Đọc sách

Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng

Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng

“Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” là khoảng cách địa lý, nhưng cũng là mốc thời gian ban đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trình Quang Phú chọn thời gian này để bắt đầu công trình nghiên cứu, sưu tầm và sáng tác về nhân vật lịch sử có ảnh hưởng sâu sắc đến thời đại của dân tộc Việt Nam là một chọn lựa đúng đắn.

Tác giả chia cuốn sách thành hai phần chính, không kể phần mở đầu gồm ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và phần phụ lục gồm nhiều bài giới thiệu khen ngợi tác phẩm trên các báo. Đây là những khẳng định quan trọng đối với một công trình văn học, văn hóa về lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trong lần tái bản thứ 9 này, tác giả đã đưa phần hồi ký lên đầu.

Phần I, tác giả ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi trong đời của một số người may mắn được gặp Bác. Những trạng thái tâm lý trong những thời khắc lịch sử, từ luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo đến anh hùng Tạ Thị Kiều, từ nhà thơ Thanh Hải đến các dũng sĩ diệt Mỹ. Trong lần tái bản này có bổ sung hồi ức của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người phụ nữ mà tên tuổi đã đi vào lịch sử. Mỗi người một cảm xúc khác nhau, trong một khung cảnh khác nhau, và tất cả tạo nên một bức tranh sống động về sự đồng cảm của nhân dân đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tác giả đã khắc họa khá tinh vi nên mỗi nhân vật đều tạo được những xúc động mãnh liệt dâng trào đến người đọc.

Phần II, dành cho trí sáng tạo và khối tư liệu phong phú mà tác giả đã tìm kiếm, kiểm định trên 20 năm. Bước vào phần này, độc giả cảm nhận rõ rệt vùng đất địa linh nhân kiệt qua sự phân tích, lý giải khá hợp lý từ dòng sông, ngọn núi 99 tầng cao thấp khác nhau, hình dáng khác nhau mang tên Hồng Lĩnh. Hồng Lĩnh và sông Lam quyện chặt lấy nhau, góp phần hình thành nên tính cách khá khác biệt của con người Nghệ Tĩnh. Đạm bạc mà cương trực. Cần cù, rất mực cần cù, thông minh rất mực thông minh. Giản dị như ngô, khoai, nhưng chân tình và tốt bụng không thua một ai ở một vùng quê nào. Đấy chính là cái tâm lớn của người Nghệ Tĩnh… Những tính cách ấy đã kết tinh vào một con người, mà trên tất cả là lòng yêu nước cháy bỏng, là ý chí độc lập tự cường và sự dấn thân cho nền độc lập của dân tộc: Hồ Chí Minh.

Từ Làng Sen in dấu chân Bác thuở ấu thơ đến những ngày “quan trường” của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Huế, ở Bình Khê (Bình Định), là giai đoạn của những phong ba bão tố mà số phận của một cậu bé như Nguyễn Sinh Cung phải vượt qua và khi đã vượt qua giai đoạn gay gắt của đời một con người này – Nguyễn Sinh Cung đã trưởng thành để bước tiếp vào một thử thách mới với tên Nguyễn Tất Thành.

Giai đoạn tiếp theo là từ Huế vào Phan Thiết, vào trường Dục Thanh để trở thành nhà giáo. Mỗi bước đường là một bước trưởng thành, tuy dài ngắn khác nhau nhưng dường như nhất quán một hoài bão.

Hoài bão ấy đã lóe sáng khi từ Phan Thiết đến Bến Nhà Rồng. Bến Nhà Rồng là nơi hội tụ của bốn phương, hội tụ trên ý nghĩa giao thương, hội tụ nhiều khát vọng và tư tưởng độc lập tự chủ…

Trình Quang Phú biết dừng lại đào sâu nguyên nhân sâu xa hình thành tính cách con người xứ Nghệ - để sau này trở thành lãnh tụ của dân tộc Việt Nam. Người đọc cảm nhận được một Trình Quang Phú biết chắt lọc, dò tìm trong núi sự kiện hoàn cảnh lịch sử và chi tiết nhỏ nhất để hình thành một Hồ Chí Minh lịch sử, thật vĩ đại, thật thần kỳ nhưng cũng thật gần gũi, thật giản dị và minh triết, một con người luôn lấy “dĩ bất biến ứng vạn biến” làm phương châm sống và hoạt động.

Con đường “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” là một đoạn ngắn trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng đây là một đoạn đường mang ý nghĩa quyết định cho một anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh sau này.

(1) Nhà xuất bản Thanh Niên – Bản in lần thứ 9 (tháng 4-2010).

(2) Nhà xuất bản Thanh Niên – Bản in lần thứ 8 (tháng 10-2009).

HOÀNG LẠI GIANG

Tin cùng chuyên mục