“Tuổi thọ trung bình của người dân TPHCM vào khoảng 75,1 tuổi (tính ở thời điểm năm 2004), trong đó, nữ giới được coi là “sống lâu hơn” với tuổi thọ bình quân là 76,8 tuổi, trong khi nam giới chỉ là 73,5 tuổi. 10 năm qua, tuổi thọ trung bình của người dân TPHCM có xu hướng tăng lên. Điều này cho thấy mức sống vật chất và tinh thần của người dân TPHCM ngày một cải thiện”. Đó là nhận định của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 59-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chăm sóc người cao tuổi diễn ra vào sáng 13-3. Đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị.
TPHCM hiện có khoảng 422.560 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), chiếm tỷ lệ 6,92% tổng số dân, trong đó có 371 cụ trên 100 tuổi. Nhưng TPHCM còn khoảng 70.875 người cao tuổi vẫn phải lao động kiếm sống và 2.000 người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa. Điều đáng quan tâm là còn một bộ phận người cao tuổi tuy có vật chất khá giả nhưng vẫn cảm thấy bất an, rơi vào phiền muộn do con cháu sống cách ly, bị đối xử tệ bạc. Thời gian tới, TPHCM thành lập Quỹ chăm sóc người cao tuổi ở cơ sở, nâng mức trợ cấp xã hội thường xuyên cho người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên. Đồng thời, TPHCM phát động phong trào “Toàn dân chăm sóc người cao tuổi neo đơn”; đề cao vai trò chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà trong mỗi gia đình; nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả như Quỹ trợ táng, Câu lạc bộ Ông bà cháu, Câu lạc bộ Văn hóa thể thao người cao tuổi…
Tuấn Sơn