Từng bước thích nghi với điều kiện “Bình thường mới“- Bài 7: Nhiều nước trên thế giới sống chung với Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khi không ít biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm lần lượt xuất hiện, nhiều quốc gia xác định không thể sống mãi trong phong tỏa nên dần thay đổi, thích nghi và sống chung với dịch.

Chuyển hướng linh hoạt 

Tại châu Âu, tuy số ca mắc đã tăng đột biến trong suốt mùa xuân và mùa hè vừa qua, nhưng các nước đang dịch chuyển sang chiều hướng linh hoạt hơn, coi đây là kiểu dịch theo mùa. Đức, Italy, hay Pháp đều thay đổi chiến lược, từ Zero Covid-19 (đưa ca mắc Covid-19 về không) sang sống chung với Covid-19. Việc thay đổi chiến lược được thực hiện khi hoạt động tiêm vaccine Covid-19 dần mở rộng. 

Nhà hàng, quán cà phê mở cửa đón khách sau khi Chính phủ Pháp chuyển sang chính sách sống chung với Covid-19
Giới lãnh đạo châu Âu cho rằng, chương trình tiêm chủng là tấm vé thoát khỏi đại dịch, cũng là chìa khóa để giữ tỷ lệ nhập viện và tử vong ở mức thấp. Số ca phải nhập viện ở châu Âu cũng thấp hơn sau mỗi đợt dịch, đang cho thấy hiệu quả của vaccine. Châu Âu cũng đạt bước tiến đột phá trong chiến dịch tiêm chủng vaccine sau bước khởi đầu không mấy thuận lợi. Tỷ lệ người dân khối Liên minh châu Âu (EU) tiêm đủ liều là 53%, cao hơn Mỹ (50%). Trong đó, Đức và Italy hơn 55%, Pháp là 50%. 
Từng bước thích nghi với điều kiện “Bình thường mới“- Bài 7: Nhiều nước trên thế giới sống chung với Covid-19 ảnh 2 Chứng nhận tiêm chủng Covid-19 kỹ thuật số của EU được áp dụng tại sân bay
Tuy nhiên, châu Âu mở cửa trong thận trọng khi giới lãnh đạo xác định không nên kỳ vọng đại dịch sẽ sớm chấm dứt do vẫn có những ổ dịch bùng phát vào mùa xuân và mùa hè. Khuyến cáo từ giới khoa học khẳng định, miễn dịch cộng đồng là điều vẫn còn xa và thậm chí sẽ không bao giờ đạt được trước sự xuất hiện của các biến chủng mới. Các cơ chế về cách ly, hạn chế di chuyển đối với những ca mắc Covid-19 vẫn phổ biến ở châu Âu và gần như chắc chắn sẽ còn được áp dụng tiếp; ngoại trừ Anh, nước chọn cách tiếp cận khác biệt. Nhiều nước EU mở rộng xét nghiệm đại trà, định kỳ để phát hiện ca mắc và tăng cường hệ thống truy vết tiếp xúc thay vì giảm hay từ bỏ.

Italy - quốc gia chịu nhiều thiệt hại do số ca mắc và tử vong trong đợt dịch đầu tiên, đang trở thành nước có chiến lược sống chung với Covid-19 hiệu quả nhất khu vực. Sau khi áp đặt các biện pháp chặt chẽ để ngăn ngừa sự lây lan của virus trong năm 2020, đến giữa năm 2021, Chính phủ Italy xác định kế hoạch sống chung với Covid-19 bằng cách ban hành các biện pháp phòng chống mới. Đáng chú ý là giấy chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19, còn gọi là thẻ xanh (Green Pass), đã giúp đưa cuộc sống hàng ngày của người dân trở lại trạng thái bình thường mới. 

Từ tháng 8, người dân phải xuất trình thẻ xanh để tham dự sự kiện lớn, dùng bữa trong nhà hàng, đến phòng tập thể dục, cùng nhiều hoạt động khác. Thẻ xanh xác nhận người sở hữu được xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 48 giờ, đã được tiêm phòng đầy đủ, hoặc phục hồi sau khi mắc Covid-19. Dưới sự khuyến khích của chính phủ, việc đeo khẩu trang ở không gian đông người trở thành thói quen của người Italy. 
Trong hơn 1 năm, giới chức đã phân loại vùng dịch bằng màu sắc được chỉ định như trắng - vàng - cam - đỏ theo thứ tự mức độ khẩn cấp, dựa trên số trường hợp mắc Covid-19 của khu vực. Tuy nhiên, sau điều chỉnh của chính phủ vào ngày 22-7 vừa qua, việc phân loại màu sắc đã được thay đổi hàng tuần dựa trên tỷ lệ mắc và tỷ lệ nhập viện trên 100.000 dân. Theo cách phân loại này, một khu vực sẽ chuyển thành vùng đỏ khi tỷ lệ mắc Covid-19 hàng tuần tăng trên 150 ca/100.000 dân, tỷ lệ cần sử dụng dịch vụ chăm sóc đặc biệt là 30% và tỷ lệ nhập viện nói chung là 40%.

Các nước châu Âu khác cũng áp dụng những biện pháp gần như tương tự. Tại Đức, những người đã tiêm chủng đầy đủ trong 6 tháng qua có thể dùng bữa tại nhà hàng mà không cần chứng minh kết quả xét nghiệm nhanh âm tính - chỉ cần đem theo thẻ xanh Covid-19. Họ được phép đi du lịch trong khối EU mà không cần cách ly 14 ngày.

Pháp cũng xem việc tiêm phòng, phục hồi sau khi mắc bệnh, hoặc có xét nghiệm âm tính là những điều kiện tiên quyết để người dân có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày khi sống chung với Covid-19. Các chủ nhà hàng nếu bị phát hiện không kiểm tra chứng nhận y tế của khách hàng có nguy cơ bị phạt 9.000 EUR (khoảng 10.600 USD) và 1 năm tù. 

Anh là một trong những nước quyết liệt nhất trong chiến lược sống chung với virus sau khi tỷ lệ tiêm vaccine vượt mốc 50%. Ngày 19-7, Anh chấm dứt mọi biện pháp hạn chế, phong tỏa, dù số ca mắc ở nước này vẫn cao. Mọi lệnh cấm hội họp và đeo khẩu trang nơi đông người cũng được dỡ bỏ. Người dân có thể tới nhà hàng, quán bar, hoặc vào sân xem bóng đá.

Chuẩn bị lộ trình dài hơi

Nhận định về việc triển khai kế hoạch sống chung với Covid-19 của các quốc gia, trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng SARS-CoV-2 sẽ tuân theo quá trình tiến hóa tự nhiên của virus khi cuối cùng sẽ trở thành bệnh đặc hữu (endemic) và con người có thể sống chung với nó. Bệnh đặc hữu được định nghĩa là bệnh xuất hiện và thường lây lan trong dân số ở một khu vực địa lý nhất định - một số bệnh như thủy đậu, sốt rét được xếp vào loại này.

Bộ Y tế Indonesia đã nhận được các chỉ đạo định hướng từ chính phủ nước này nhằm bảo đảm rằng các quy định phòng dịch sẽ đồng hành với cuộc sống hàng ngày của người dân trong giai đoạn sống chung với dịch dựa trên việc áp dụng công nghệ thông tin. Bộ này xây dựng lộ trình nhằm giữ cho các hoạt động diễn ra bình thường với một nền kinh tế an toàn hơn nếu dịch bệnh còn kéo dài trong nhiều năm. Một dự án thử nghiệm trong 6 lĩnh vực hoạt động cộng đồng, gồm trung tâm thương mại, văn phòng và công nghiệp, giao thông vận tải, du lịch, tôn giáo, giáo dục được triển khai. Những lĩnh vực trên sẽ áp dụng các giao thức y tế và hoạt động dựa trên nền tảng kỹ thuật số.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin, 2 ứng dụng sức khỏe CareProtect và PeduliLindung sẽ được thí điểm, phát triển thành công cụ quan trọng để sống chung với Covid-19. Những người tiêm đủ 2 mũi vaccine và tích hợp dữ liệu trong 2 ứng dụng trên sẽ được tham gia các hoạt động với quy trình nới lỏng hơn so với những người chưa tiêm. Quốc gia với dân số đông thứ 4 thế giới này kỳ vọng với nỗ lực cải thiện quy trình y tế bằng cách sử dụng công nghệ thông tin, tăng cường xét nghiệm truy vết, sự cân bằng giữa nền kinh tế và sức khỏe dần dần được cải thiện, cũng như an ninh quốc gia được duy trì.

Là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới với 80% người trưởng thành đã được tiêm vaccine đầy đủ, Singapore đã quyết định từ bỏ giấc mơ Zero Covid để thay bằng sống chung với Covid-19. Trong 2 tháng qua, Singapore nỗ lực học cách từng bước thích ứng với đại dịch. Trọng tâm giám sát chuyển từ đếm số ca mắc sang các ca bệnh nặng, số trường hợp cần giường điều trị tích cực và đặt ống thở. Singapore tuyên bố tăng tần suất xét nghiệm bắt buộc tại các khu vực có nguy cơ cao và mở rộng quy định xét nghiệm thường xuyên với những người phải tiếp xúc với những người khác, như nhân viên trung tâm mua sắm, siêu thị. Những quốc gia khác từng theo đuổi chiến lược Zero Covid là New Zealand và Australia, cũng đang tính đến kế hoạch sống chung với Covid-19 thay vì áp dụng chính sách giãn cách kéo dài.

Theo GS Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi trùng học và Bệnh truyền nhiễm khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore, trong tương lai, các quốc gia cần kiểm soát những đợt bùng phát dịch bệnh mà không làm tổn hại đến nền kinh tế. Trong trường hợp này, một chiến lược tổng thể bao gồm vaccine, các biện pháp tăng cường miễn dịch, thông tin đáng tin cậy từ chính phủ và trách nhiệm cá nhân của mỗi công dân có thể giúp đất nước hoạt động gần như bình thường. Bên cạnh đó, tập trung bảo vệ những người dễ tổn thương, theo dõi các ổ lây nhiễm lớn, đảm bảo hoạt động của hệ thống y tế và duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần của người dân.

Tin cùng chuyên mục