Từ vỡ đập thủy điện ở Lào, nghĩ đến “thân phận lúa vụ 3”

Những ngày cuối tháng 7-2018, câu chuyện vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy ở Lào trong mùa mưa lũ đã làm hàng trăm ngàn nông dân trồng lúa ở ĐBSCL thấp thỏm. Đây là đỉnh điểm của mùa mưa, nước lũ từ sông Mê Công đang đổ về hạ lưu. Câu chuyện hàng chục “quả bơm nước” treo lơ lửng trên dòng Mê Công một lần nữa phát đi thông điệp cảnh báo cho vùng đất dễ bị tổn thương - vựa lúa ĐBSCL.
Người dân Long An thu hoạch lúa chạy lũ
Người dân Long An thu hoạch lúa chạy lũ

Dù hiện tại chưa ghi nhận tác động rõ ràng từ sự cố vỡ đập, nhưng con số từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ghi nhận ngày 26-7, mực nước cao nhất tại Tân Châu là 2,6m và trong 3 ngày từ 27 đến 29-7, mỗi ngày sẽ tăng thêm 10cm (đạt 2,9m ngày 29-7). Nhiều nơi ở đầu nguồn ĐBSCL, nông dân đang thu hoạch lúa ngoài đê bao chạy lũ sớm. Bộ NN-PTNT cũng đã họp khẩn với các thành viên để chỉ đạo các phương án ứng phó sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào có thể ảnh hưởng tới ĐBSCL. 

Có lẽ đây là thời điểm câu chuyện “lũ lụt” sẽ “nóng trở lại” ở vựa lúa sau hơn 12 năm gần như vắng bóng. Cách đây gần 20 năm, mỗi mùa lũ là “một niềm đau” của hàng ngàn nông dân ĐBSCL. Bởi thời điểm tháng 7 và tháng 8 hàng năm là thời điểm nông dân thu hoạch lúa hè thu. Lũ sớm chụp đồng, hàng ngàn hécta lúa đã bị vùi trong biển nước. Thời điểm đó, các nhà khoa học ở Viện lúa ĐBSCL đã “chạy đua với nước lũ” để lai tạo cho ra đời các giống lúa OMCS (Ô Môn cực sớm). Đây là giống lúa ngắn ngày, thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày. Nghĩa là sau khi kết thúc vụ đông xuân khoảng tháng 3, tháng 4, nông dân xuống giống lại vụ hè thu kịp thu hoạch trước khi lũ từ dòng Mê Công đổ về. Cùng với các công trình thủy lợi thoát lũ ra biển Tây, hệ thống đê bao khép kíp cũng được xây dựng ở đầu nguồn 2 tỉnh Đồng Tháp, An Giang để giúp nông dân bảo đảm “ăn chắc” vụ lúa hè thu. Sau khi vắng lũ, không chỉ nông dân Đồng Tháp, An Giang mà cả ĐBSCL chạy đua sản xuất lúa vụ 3 (vụ lúa thu đông). 

GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, đã chỉ ra: “Mục tiêu sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải nhắm đến an ninh lương thực là ưu tiên số một, trong đó thu nhập của nông dân trồng lúa là động cơ để phát triển sản lượng lúa cả nước. Một nghịch lý cần được tháo gỡ là nhà khoa học khuyến khích “phát triển bền vững”, trong khi nông dân cần “thu nhập tăng”. Nông dân không thể chấp nhận một giải pháp kỹ thuật mới, mà sau đó thu nhập của họ không được cải tiến khá hơn”.

Hiện nay, diện tích lúa hè thu muộn và thu đông sớm gần như chồng chéo lên nhau giữa các địa phương. Một số nhà khoa học lâu nay không đồng tình với chuyện sản xuất lúa vụ 3. Bởi sản xuất 3 vụ/năm làm cho đất mau bạc màu, nông dân như “đánh bạc với ông Trời”, bởi mưa bão thất thường rất dễ gặp cảnh ngập lụt… Còn nông dân thì cứ đánh liều sản xuất lúa vụ 3, bởi không trồng lúa, họ làm gì để tạo ra thu nhập mùa nước nổi!? Thật ra câu chuyện lúa vụ 3 là một bài toán nan giải lâu nay của Bộ NN-PTNT.

Về mặt “chỉ tiêu thống kê”, Bộ NN-PTNT rất muốn tận dụng lúa vụ 3 (lúa thu đông) để gia tăng sản lượng nhưng đây là vụ lúa tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất trong mùa mưa bão. Câu chuyện vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy ở Lào là lời “cảnh tỉnh” để Bộ NN-PTNT và các địa phương trong vùng có cách nhìn thấu đáo về cơ cấu sản xuất lúa trong vùng. 

Theo các chuyên gia, nên đặt an ninh lương thực lên hàng đầu, vì đây là cách để phát triển bền vững và ổn định. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo không thể coi thường, vì đó là cách để nông dân bán gạo giá cao. Điều kiện đặt ra là Việt Nam phải có chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý, “không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa”. Những điều cần lưu ý trong quản lý là không nên quá nhấn mạnh đến yếu tố tài nguyên, lao động nhiều, giá nhân công rẻ (xem đó như một lợi thế so sánh) mà phải nâng cao không ngừng yếu tố tri thức trong quản lý và sản xuất, suy nghĩ nhiều đến giá trị gia tăng. Thúc đẩy đầu tư của tư nhân trong nông nghiệp mạnh mẽ hơn, khuyến khích nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn của Bộ NN-PTNT, để tiếp cận công nghiệp hóa. 

Thống kê cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Thái Lan và Việt Nam chiếm gần 50% thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu. Thật sự, đây là con số áp đảo trong cuộc chiến giành thị phần lúa gạo. Riêng Việt Nam, nếu tính về tốc độ tăng sản lượng hơn 40 triệu tấn/4 triệu hécta canh tác, thì  đã vượt xa Thái Lan (30 triệu tấn/10 triệu hécta canh tác). Tuy nhiên, giá trị thu về từ hạt gạo của Việt Nam còn kém Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong vùng. Đây là điều đáng suy nghĩ! Vựa lúa ĐBSCL phải trồng lúa vụ 3 trong mùa mưa lũ, chấp nhận rủi ro để gia tăng sản lượng? Hay đã đến lúc làm 2 vụ lúa/năm mà ăn chắc và “suy nghĩ  nhiều đến giá trị gia tăng” như khơi gợi của GS-TS Bùi Chí Bửu?

Tin cùng chuyên mục