Từ Nghị định thư Kyoto đến việc mua bán chỉ tiêu khí CO2

Từ Nghị định thư Kyoto đến việc mua bán chỉ tiêu khí CO2

Nghị định thư Kyoto là nghị định thư của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), được thông qua tại Kyoto vào tháng 12-1997, đưa ra quy định về kiểm soát các khí nhà kính gồm CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs, SF6.

Theo nghị định thư này, tất cả các nước công nghiệp trên thế giới sẽ phải giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ít nhất 5,2% vào năm 2012.

Từ Nghị định thư Kyoto đến việc mua bán chỉ tiêu khí CO2 ảnh 1

Nghị định thư quy định việc ngăn ngừa sự biến đổi khí hậu của trái đất là trách nhiệm chung của các nước, song có phân biệt theo mức độ phát triển kinh tế của mỗi nước.

Các nước phát triển phải chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính. Các nước đang phát triển được khuyến khích tham gia, thông qua việc áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới thân thiện với môi trường.

Theo Nghị định thư Kyoto, các nước công nghiệp phải cắt giảm 8% mức phát thải của năm 1990 trong giai đoạn 2008-2012, trong đó mức cắt thải của Nhật là 6%; Áo, Anh, Đan Mạch, Đức và Luxemburg là 5 quốc gia cần phải có mức cắt thải cao hơn. Chứng chỉ này phụ thuộc vào mức phát thải khí nhà kính của nước đó.

Để có hiệu lực, Nghị định thư Kyoto yêu cầu có chữ ký của ít nhất 55 quốc gia trong đó bao gồm những quốc gia - công nghiệp chịu trách nhiệm ít nhất 55% mức phát thải (CO2 và các khí nhà kính khác) của mức năm 1990.

Trước một thực tế là các nước đang phát triển thường không đủ khả năng đầu tư giảm phát thải, Nghị định thư Kyoto đã cho phép các bên tham gia có thể mua, bán quyền phát thải. Một nước phát triển có thể “mua” quyền xử lý khí thải ở các nước đang phát triển để tiến hành xử lý khí thải cho đủ với định mức được giao. Chẳng hạn một nhà máy nhiệt điện của Việt Nam phát thải 10 đơn vị ô nhiễm.

Thông qua Nghị định thư kyoto, nhà máy hợp tác với một nước phát triển để cải tiến công nghệ, giảm phát thải xuống còn 4 đơn vị. 6 đơn vị giảm xuống sẽ được tính vào “kết quả làm được” cho nước đã đầu tư công nghệ.

Còn nhà máy điện ở Việt Nam, tất nhiên họ cũng được lợi, đó là cải thiện được môi trường và tăng sức sản xuất. Đây là cơ hội cho VN nói riêng và các nước đang phát triển nói chung tham gia quá trình ngăn chặn sự nóng lên của khí hậu toàn cầu. Việt Nam đã ký Nghị định thư Kyoto vào ngày 3-12-1998 và phê chuẩn vào ngày 25-9-2002.

Tại TPHCM, việc mua bán quyền phát thải đang được bắt đầu. Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết: một công ty của Hà Lan tham gia xử lý nước rỉ rác tại các bãi rác ở TPHCM đã từng đưa ra giá 3,5 USD cho một tấn CO2.

Gần đây, một công ty Nhật đã đưa ra giá khoảng 9-12USD cho một tấn CO2. Trong tương lai nếu việc mua bán hoàn tất thì các chất thải ở các bãi rác Phước Hiệp và Đa Phước sẽ có khả năng… biến thành tiền.

Như vậy, tham gia Nghị định thư Kyoto là cơ hội lớn để Việt Nam và các nước đang phát triển khác kêu gọi đầu tư từ các nước phát triển nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, tiếp cận những tiến bộ trong sản xuất công nghiệp.

MINH THẢO

Tin cùng chuyên mục