Tư thế tự hào

Giá như đội tuyển U23 lên ngôi vào đêm 17-12 đầy kỳ vọng, thì hẳn là thể thao Việt Nam đã chia tay kỳ SEA Games thứ 25 với sự viên mãn nhất. Giá như, những giọt nước mắt ngậm ngùi của các học trò HLV Calisto được thay bằng những giọt nước mắt hạnh phúc, thì hẳn là bóng đá Việt Nam thăng hoa trọn vẹn sau 50 năm đau đáu đợi chờ.

Giá như đội tuyển U23 lên ngôi vào đêm 17-12 đầy kỳ vọng, thì hẳn là thể thao Việt Nam đã chia tay kỳ SEA Games thứ 25 với sự viên mãn nhất. Giá như, những giọt nước mắt ngậm ngùi của các học trò HLV Calisto được thay bằng những giọt nước mắt hạnh phúc, thì hẳn là bóng đá Việt Nam thăng hoa trọn vẹn sau 50 năm đau đáu đợi chờ.

Dù tiếc quặn lòng về chiếc HCV môn bóng đá nam, nhưng hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đã mở lòng chấp nhận thực tế, rằng các cầu thủ trẻ của Malaysia đã chơi hay hơn, không còn nét ngờ nghệch và dễ vỡ vụn như ở trận thua 1-3 trước U23 Việt Nam ở vòng đấu bảng nữa. Thêm một lần, chúng ta lại lỗi hẹn với ngôi đầu ở đấu trường SEA Games...

Gác lại sự tiếc nuối ấy, thể thao Việt Nam còn khối điều đáng mừng, đáng tự hào khác ở kỳ đại hội khu vực thứ 25 này. Việt Nam giành vị trí thứ nhì toàn đoàn với 83 chiếc HCV, vượt hẳn chỉ tiêu so với trước ngày lên đường (chỉ hy vọng giành 70 - 75 HCV). Thậm chí, ở 2 ngày thi đấu cuối, chúng ta đã tạo ra cuộc cạnh tranh căng thẳng với cường quốc thể thao số 1 của khu vực là Thái Lan. Nhưng như thế đã là quá tuyệt vời đối với thể thao Việt Nam.

Bởi lẽ rằng, đây là lần đầu tiên sau khi hội nhập trở lại với phong trào thể thao Đông Nam Á, Việt Nam mới vươn lên hạng nhì chung cuộc trong thế phải “mang chuông đi đánh xứ người”. Thành tích vượt ngưỡng này chỉ kém so với kỳ SEA Games thứ 22 - 2003 khi chúng ta là nước chủ nhà.

Cuộc đua ở nước bạn Lào quả đã rất sôi động và quyết liệt. Cùng 10 đoàn bạn, Việt Nam đã tạo nên một kỳ đại hội thể thao đúng nghĩa “nhanh hơn, cao hơn và xa hơn” và không để xảy ra tì vết buồn. Rõ ràng, mỗi cá nhân VĐV Việt Nam đều đã chứng tỏ được tài năng của mình, và hơn nữa, mỗi người trong số họ đều bước vào các cuộc tranh tài với thông điệp “mỗi VĐV chính là sứ giả của tình hữu nghị”, như lời dặn dò của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trước ngày khai mạc SEA Games 25.

Dẫu biết rằng, thể thao luôn tồn tại 2 hình ảnh trái ngược thắng và thua, luôn song hành 2 cảm xúc thăng hoa và ngậm ngùi, nhưng với những gì các VĐV Việt Nam thể hiện ở kỳ SEA Games này, chúng ta có thể tự hào về ngày hội đã qua. Tự hào vì chính các VĐV Việt Nam đã miệt mài đóng góp một phần công sức trong sự phát triển chung của phong trào thể thao Đông Nam Á tiến bộ.

Hình ảnh chiến thắng của các cô gái vàng bóng đá, của Vũ Thị Hương, Nguyễn Đình Cương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện trên đường chạy điền kinh, của đô vật Mẫn Bá Xuân, lực sĩ cử tạ Dương Thanh Trúc, xạ thủ Ngô Hữu Vượng, kình ngư Nguyễn Hữu Việt, cua-rơ Bùi Minh Thụy, tay vợt Đoàn Kiến Quốc, tay cơ Trần Đình Tiến... đã thay lời nói lên tất cả.

Sau “hội làng”, thể thao Việt Nam và bạn bè trong khu vực sẽ bắt đầu chuẩn bị cho cuộc tranh tài lớn hơn, khắc nghiệt hơn là Asian Games 2010 diễn ra ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tất nhiên, giữa hai sân chơi này, có sự khác biệt rất xa về trình độ, nên không có nghĩa chúng ta vừa thắng lớn ở hội làng, sẽ tiếp tục thắng lớn như thế ở Asian Games. Cuộc chơi châu lục cần một chiều sâu về chiến lược đầu tư lực lượng, đặc biệt ở những môn thuộc hệ thống thi đấu của Olympic, như điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn súng, bóng bàn, judo, xe đạp... nhưng sau kỳ SEA Games 25 thành công viên mãn, thể thao Việt Nam có thể coi đó là bước đệm quan trọng để kỳ vọng vào dấu ấn sẽ tạo được ở sân chơi hàng đầu châu lục ấy.

Thể thao Việt Nam hôm qua đã chia tay ngày hội khu vực trong tư thế tự hào. Vì thế, hãy hy vọng rằng, ngày mai, chúng ta cũng sẽ chia tay Asian Games 2010 trong ánh mắt nể phục của bạn bè châu Á...

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục