- Việt Nam chưa có tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng túi sinh học
Ngày 28-10, Quỹ Tái chế chất thải TPHCM tổ chức phát động tháng sử dụng túi thân thiện môi trường. Có thể nói, việc sử dụng ngày càng tăng số lượng túi nylon tại các siêu thị, chợ, điểm bán hàng truyền thống không chỉ gây cho ô nhiễm môi trường mà còn gây tắc đường thoát nước góp phần làm tình trạng ngập lụt tại TPHCM ngày càng nghiêm trọng. Nhưng cách nào để giảm thiểu vấn đề này thì vẫn chưa có lối ra.
Hạn chế túi nylon: Khó khăn chồng chất
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải cho biết, thống kê sơ bộ tại một số các siêu thị cho thấy, siêu thị Big C sử dụng khoảng 20.000 túi/ngày, siêu thị MaxiMark là 10.000 túi/ngày. Con số này còn nhiều hơn tại các siêu thị của Co.opMart, các chợ truyền thống và các trung tâm thương mại khác.
Để hạn chế sử dụng túi nylon, các siêu thị như Co.opMart, Big C, MaxiMark… đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình giảm thiểu sử dụng túi nylon nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Ông Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc marketing Saigon Co.op cho biết, từ năm 2008, Saigon Co.op đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích khách hàng sử dụng túi thân thiện môi trường như phát túi nhiều lần cho khách hàng; khách hàng sử dụng túi nhiều lần khi mua hàng sẽ được tích điểm xanh rồi chuyển thành tiền thưởng; bán túi sử dụng nhiều lần với giá sản xuất… nhưng hiệu quả đạt được rất thấp.
Đơn vị đã tìm hiểu về sản phẩm túi nylon sinh học với mong muốn thay thế túi nylon nhựa đang dùng nhưng cho đến nay vẫn chưa thể ứng dụng. Bà Đỗ Thúy Hằng, Phó Giám đốc quản lý môi trường và kiểm soát chất lượng Saigon Co.op cho biết thêm, nhiều công ty giới thiệu sản phẩm của mình là bao bì tự hủy, nhưng căn cứ vào tiêu chuẩn nào để khẳng định được điều này thì chưa có cơ quan chức năng nào xác nhận. Bản thân đơn vị dù muốn ứng dụng cũng rất phân vân. Hơn nữa, hiện chưa có trung tâm phân tích nào có đủ phương tiện trang thiết bị để phân tích đâu là loại bao bì tự hủy, bao bì tự rã hay bao nylon thông thường.
Cho đến nay nước ta vẫn chưa có tiêu chuẩn quốc gia về bao bì sinh học. Những đơn vị sản xuất ra sản phẩm này phải tự công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm của mình. Ông Lê Lộc, Giám đốc Công ty Bao bì tự hủy Phú Lê Gia cho biết, công ty đã tìm đến Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để yêu cầu chứng nhận sản phẩm bao bì của công ty là bao bì tự hủy. Nhưng tổng cục cho biết là chưa có bộ tiêu chuẩn này.
Do vậy, tổng cục yêu cầu công ty tự đưa ra tiêu chuẩn và công nhận sản phẩm của công ty theo tiêu chuẩn đó. Tuy nhiên, phải thấy rằng tiêu chuẩn này không thể áp dụng là tiêu chuẩn chung cho sản phẩm bao bì tự hủy. Mặt khác, giá thành sản phẩm bao bì cũng là một trở ngại cho việc hạn chế sử dụng túi nylon. Trung bình túi vải không dệt có giá khoảng 2.300 đồng/túi. Trong khi đó đối với túi nylon khoảng 30.000 đồng/kg (trung bình 750 đồng/túi). Sự chênh lệch quá lớn giữa giá thành túi nylon và túi sử dụng nhiều lần đã và đang là trở ngại cho các trung tâm thương mại, siêu thị từ chối sử dụng túi dùng nhiều lần.
Cần nhiều biện pháp đồng bộ
Tác hại của việc sử dụng túi nylon là rất lớn. Cụ thể, túi không thể phân hủy trong môi trường tự nhiên, len sâu vào trong hệ thống cống thoát nước, kênh rạch gây nghẹt cống, tắc hệ thống thoát nước. Tình trạng ngập nặng, ngập sâu và thời gian ngập cũng kéo dài hơn tại TPHCM trong thời gian qua một phần do việc gia tăng sử dụng túi nylon trong cộng đồng.
Trước thực tế trên, Quỹ Tái chế chất thải TPHCM đã phối hợp với nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và các bạn tình nguyện viên thực hiện tháng sử dụng túi thân thiện môi trường. Theo đó, chương trình sẽ diễn ra trong tháng 11 với nhiều hoạt động đang xen như không phát túi nylon miễn phí trong các ngày thứ năm của tháng 11; khuyến khích người tiêu dùng mang theo túi sử dụng nhiều lần khi đi mua hàng bằng cách tặng quà hoặc cộng điểm vào thẻ khách hàng; phát tờ rơi, vận động, tuyên truyền cộng đồng về tác hại của túi nylon…
Bà Đỗ Thúy Hằng khẳng định, để giảm thiểu sử dụng túi nylon hiệu quả, nhà nước cần có chính sách, quy định đồng bộ hơn. Đơn cử như cấm tất cả các siêu thị phát túi nylon miễn phí cho người dân khi đi mua hàng hoặc là sử dụng túi nylon thì khách hàng phải trả thêm tiền… Tránh tình trạng như hiện nay, việc giảm thiểu sử dụng túi nylon chỉ mang tính khuyến khích. Chưa kể có siêu thị thực hiện nhưng siêu thị khác không làm, gây tâm lý không tốt cho khách hàng đến với siêu thị, ảnh hưởng đến hiệu quả cạnh tranh giữa các siêu thị. Mặt khác, so với điều kiện thực tế của người dân nước ta là thường xuyên đi xe máy thì việc sử dụng túi nylon là tiện lợi nhất.
Vậy nên chăng, đơn vị chức năng cần sớm ban hành tiêu chuẩn về túi nylon sinh học, đồng thời hoàn thiện hệ thống trung tâm phân tích, chứng nhận, tạo điều kiện cho đơn vị, cá nhân bán lẻ chuyển sang sử dụng túi nylon sang sử dụng túi sinh học. Cách làm này sẽ giúp giảm thiểu tác hại môi trường nhưng đồng thời khả thi hơn trong việc hạn chế sử dụng túi nylon của người dân.
ÁI VÂN