Từ vụ xe container phóng lên vỉa hè, đâm vào nhà dân: Nên thiết kế vỉa hè thế nào?

Cách nay nhiều năm, tại TPHCM đã có một cuộc tranh luận khá gay cấn liên quan đến… vỉa hè. Đó là thời điểm mà Sở GTVT TPHCM cho tiến hành cải tạo và xây mới nhiều đoạn vỉa hè trên địa bàn toàn TP. Thoạt đầu, Sở GTVT TPHCM dự định làm mới lại vỉa hè theo kiểu “vuông thành sát cạnh” tương tự như phần lớn những vỉa hè được xây dựng từ thời Pháp. Tuy nhiên, lúc ấy lại có nhiều ý kiến phản đối và cho rằng, đa phần người dân TP sử dụng xe gắn máy 2 bánh để đi lại. Vỉa hè “vuông thành sát cạnh” sẽ như một cái đê chắn, làm khó người dân trong việc đưa xe ra, vào nhà (nằm sát vỉa hè). Do đó, nên làm vỉa hè “vát” hay chí ít là “tù” để người dân đi lại thuận tiện. Trước sức ép của dư luận, Sở GTVT đã phải điều chỉnh thiết kế nhiều vỉa hè theo hướng có thành vỉa hè, phần tiếp giáp với đường “vát” và “tù”… 

Theo nhiều chuyên gia, thực ra không phải người ta có thể ngẫu hứng làm vỉa hè có thành “vát”, “tù” hay “vuông thành sát cạnh”… Tất cả đều phải có căn cứ khoa học. Vỉa hè ra đời là để phục vụ cho người đi bộ được an toàn trước sự bất cẩn (nếu có) của các phương tiện giao thông. Chính vì vậy, thành của vỉa hè phải được xây dựng theo hình “vuông thành sát cạnh” như một cái đê để hạn chế các phương tiện giao thông mất thắng hoặc lạc thắng lao lên vỉa hè, đâm vào người đi bộ hoặc đâm vào nhà dân nằm sát vỉa hè. Việc tạo “dáng” “vát” hay “tù” chỉ nên được sử dụng ở vài nơi, phục vụ cho nhu cầu đi lại đông đảo của xe gắn máy 2 bánh hoặc xe của người tàn tật.

Trở lại câu chuyện vừa mới xảy ra ở TPHCM, vỉa hè nơi xảy ra vụ xe container đâm vào nhà dân có thành “tù” và khá thấp so với mặt đường. Vụ tai nạn giao thông xảy ra, rất may không có thương vong về người nhưng một lần nữa buộc người ta phải nghĩ đến vỉa hè ở TPHCM. Liệu các vỉa hè hiện nay đã an toàn cho người đi bộ?

AN NHIÊN

>> Xe container lao vào 2 nhà dân

Tin cùng chuyên mục