung cảnh nhếch nhác .

PHẠM AN HÒA

Tin cùng chuyên mục