
Quần jeans xệ, tóc highlight, áo thun hở rốn và điện thoại di động lủng lẳng đã trở thành hình ảnh quen thuộc của các cô, cậu tuổi teen. Các bạn tuổi teen đang sống như thế nào? Thứ hai họ làm gì, thứ ba đi đâu hoặc chủ nhật gặp ai...? Tất cả câu hỏi trên đã trở thành chủ đề nghiên cứu xã hội học Mỹ gần đây.
- Tuổi teen không thể sống thiếu công nghệ

Kaitlyn Brown, 13 tuổi, đang nhí nhoáy nhắn tin trong khi nhỏ em Kelsey, 10 tuổi, đang xem phim trên iPod và cả hai chị em cùng… nghe nhạc.
Như hầu hết cô gái 14 tuổi ngày nay, Julia Schwartz luôn kè kè chiếc điện thoại di động với hình trang trí kỳ lạ theo motif văn hóa châu Á và trong máy chứa vài video clip chương trình hòa nhạc She Wants Revenge mà Julia cùng dự với bà chị. Julia dùng điện thoại di động để nhắn tin nhiều hơn gọi. Khi không nhắn tin, Julia lướt vào trang web ca nhạc iTunes, ôm gối dán mắt vào truyền hình hoặc chát chít với đám bạn trên máy tính laptop. Sống ở thời phương tiện thông tin-giải trí bùng nổ, Julia còn muốn nhiều hơn nữa.
Như kết quả cuộc khảo sát tỉ mỉ được thực hiện từ Los Angeles Times/Bloomberg (công bố trung tuần tháng 8-2006), tuổi teen đang trở thành đối tượng nghiên cứu số một của nhiều ngành, từ giải trí đến tiêu dùng. “Họ thông minh hơn chúng tôi tưởng” – nhận xét của Jenny Wall thuộc Crew Creative (công ty Los Angeles chuyên thực hiện chương trình quảng cáo nhắm vào giới teen cho truyền hình và các hãng phim) – “Điều khó khăn đối với chúng tôi là tâm lý tuổi teen thay đổi gần như mỗi ngày. Tôi sẽ không thành thật nếu nói rằng tôi biết chính xác cách tiếp cận họ”. Được giới nghiên cứu Mỹ gọi là thế hệ Y, bọn trẻ teen Mỹ được biết đến như những người biết chơi theo tinh thần đồng đội và chơi đúng luật. Chúng được sinh trong thập niên 80 của thế kỷ trước trong các gia đình với quan niệm con cái là tất cả.
Các cô gái như Julia chịu ảnh hưởng từ hiện tượng “sức mạnh phái nữ” hình thành cuối thập niên 90 và hiện đều thành đạt, thậm chí hơn cả nam giới cùng độ tuổi – theo nhà kinh tế kiêm sử học Neil Howe. Sự phức tạp ở thành phần teen Mỹ thể hiện ở nhiều mặt. Chúng xài tiền dễ như uống nước suối nhưng chúng thề không mất một xu để mua CD và thay vào đó sẵn sàng lướt web hàng giờ để lùng sục và truy xuất cho bằng được ca khúc đang “hot”. Chúng có đời sống tự do đến mức bất cứ nhà xã hội học nào cũng có thể bày tỏ lo lắng nhưng chúng cũng thể hiện ý thức kỷ luật cao độ đáng kinh ngạc.
Julia chẳng hạn, cô gần như không vượt ra khỏi các điều luật mà mẹ đặt ra: không sử dụng máy tính trước khi đến trường; không nhắn tin trong xe hơi; không xem tivi trước 5g… và Julia thậm chí xóa trang web riêng trên MySpace.com khi mẹ cho xem một bản tin cho biết bây giờ bọn “chim” gái rình dụ các bé teen trên mạng nhiều nhan nhản. Tuy nhiên, có điều chắc chắn rằng công nghệ là thứ không thể thiếu đối với đời sống teen. Sẽ như một bản án kinh khủng với một cậu nhóc nếu cậu bị tước mất điện thoại di động.
Trang web MySpace.com là một trong những minh chứng của đời sống công nghệ cao đối với giới trẻ Mỹ. Số thành viên MySpace.com tăng gần gấp bốn từ tháng 1 đến tháng 11-2005 (40 triệu) là bằng chứng cho thấy nhịp sống ảo bùng nổ như thế nào (MySpace.com được xếp hạng 15 trong số website được truy cập nhiều nhất vào tháng 10-2005 – theo Nielsen/NetRatings). Tất nhiên không chỉ MySpace.com mà còn có Facebook.com (“tụ điểm” gặp gỡ của sinh viên đại học); Xanga.com (nơi tụ họp với các bàn luận ý kiến cá nhân) hoặc Buzz-Oven, Classface.com, Photobucket.com… Tất cả đều được xây dựng với chủ trương giống nhau: tạo ra một nơi tập trung cho thế hệ trực tuyến. Thử vào MySpace.com, bạn có thể thấy trang web được xây dựng đơn giản này (giao diện thiết kế không rườm rà) thật ra chẳng có gì đáng hấp dẫn. Nó gồm trang câu lạc bộ làm quen, diễn đàn, công cụ chat và một số tiện ích chẳng hạn nghe nhạc.
Tuy nhiên, giới trẻ chỉ cần vậy. Sự bùng nổ những trang web chuyên biệt cho thành phần tuổi teen đang tạo ra một dạng thức mới của hành vi xã hội, làm mờ đi giới hạn và khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới ảo. Giới trẻ xem các website này là vitamin bổ sung cho cuộc sống của chúng. Lấy thông tin, trao đổi thông tin, mua sách vở-băng đĩa, tặng hoa, gửi thiệp chúc mừng, chia sẻ cảm xúc về chú chó xinh mới được tặng nhân sinh nhật…, tất cả đều thông qua mạng. Riêng tại Mỹ, có đến 87% trẻ ở độ tuổi từ 12-17 ghiền Internet (so với 2/3 nhóm đối tượng người trưởng thành) – theo Pew Internet & American Life Project.
- Tuổi teen – động lực của giới kinh doanh
Việc gần như mọi kỹ thuật truyền thông đa phương tiện đều hiện diện trên mạng đã giúp cuốn hút thế hệ teen. Theo cuộc thăm dò từ Kaiser Family Foundation, nhóm teen 15-18 tuổi ở Mỹ hiện bỏ ra trung bình mỗi ngày gần 6 tiếng rưỡi để xem truyền hình, chơi game và lướt web. Và ¼ thời gian trong đó, chúng cùng lúc làm nhiều việc khác nhau (chẳng hạn vừa xem truyền hình vừa chat trên mạng). Thời gian dùng máy tính cho hoạt động mang tính liên kết cộng đồng đã tăng gần gấp ba từ năm 2000 tại Mỹ (trung bình 1 tiếng 22 phút). Như nhận xét của Eckart Walther (Phó Chủ tịch quản lý sản xuất của Yahoo!), rằng đây là đợt xuất hiện thứ hai của làn sóng web. Sự phát triển liên tục của thế hệ trực tuyến đã không lọt qua mắt giới nghiên cứu xã hội và đặc biệt là thành phần kinh doanh.
Trùm thông tin Rupert Murdoch thời gian gần đây đã chi 1,3 tỷ USD trong việc mua một số trang web chuyên phục vụ đối tượng tuổi teen (trong đó có thương vụ 80 triệu USD hồi tháng 7-2005 khi Rupert Murdoch mua Intermix Media – công ty mẹ của MySpace.com). Các công ty đầu tư tại Silicon như Accel Partners và Redpoint Ventures hiện tiếp tục đổ hàng triệu đôla vào Facebook.com hoặc những trang web tương tự. Coke, Apple Computer và Procter & Gamble cũng bắt đầu thử nghiệm chiến dịch tiếp thị trực tuyến và quảng cáo tại các trang web teen.
Chính giới trẻ là động lực cho những nghiên cứu kỹ thuật cao nói chung. Chỉ cần quan sát xung quanh, bạn cũng có thể thấy giới trẻ hiện nay thành thục thao tác về các “đồ chơi” kỹ thuật cao như thế nào. Sự “tham lam” của họ cũng vô hạn: sản phẩm phải đa năng, thiết kế bắt mắt (đáp ứng yếu tố thời trang), vừa là công cụ phục vụ đời sống và phải là công cụ giải trí (điện thoại di động cài game). Trước thực tế đó (lực lượng hùng hậu nhất thị trường tiêu dùng; gần 1/3 thanh thiếu niên Mỹ, tức khoảng 31 triệu người từ 12 đến 19 tuổi, đang sử dụng điện thoại di động), các nhà sản xuất đã hết lòng chiều chuộng các “thượng đế” tuổi teen với loạt sản phẩm liên tục thay đổi mẫu mã cũng như nâng cấp chức năng.
Có bốn tiêu chuẩn từng được xem là phải đạt được cho sản phẩm kỹ thuật cao: xã hội hóa, đa năng, di động và nói lên tính cách cá nhân. Gần đây, ba tiêu chuẩn nữa được bổ sung thêm: hỗ trợ công việc, có tiện ích giúp mua sắm qua mạng và xã hội hóa trực tuyến (socializing online). Có thể thấy tất cả tiêu chuẩn trên đã được “gói” trong các thế hệ điện thoại di động mới, từ tin nhắn (xã hội hóa), tạo chuông riêng biệt (tính cách chủ nhân), chat (xã hội hóa trực tuyến) đến camera-video...
Vài phác họa trên về tuổi teen Mỹ thật ra cũng có thể lấy làm mẫu số chung cho thế hệ teen nhiều nước khác trong đó có châu Á. Các bé teen Nhật hoặc những cậu teen Hàn Quốc cũng mê Net, ghiền nhắn tin, thành thạo truy xuất các trang web điện ảnh hoặc ca nhạc và sống một ngày không thể không có MTV… Đặc biệt, tuổi teen ngày nay có cuộc sống độc lập mang tính cá nhân rất cao nhưng cùng lúc chúng cũng nhiệt tình không kém cho đời sống cộng đồng. Cứ thử lập một diễn đàn trực tuyến về bảo vệ môi trường chẳng hạn và kêu gọi đóng góp ý kiến, chúng sẽ tham gia ra trò và thậm chí có thể làm kinh ngạc giới chuyên môn bằng luận điểm sâu sắc so với độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” của chúng…
Lê Thảo Chi