Dạo này thị trường chứng khoán chớp xanh liên tiếp, sàn TPHCM tăng điểm hơn 10 phiên. Trên thông tin đại chúng bắt đầu xuất hiện một số lời khuyên, đại loại như “bình tĩnh trước cơn sốt nóng”.
Nghe xong, người nắm giữ cổ phiếu đang tăng giá có lời có thể khó chịu, kẻ đang “ôm” cổ phiếu lỗ chắc chắn sẽ không hài lòng. Còn người đứng đầu ngành tài chính cũng không vui, bởi lẽ đây là hàn thử biểu của nền kinh tế, kênh hút vốn cực kỳ quan trọng nhưng từ năm 2009 đến nay, thị trường này gần như chỉ đi xuống, nhà đầu tư nản lòng quay lưng, các công ty chứng khoán sáp nhập hoặc đóng cửa!
Thị trường địa ốc khó khăn từ năm 2008, cũng từ đó xuất hiện muôn ngàn lời bình luận hết sức tiêu cực. Chẳng hạn như nhận định bong bóng địa ốc vỡ tới nơi, đặc biệt năm ngoái, một “chuyên gia” đưa ra nhận định thị trường phải hạ xuống 40% mới phù hợp. Nhưng chắc chắn rằng nhiều “chuyên gia” cũng không thể lường được, mới hạ giá 20% mà trên 500 căn hộ đã bán sạch trong vòng một tháng - trường hợp chung cư An Tiến, Nhà Bè, hút về trên ngàn tỷ đồng!
Việc bình luận, nhận định xuất phát từ nhiều giới khác nhau, mạnh miệng nhất vẫn là các vị gọi là “chuyên gia”. Lời khuyên xuất hiện khi thị trường chứng khoán, địa ốc, vàng có biến động quá lớn: tăng quá cao hoặc xuống quá thấp. Đương nhiên sự biến động của hàng hóa này dựa trên cơ sở từ chính sách vĩ mô, biến động của thế giới… nhưng chắc chắn không ai dự đoán được rằng lại có sự kiện “khùng điên” của thị trường bất động sản như năm 2007.
Mặt khác, việc “phán” về thị trường rất khó thuyết phục bởi thiếu tính khách quan: chủ dự án nhà ở sẽ nhận định về thị trường tùy thời điểm, tất nhiên không thể “nói xấu” khi lúc chuẩn bị hoặc đang bán hàng, hoặc bảo vệ quan điểm làm nhà diện tích nhỏ vì rất có lời; kẻ đầu cơ sẽ nói khác với người ít tiền không có khả năng mua nhà; còn các “chuyên gia” sẽ chắc như đinh đóng cột nhận định của mình có “cơ sở”.
Năm 2008, kinh tế thế giới chao đảo, ngay lập tức kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề. Khi đó, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital trao đổi với người viết, nói vui về một tương lai chung chung thì được chứ không dám phán đoán chính xác khi nào kinh tế thế giới trong đó có kinh tế Việt Nam khởi sắc. Ông đưa ra ví dụ, nhiều công ty của Mỹ, sừng sỏ như Ngân hàng Lehman Brothers tồn tại hơn trăm năm, trong tay có không biết bao nhiêu chuyên gia, cố vấn cao cấp phân tích từng chân tơ kẽ tóc thế mà vẫn bể như thường. Rõ ràng, giữa thực tế và lý thuyết luôn có khoảng cách, nhưng việc bình luận nhăng cuội sẽ gây nên nhiễu loạn thông tin đối với thị trường. Khi sự thật bị méo mó vì bình luận, không biết “chuyên gia” có bị tổn thương lòng tự trọng?
LƯƠNG THIỆN