
Hàng trăm câu hỏi của bạn đọc gửi đến Báo SGGP trong buổi giao lưu trực tuyến vào chiều 13-3. TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, Th.S Nguyễn Văn Đương – Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Th.S Trần Đình Lý – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, thầy Hồ Xuân Hòa – Trưởng phòng Đào tạo và Quản lý khoa học Trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh đã giúp thí sinh hiểu rõ hơn chính sách tuyển sinh mới cũng như sự lựa chọn ngành nghề, trường phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân, trước khi đặt bút điền hồ sơ đăng ký dự thi. Mời bạn click vào đây để xem chi tiết cuộc giao lưu.
- Sân khấu - điện ảnh: Nghề lắm công phu
Với vầng hào quang và sự lấp lánh của cuộc sống “ngôi sao”, lĩnh vực sân khấu - điện ảnh đã thu hút sự chú ý chung. Bạn đọc Minh Quân (Phú Nhuận) thắc mắc ngành nào ở trường phải sơ tuyển đầu vào? Ngành nào không phải sơ tuyển? Thầy Hồ Xuân Hòa giải đáp: “Chỉ có ngành cao đẳng diễn viên kịch - điện ảnh phải qua vòng sơ tuyển. Còn tất cả các ngành khác không phải sơ tuyển”.
Có bạn đọc ưu tư: trong các ngành trường đào tạo, ngành nào tốn nhiều chi phí nhất, ngành nào ít nhất để “liệu cơm gắp mắm” và nhà trường có kế hoạch gì để giúp sinh viên ra trường? Theo thầy Hòa, ngành diễn viên cải lương có chi phí thấp nhất (sinh viên được giảm 70% học phí/năm). Nhà trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi về mặt tổ chức sau khi thí sinh tốt nghiệp ra trường xin việc làm. Vấn đề thu nhập còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của bản thân sinh viên ra trường.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh Q1 tìm hiểu ngành nghề đào tạo của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: Mai Hải.
Đi sâu vào ngành nghề đào tạo, bạn Kiều Mai Hoa, Bình Thuận hỏi: Ngành nào có tỷ lệ “chọi” cao nhất? Và chọn ngành căn cứ trên tỷ lệ “chọi” hay vào năng khiếu của mình? Thầy Hòa tư vấn: Ngành diễn viên kịch - điện ảnh có tỷ lệ “chọi” cao nhất. Khi quyết định chọn vào ngành nào, thí sinh nên căn cứ vào năng khiếu của mình. Tỷ lệ “chọi” chỉ để tham khảo.
Nhiều bạn đọc thắc mắc: vòng thi sơ tuyển năng khiếu ở trường bao gồm hát + đọc thơ + tiểu phẩm tự chọn không quá 6 phút. Như vậy, mỗi TS phải thi luôn cả 3 phần trên hay chỉ 1 trong 3? Trường có ấn định tỷ lệ % vòng chung tuyển hay phụ thuộc vào năng khiếu của TS?
Thầy Hòa giải đáp: Bắt buộc TS phải thi cả 3 phần: Hát, đọc thơ và tiểu phẩm. Trường sẽ chọn từ 250 đến 300 thí sinh vào chung tuyển. Theo thầy Hòa, ngành đạo diễn điện ảnh của Trường CĐ Sân khấu Điện ảnh TPHCM có thể học liên thông lên ĐH. Nếu muốn học lên cao hơn nữa (sau ĐH), TS học tại Viện Văn hóa nghệ thuật Hà Nội. Không có thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành đạo diễn điện ảnh mà chỉ có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ nghệ thuật.
Như vậy, con đường đi của nghệ thuật rất dài, không chỉ phụ thuộc vào năng khiếu mà còn vào niềm đam mê của những ai trót dấn thân.
- Không quan tâm đến những ngành “hot”
Khác với những năm trước, năm nay các em muốn thi vào những trường thuộc khối tài chính - ngân hàng không tập trung vào những ngành “hot”, những trường có tiếng mà tập trung vào năng lực, đi sâu vào tìm hiểu các ngành nghề để cân nhắc kỹ trước khi đăng ký.
Một em phân vân “chuyên ngành kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc ngành kinh tế Trường ĐH Kinh tế TPHCM sẽ học được những chuyên môn gì? Và nó có khác gì so với nhóm ngành nông nghiệp nông thôn ở Trường ĐH Nông Lâm TPHCM? Có em dù đã tự lượng sức mình nhưng trước sức ép của gia đình cũng bị lung lay ý chí và cũng đã mạnh dạn đặt câu hỏi trực tiếp.
Bạn Thanh Nhan rất thích hai ngành kinh doanh bảo hiểm và chứng khoán nhưng gia đình lại không cho đăng ký thi vào hai ngành này vì sợ khủng hoảng kinh tế kéo dài. Và trước ngã rẽ cuộc đời, các em phải nhờ đến lời khuyên từ các thầy để ra quyết định.
Không giống như những thí sinh chuẩn bị thi lần đầu tiên, nhiều thí sinh đã tốt nghiệp THCN mong muốn tìm kiếm cơ hội để học lên cao hơn. Trước những câu hỏi này, Th.S Nguyễn Văn Đương - Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo - Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM động viên: việc đầu tiên là các thí sinh phải tìm hiểu để được liên thông đúng ngành của trường cao đẳng có đào tạo ngành đó. Sau khi tốt nghiệp CĐ, nếu vẫn còn ý chí và quyết tâm, các thí sinh có thể học hoàn chỉnh đại học để nhận được bằng cấp cao hơn.

- Nhiều bạn trẻ chấp nhận “dấn thân”
Trước mỗi kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ, bao giờ sự lựa chọn ngành nghề dự thi cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm nhất. Trong những lần giao lưu trực tuyến trước đây do Báo SGGP tổ chức, những câu hỏi về ngành nghề luôn là thắc mắc đầu tiên của các sĩ tử. Trong đó, sự lựa chọn ngành dự thi sao cho dễ đậu mà khi ra trường nghề đó cũng phải thật “hot”, dễ kiếm việc làm.
Bạn Nguyễn Lê Minh ở Đức Hòa, Long An thắc mắc: “Em nghe nói ngành chế biến lâm sản có ít người thi vào. Vậy học ngành này có sợ khó tìm việc làm không? Thu nhập có khá không và nhờ thầy mô tả giúp những môn học trong trường ĐH và công việc chủ yếu sau khi ra trường? Em ngại câu “học đại học lại ra làm… thợ mộc” lắm.
Thắc mắc của bạn cũng là băn khoăn chung của nhiều học sinh trước ngưỡng cửa đại học, việc chọn ngành sao để đáp ứng nhu cầu kinh tế bao giờ cũng được ngắm tới. Th.S Trần Đình Lý, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: Câu hỏi này của em rất có ý nghĩa. Đây là ngành học “thiếu người thừa việc”. Các doanh nghiệp đang rao tuyển rất nhiều, mức lương khá cao (từ 6 - 8 triệu đồng/tháng) nhưng vẫn không tuyển được vì... đầu vào ít.
Xu thế lựa chọn ngành nghề cũng có nhiều thay đổi khi ngày càng có nhiều bạn trẻ bắt đầu quan tâm đến những ngành lạ, ngành “độc” để khẳng định năng lực bản thân. “Em nghe tên ngành công nghệ sản xuất động vật hơi là lạ nhưng khá thú vị. Em muốn biết ngành này đào tạo những gì và ra trường sẽ làm việc gì?”.
Hay câu hỏi: “Nếu học ngành dược thú y và bác sĩ thú y khi ra trường có thể làm việc ở đâu vì em thấy ở nước ta chưa phát triển chăm sóc vật nuôi. Ngành này tương lai có triển vọng không thưa thầy? Thầy cho em biết điểm chuẩn năm rồi ngành này lấy bao nhiêu?” của một bạn gái ở Đồng Nai cho thấy nhiều bạn đã chấp nhận “dấn thân” vào những ngành chưa “hot” nhưng có nhiều tiềm năng.
NHÓM PV
Quy tắc xét tuyển từng nguyện vọng * Năm ngoái em có đọc thông tin trên báo thấy một số thí sinh không được phép thi do bị mất giấy tờ. Vậy xin thầy mách giúp khi đi tàu xe, giấy tờ nên cất ở đâu để tránh tình trạng rơi rớt hay bị móc túi? * TS Nguyễn Đức Nghĩa: Tất nhiên, bên cạnh sự bảo vệ của các lực lượng an ninh, cảnh sát để duy trì trật tự công cộng của xã hội, để tránh mất mát không chỉ giấy tờ mà còn nhiều thứ tư trang khác, thí sinh cần có tinh thần cảnh giác khi đi tàu xe và các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên cũng lưu ý thí sinh rằng trong trường hợp xấu nhất khi thí sinh mất tất cả giấy tờ tùy thân, kể cả giấy báo thi, trong những ngày kề cận ngày thi, thí sinh vẫn có thể đến địa điểm thi đã được quy định để dự thi. Khi đó, thí sinh sẽ được các cán bộ coi thi hướng dẫn làm các thủ tục cam đoan để có thể tham gia kỳ thi. * Em muốn hỏi cụ thể về quy chế tuyển sinh của các trường. Nếu thi ĐH tụi em sẽ có 3 nguyện vọng. Vậy quy tắc của việc xét tuyển tuyển từng nguyện vọng là như thế nào? Cả 3 nguyện vọng đều có thể là trường công hay nguyện vọng 3 phải là 1 trường bán công? * TS Nguyễn Đức Nghĩa: Thí sinh cần lưu ý rằng khi làm hồ sơ ĐKDT, mỗi thí sinh chỉ có 1 nguyện vọng (được gọi là nguyện vọng 1 - NV1). Cũng cần lưu ý rằng không phải là khi làm một bộ hồ sơ ĐKDT là sẽ có 1 NV, vì trong mỗi đợt thi, mỗi thí sinh chỉ có thể dự thi ở một trường duy nhất. Thí sinh chỉ có thể có NV2, NV3 khi hội đủ các điều kiện cần tối thiểu sau đây: |
Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Bộ GD-ĐT “thổi còi” một số trường tự thông báo tuyển sinh
(SGGP). – Ngày 13-3, TS Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Việc đăng tải các ngành đào tạo trong cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2009” phải là những ngành đã có quyết định mở ngành của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, sau khi cẩm nang được phát hành, nhiều trường đã tự thông báo mở thêm những ngành học mới. Cụ thể, Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương đã “đính chính” lại cuốn “Những điều cần biết…” với 4 chuyên ngành Kỹ thuật Xét nghiệm y học; Kỹ thuật Hình ảnh y học; Kỹ thuật Vật lý trị liệu/Phục hồi chức năng; Điều dưỡng đa khoa.
Tuy nhiên, ngày 13-3, Bộ GD-ĐT đã có công văn 1987/BGD ĐT-VP khẳng định: tại Quyết định số 451/QĐ-BGDĐT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao cho ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương chỉ được đào tạo hệ chính quy 2 ngành: Điều dưỡng và Kỹ thuật Y học.
ĐH Ngoại thương cũng vừa thông báo tuyển sinh thêm 2 ngành học mới chưa có trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2009” gồm: Kinh doanh quốc tế và ngành Kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, Vụ Giáo dục đại học cũng khẳng định, việc thông báo tuyển sinh này là không hợp lý vì 2 ngành trên mới được phê duyệt từ ngày 4-3-2009. Trong khi đó, tại văn bản số 496/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn nhiệm vụ, công tác tuyển sinh 2009 nêu rõ: đối với những ngành mở sau ngày 31-1-2009 sẽ tuyển sinh vào năm 2010.
V. LAN