(SGGP).- Thông tin từ Hiệp hội Nhựa và Cao su TPHCM cho biết, TP hiện có 11 doanh nghiệp (DN) sản xuất bao bì thân thiện môi trường. Tuy nhiên, sản phẩm của các DN đều rất khó tồn tại được trên thị trường. Hầu hết các DN này chỉ có thể đưa sản phẩm là bao bì tự huỷ vào các siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị điện máy và nhà sách.
Lý giải thực tế này, đại diện Hiệp hội Nhựa và Cao su TPHCM cho biết, chủ trương giảm thiểu sử dụng túi ni lông thông thường đã được tuyên truyền, vận động từ năm 2009, đến tháng 1-2012 mới được ban hành thành luật.
Tuy nhiên, phải đến tháng 4-2013 thì Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Và 16 tháng sau, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có công văn yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường. Còn tại TPHCM thì phải đến tháng 9-2014 mới có chỉ thị thực hiện tăng cường sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường. Tiến trình cụ thể hóa chủ trương nhà nước thành văn bản thực hiện chậm như thế trong khi thuế môi trường thì áp dụng từ năm 2012. Điều này khiến rất nhiều DN sản xuất bao bì nhựa thân thiện môi trường gặp rất nhiều khó khăn, gây bất lợi cho sự phát triển thị trường của túi ni lông thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, cho đến nay cộng đồng dân cư vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường.
Mặt khác, giữa túi ni lông thân thiện môi trường và túi ni lông thông thường không có sự khác biệt về hình dáng nhưng lại có sự khác biệt lớn về giá. Theo đó, giá thành túi ni lông thông thường chỉ bằng 1/3 đến 2/3 giá thành của túi ni lông thân thiện môi trường. Do đó, người tiêu dùng vẫn ưu tiên sử dụng sản phẩm túi ni lông thông thường.
ÁI VÂN