Mặc dù mức lãi đối với 1 lít xăng hiện đã đạt tới 1.300 đồng/lít, nhưng các doanh nghiệp vẫn không thể bù được mức lỗ quá lớn trong thời gian qua vì sắp phải quyết toán cho năm tài chính. Giá xăng dầu nên được điều chỉnh như thế nào? Đây là những vấn đề nóng bỏng đối với mặt hàng xăng dầu kể từ ngày 21-7 đến nay.
Tránh tiêu cực từ việc khoanh lỗ và bù lỗ
Ngày 1-8, Công ty Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) đã chính thức gửi bản kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công thương về việc định giá xăng sau ngày 21-7 (thời điểm Chính phủ cho tăng giá xăng dầu) và bù lỗ mặt hàng xăng đến trước thời điểm tăng giá bán lẻ.
Theo đó, từ đầu năm 2008, giá xăng dầu thế giới tăng cao nhưng Nhà nước đã không điều chỉnh tăng giá bán lẻ. Kết quả, đến ngày 21-7, Saigon Petro đã bị lỗ rất nặng, lên tới 299 tỷ đồng. Theo kiến nghị của Saigon Petro, Nhà nước nên khoanh lỗ và bù lỗ phát sinh cho DN trước ngày 21-7. Mặt khác, trong thời điểm giá xăng thế giới đang giảm khá mạnh, nếu Nhà nước bù lỗ cho DN thì có thể giảm giá bán lẻ trong nước xuống nhằm tránh tình trạng để mức chênh lệch giá bán lẻ quá lớn so với giá vốn nhập khẩu.
Theo tính toán của các công ty, nếu giá xăng nhập khẩu từ Singapore đứng ở mức 124 USD/thùng, cộng các khoản thuế, phí thì các DN đang có mức lãi khá lớn từ 1.200 - 1.300 đồng/lít, trong khi lãi định hướng chỉ ở mức từ 150 – 200 đồng/lít. Các DN cũng hiểu rằng, Chính phủ đang cho các DN đầu mối “lấy lãi bù lỗ”.
Trên thực tế, trong số 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu, hiện chỉ có 4 DN thực hiện nhập theo quota, số còn lại họ không chịu nhập vì càng nhập thì càng lỗ! Việc cho DN lãi lớn như vậy, vô hình trung Chính phủ đang đánh đồng cho các DN nhập khẩu không đúng quy định cũng được hưởng mức lãi cao như các DN bị lỗ nặng (Petrolimex mức lỗ lên tới 1.600 tỷ đồng, Petec lỗ gần 400 tỷ đồng).
Cách làm này cũng sẽ tạo điều kiện cho các DN không bị lỗ nhiều tăng cường nhập khẩu, bán phá giá, tăng thù lao… cho các tổng đại lý và đại lý. Điều này đồng nghĩa, lợi nhuận từ việc tăng giá xăng sẽ chạy vào túi các tư thương và như vậy việc cho các DN lấy thời kỳ lãi bù lỗ sẽ mất ý nghĩa. Hơn nữa, chỉ còn 5 tháng nữa là hết năm tài chính, DN sẽ khó quyết toán với số lỗ này. Báo cáo tài chính xấu sẽ rất khó cho các DN khi quan hệ với đối tác nước ngoài, ngân hàng.
Làm việc với PV Báo SGGP, đồng chí Phạm Văn Bự, Phó Văn phòng Thành ủy TPHCM cho rằng, Thành ủy ủng hộ quan điểm của các DN bị lỗ nặng, tức Nhà nước nên khoanh lỗ và bù lỗ cho DN nhằm đảm bảo công bằng cũng như quyền lợi cho người tiêu dùng trong nước khi giá xăng thế giới đã giảm. Làm được điều này sẽ loại bỏ được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN kinh doanh xăng dầu.
Nên “thả” theo giá thế giới?
Cùng với việc đề xuất nhà nước khoanh lỗ và bù lỗ, một vấn đề được hầu hết các DN đầu mối quan tâm đó là có thể điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc nào khi giá thế giới tăng hoặc giảm và đặc biệt trong thời điểm giá xăng dầu đã giảm? Ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty Dầu khí TPHCM cho rằng, Nhà nước nên có chủ trương áp thuế (ví dụ thuế nhập khẩu khi giá xăng thế giới giảm mạnh) để tạo nguồn ngân sách nhằm bù đắp phần lỗ của các DN trước ngày 21-7. DN sau khi tính thuế nhập khẩu cũng phải định giá xăng theo giá thị trường và có báo cáo cho các bộ theo quy định.
“Chúng ta không nên kềm giá mà để người tiêu dùng quen với việc lên, xuống giá thường xuyên. Làm được việc này có thể triệt tiêu việc tâm lý tăng giá kiểu “té nước theo mưa” khi xăng tăng giá” – ông Sang nhấn mạnh.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đồng quan điểm, đứng về góc độ thị trường, Nhà nước chỉ nên can thiệp, khắc phục những khuyết tật từ thị trường. Nhà nước chỉ nên điều tiết giá cả các mặt hàng trọng yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng con người. Vậy những mặt hàng nào nằm trong danh mục này, Nhà nước cần sớm lập ra để thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Trở lại với mặt hàng xăng dầu, “Đây là mặt hàng vô cùng thiết yếu nhưng về lâu dài Nhà nước không nên can thiệp vì cách làm này không khả thi. Nhà nước đã không còn bù lỗ cho xăng thì nên thả nó về cho quy luật điều tiết giá lên, xuống của thị trường. Đây chính là cách để làm minh bạch giá trị của nó. Mặt khác, chúng ta đang hội nhập, đã có nhiều mặt hàng chúng ta phải nhập khẩu nên các DN VN cũng như người tiêu dùng tập làm quen với giá lên xuống thế giới là hoàn toàn hợp lý” - ông Huỳnh phân tích.
Từ việc các DN xăng dầu bị lỗ, một số chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định, Nhà nước đã cho phép DN định giá xăng, song trên thực tế là vẫn chưa “mở” hoàn toàn đối với mặt hàng này.
Đáng lý giá xăng cần phải điều chỉnh ngay từ đầu tháng 5 chứ không phải chờ đến ngày 21-7 mới đổ dồn vào tăng giá một lần. Cách làm này không ổn, vì với mức tăng quá cao lên tới 4.500 đồng/lít thì người tiêu dùng sẽ rất khó chia sẻ với nhà nước mà trực tiếp là các DN đầu mối xăng dầu.
Xăng dầu luôn vận động theo sự biến động của thế giới, trong khi chúng ta rất khó đoán trước được những gì xảy ra, do vậy việc kiềm chế giá sẽ làm cản trở sự chủ động của các DN.
Thúy Hải