Từ Olympic 2020 đến SEA Games 31

Tròn một năm nữa Olympic Tokyo 2020 dự kiến sẽ diễn ra ở Nhật Bản. Theo thông lệ, 365 ngày trước sự kiện là cột mốc đếm ngược rất quan trọng. Nhưng sau một lần đã đếm ngược và bị hoãn đến năm 2021 vì dịch Covid-19, giờ đây câu chuyện thời gian lại quay về chủ đề cũ: Liệu Olympic có thể diễn ra được hay không?

Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) liên tục họp bàn và đánh giá những tác động xấu của dịch Covid-19 lên toàn bộ hệ thống thi đấu thể thao quốc tế. Việc hoãn Olympic 2020 đã dẫn đến quá nhiều hệ lụy. Ví dụ như Olympic trẻ năm 2021 đã phải hủy, chuyển sang thi đấu vào năm 2026. Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 cũng đứng trước thách thức nghiêm trọng. Nếu Tokyo 2020 không thể diễn ra vào năm 2021 thì chắc chắn sự kiện Thế vận hội mùa đông cũng không thể tổ chức.

Làng thể thao thế giới đang thực sự hoang mang khi “lá cờ đầu” Olympic Tokyo 2020 bị cân nhắc nên tiếp tục hay phải hủy hẳn. Còn với IOC, bây giờ không phải là nước chủ nhà Nhật Bản có sẵn sàng để tổ chức hay không mà là các quốc gia đã sẵn sàng tham dự sự kiện lớn nhất hành tinh hay chưa và góp mặt đến mức độ nào? Quá trình tuyển chọn VĐV ra sao khi dịch Covid-19 vẫn đang làm ngưng trệ hoạt động thi đấu ở rất nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là tại châu Mỹ với lực lượng VĐV hùng hậu.

Về nguyên tắc, Olympic là ngày hội tranh tài của những tinh hoa thể thao thế giới được sàng lọc, thử thách qua hàng loạt cuộc thi quốc tế suốt gần 2 năm trời. Như vậy, nếu quá trình sàng lọc ấy không diễn ra thì thành tích thi đấu ở Tokyo 2020 sẽ chẳng còn mang ý nghĩa trọn vẹn. Vấn đề là hiện nay, khi chỉ còn 1 năm nữa nhưng lịch thi đấu quốc tế đang bị rối tung lên.

Từ những vấn đề nan giải của Olympic, giới chức thể thao Việt Nam cũng cần chuẩn bị phương án dự phòng cho SEA Games 31 diễn ra ngay trên sân nhà. Như đã nói, đây không phải là câu hỏi dành cho quốc gia đăng cai mà phải đặt tầm nhìn xa lên toàn bộ cộng đồng thể thao ASEAN, thậm chí phải bám sát những diễn biến hoạt động của châu Á, Olympic.

Mặc dù SEA Games 31 do Hà Nội đăng cai diễn ra vào cuối năm 2021 nhưng có khá nhiều bài học cần được ngành thể thao Việt Nam đúc rút ngay từ lúc này. Ví dụ như hiện nay, phân nửa người dân Tokyo tham gia khảo sát đề nghị nên ngưng hẳn Olympic. Họ cho rằng nếu tổ chức trong hoàn cảnh dịch bệnh còn phức tạp ở nhiều nơi sẽ chỉ tăng thêm gánh nặng tài chính. Hàng tỷ đô la đã được chi ra xây dựng cơ sở vật chất chắc chắn không thể thu hồi được nhưng nếu không tổ chức sẽ tiết kiệm chi phí vận hành. Ngược lại, nếu tổ chức mà không có khán giả, không khách du lịch thì sẽ mất nguồn thu và ý nghĩa.

Đem việc này áp dụng cho SEA Games 31 có khi cũng không thừa. Hiện tại, chúng ta mới vừa thành lập Ban tổ chức đại hội và bắt đầu “bấm máy” chuẩn bị hệ thống cơ sở vật chất nên chẳng thể đánh giá được mức độ tác động từ dịch Covid-19. Theo kế hoạch, đa số chi phí cho kỳ SEA Games 31 là dành cho sửa chữa và nâng cấp các công trình phục vụ thi đấu tại Hà Nội và 10 tỉnh lân cận, ngoài ra là chi phí mua sắm trang thiết bị, tập huấn nguồn nhân lực. Nên đến thời điểm này, việc đăng cai SEA Games về lý thuyết vẫn chưa gây thiệt hại tài chính cụ thể.

Công bằng mà nói, SEA Games 31 có diễn ra hay không, ở thời điểm hiện nay, hoàn toàn không phụ thuộc vào chúng ta. Diễn biến dịch bệnh trên thế giới, ngay tại Đông Nam Á vẫn có thể kéo dài. Tính chất của SEA Games cũng không quá bức thiết đến mức các nền thể thao khu vực phải vội vã đề cập đến chuyện có tổ chức hay không.

Những biến động chung của Olympic, các giải thể thao lớn trong năm 2021 có thể tác động đến kế hoạch của một số quốc gia Đông Nam Á có nền thể thao mạnh như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines… nên Hội đồng Thể thao Đông Nam Á còn lo tới khả năng họ “bỏ” SEA Games hoặc chỉ cử lực lượng VĐV trẻ tham dự.

Tin cùng chuyên mục