
Không chỉ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước từ 2 đến 3 tỷ đồng/năm bởi cung cách quản lý lỏng lẻo, vô nguyên tắc, hàng loạt kho bãi ở TPHCM hiện nay còn bị chiếm đoạt trái phép để sử dụng vào mục đích riêng. Trong các buổi làm việc với Công ty Kho bãi TP và qua 2 ngày (5 và 20-5-2005) đi khảo sát thực tế, đoàn đại biểu của Ban Kinh tế & Ngân sách Hội đồng Nhân dân TP đã kinh ngạc trước tình trạng vi phạm pháp luật một cách công khai ở lĩnh vực này.
- Lãng phí lớn

Nhà số 555 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh Bình Thạnh trước đây là kho, nay biến thành khu nhà ở.
Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Công ty Kho bãi TPHCM, hiện nay công ty đang được giao quản lý 97 địa điểm kho bãi với gần 200.000m2, tức chỉ chiếm một phần nhỏ tổng diện tích kho bãi toàn thành phố (khoảng hơn 3,1 triệu m2).
Trước đó, theo chỉ đạo của thành phố, công ty đã chuyển giao 58 địa điểm kho bãi thành tài sản cố định cho các đơn vị đang hợp đồng thuê, với diện tích 64.429m2 kho và 69.294m2 bãi. Vì vậy doanh thu kho bãi trong thời gian này cũng đã giảm đi đáng kể.
Việc chuyển giao kho bãi cho các doanh nghiệp làm tài sản cố định sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như nguồn kho bãi này được đưa vào sử dụng đúng mục đích.
Nhưng trên thực tế, hầu hết các đơn vị được giao quản lý, sử dụng kho bãi đều không sử dụng theo nhu cầu, mục đích phát triển kinh doanh của đơn vị mình mà thường cho thuê đi thuê lại. Phần lớn đối tượng thuê kho bãi kiểu này là những “đầu nậu” chuyên kinh doanh bất động sản. Họ “bao tiêu” rất nhiều kho bãi của các doanh nghiệp nhà nước, rồi sau đó cho thuê lại với mức giá cao hơn để hưởng chênh lệch.
Công ty Kho bãi TPHCM cho biết, theo quy định của UBND TP, kho bãi trên địa bàn thành phố cho thuê phải được tính theo mức giá do UBND TP ấn định. Giá thuê kho loại kiên cố là 20.000đ/m2, bán kiên cố là l2.500đ/m2, bãi là 3.600đ/m2… Tuy nhiên, mức giá này, hiện nay dường như chỉ có Công ty Kho bãi thực hiện.
Nhiều đơn vị cho thuê với giá rất cao, nhưng có nơi lại cho thuê rất “bèo”, thấp hơn rất nhiều so với giá quy định để vớt vát trong khi xin chuyển giao kho bãi (vốn đang thuê của nhà nước) thành tài sản cố định cho đơn vị mình. Số kho bãi bị lãng phí kiểu này khá lớn, trong đó khu kho bãi số 20 Nguyễn Đăng Giai (phường Thảo Điền quận 2) bỏ trống nhiều năm nay không sử dụng là một ví dụ khá điển hình.
- Biến kho bãi thành nhà ở
Không chỉ bị để lãng phí, hàng loạt kho bãi của thành phố hiện nay còn bị chiếm đoạt trái phép để sử dụng vào mục đích riêng. Trong tổng số 97 địa điểm kho bãi thuộc quyền quản lý của Công ty Kho bãi TP, đã có 18 kho bãi bị chiếm dụng trái pháp luật để làm nhà ở, sử dụng vào mục đích riêng. Điển hình nổi bật là khu kho bãi 555 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh (2.967m2) vốn thuộc quyền quản lý của Công ty Kho bãi TP từ năm 1988, thế nhưng hiện nay khu vực này đã biến thành nhà ở với 10 căn nhà phố.
Được biết, năm 1992, sau khi Công ty Thương nghiệp Tổng hợp quận Bình Thạnh (đơn vị ký hợp đồng thuê khu kho bãi 555) ngưng hoạt động, UBND quận Bình Thạnh đã có quyết định cho phép cải tạo khu kho bãi này thành nhà ở, và Sở Xây dựng TP cũng đã cấp phép cho xây dựng dãy nhà ở nêu trên.
Trường hợp khu kho 88 Gò Công, quận 5 (diện tích 251m2) cũng vậy. Công ty Vật tư tổng hợp TP ký hợp đồng thuê khu kho này với Công ty Kho bãi TP từ năm 1985, thế nhưng đến năm 1987, công ty này đã tự ý cho phép 6 cán bộ công nhân viên làm nhà ở tại đây, đồng thời ngưng luôn việc tái ký hợp đồng với Công ty Kho bãi TP kể từ năm 1993 đến nay.
Hay như khu kho bãi 176/11 Hậu Giang quận 6 (diện tích 342m2) hiện nay cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Sau một thời gian ký hợp đồng thuê của Công ty Kho bãi TP, từ năm 1989, Công ty Vật tư tổng hợp TP đã tự động cải tạo khu kho bãi này thành nhà ở cho 6 hộ gia đình CBCNV của đơn vị mình. Đáng buồn hơn, đa số cá nhân được doanh nghiệp, công ty cấp cho các căn nhà ở trên đã cho thuê lại, hưởng lợi cá nhân.
- Cần chấn chỉnh quản lý và quy hoạch cụ thể
Tình trạng chiếm dụng, lãng phí kho bãi như kể trên đã kéo dài trong nhiều năm nhưng Công ty Kho bãi TP không có biện pháp quyết liệt nào để thu hồi, ngoại trừ các văn bản báo cáo tới lui, để rồi đi vào quên lãng. Các vị đại biểu HĐND trong đoàn khảo sát đề nghị TP xem lại cách xử lý của một số UBND quận-huyện và Sở Xây dựng TP trong quá trình ra các quyết định cấp phép xây dựng đồng thời xem lại chủ trương cho chuyển đổi kho bãi, tài sản công của nhà nước thành nhà ở cá nhân như đã nêu trên.
Việc tài sản đã được giao cho Công ty Kho bãi TP quản lý mà UBND quận-huyện lại tự quyền định đoạt, và chủ trương biến kho bãi thành nhà ở tư nhân như vậy có thỏa đáng? Trong từng vụ chiếm dụng trái phép kho bãi, cần phải phân định rõ trách nhiệm để xử lý một cách thật nghiêm túc.
Hệ thống kho bãi ở thành phố được tiếp quản sau ngày giải phóng là một tài sản lớn, thế nhưng số tài sản này đến nay vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Cũng vì thế mà công tác quản lý kho bãi lâu nay thiếu sự quan tâm của các cấp, các ngành hữu quan.
Việc sử dụng kho bãi một cách tùy tiện, thiếu quy hoạch, thiếu đầu tư, sửa chữa không những không duy trì phát triển được loại hình dịch vụ kinh doanh kho bãi mà còn gây nhiều thất thoát cho ngân sách nhà nước. Vấn đề cần thiết nhất hiện nay là phải quy hoạch cụ thể để sử dụng, khai thác tài sản kho bãi như thế nào cho hiệu quả và phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
NGUYỄN THU TUYẾT