“Tướng” Chỉnh!

Nhiều khả năng danh hiệu HLV xuất sắc nhất lần này sẽ thuộc về Đặng Trần Chỉnh. Một HLV giỏi liệu cơm gắp mắm và cũng là người vừa hoàn thành sứ mệnh trụ hạng cho đại diện duy nhất của bóng đá TP.HCM. Với các cổ động viên TMN.CSG thì chỉ nhìn vào thành tích của CLB để “phong thánh” cho “tướng” Chỉnh thì chưa đủ.

  • Nỗi đau của “tướng”
“Tướng” Chỉnh! ảnh 1

Ảnh: Thùy Dung

Đã nhiều lần Đặng Trần Chỉnh có ý định từ chức ở TMN.CSG không phải vì sức ép hay muốn trốn tránh trách nhiệm mà vì không chịu nổi cảnh các cầu thủ và lứa đàn em khó khăn khi nhìn sang nhà hàng xóm.

Cái vỏ bọc Thép không hào phóng như người ta vẫn lầm tưởng rằng TMN.CSG luôn trung thành với chiến dịch đồng tiền đi trước. Thực chất thì đồng tiền ở đây chi tiêu khá bất hợp lý và đôi khi những quan hệ tình cảm của cấp trên lấn át cả yếu tố chuyên môn hoặc chuyện sống còn của một tập thể.

Ông Chỉnh khác với các vị tướng khác ở chỗ ông biết “dãy” cho đàn em chứ không cam chịu sống tròn trịa với đồng lương rất cao của mình. Đấy là lý do vì sao mà một tập thể không mạnh như Thép – Cảng vốn nhiều sóng gió vậy mà vẫn trụ được.

Trước hết đó là một tập thể mà cầu thủ với HLV gần như không có sự phân cấp hoặc áp đặt mà là cái tình của người anh đối với những đứa em và ngược lại. Cái đấy hồi Cảng chưa gắn cái đầu Thép vào, nó không có được sự mạnh mẽ về tinh thần nơi một tập thể.

Ông Chỉnh từng đau vì có những cái nằm ngoài tầm với của ông. Như chuyện mua cầu thủ giá cao mà không giá trị trong khi cầu thủ có lúc mệt mỏi vì tiền lương. Như chuyện chậm chân trong những hợp đồng mua cầu thủ ở đầu mùa.

Hoặc chuyện khoác lên chiếc áo giàu có nhưng tiền rót về cầu thủ có lúc lại chậm và khó khăn như thử thách lòng kiên trì của những cái đầu luôn ảnh hưởng đến đôi chân… Nếu không phải là Chỉnh, chắc chắn cầu thủ đã lãn công như nhiều đội vẫn làm. Nếu không phải là Chỉnh thì cầu thủ đã không siết lại để đá vì nhau và ít ra là vì một người thầy mà họ coi như người anh.

Đặng Trần Chỉnh hơn nhiều HLV ở cách sống với cầu thủ mình hơn cả sống cho chính mình. Đấy cũng là lý do ông quyết định ở lại vì một tập thể và từ bỏ nhiều lời mời chào với giá trị hợp đồng lớn vẫy gọi. Ở lại với hy vọng hãy cùng nhau hết sức cho mùa giải này rồi hy vọng mùa sau sẽ khác, sẽ dễ thở hơn.
Nhưng đấy mới chỉ là cái tính và cách sống…

  • Nghịch lý với chàng tiền đạo hào hoa ngày nào

Tôi còn nhớ những năm đầu khi Đặng Trần Chỉnh ra trường, anh liền sở hữu chiếc áo số 10 của Cảng Sài Gòn. Chàng tiền đạo (sau này là tiền vệ) có mái tóc bum bê mùa đầu về Cảng đã nổi đình nổi đám với những cầu thủ đàn anh nhờ lối chơi hào hoa rất Cảng. Một chuyên gia đá phạt đền với những bước nhảy được mệnh danh là châu chấu làm hoa mắt các thủ môn. Một sát thủ có khuôn mặt trẻ thơ với lối chơi hào hoa và thông minh trong đội hình Cảng Sài Gòn ngày nào.

Rồi sóng gió đến…
Rồi lại qua…

Cái chính là Chỉnh dù ở hoàn cảnh nào vẫn “máu” với nghiệp bóng đá. Bị “treo” nhưng vẫn bám theo nghề và chấp nhận làm việc không chức danh như một người phụ việc. Vẫn học hỏi, vẫn tích lũy cả trên sân lẫn những buổi học lý thuyết. Không dưới hai lần Chỉnh đạt thủ khoa của khóa và được các giảng viên AFC ghi nhận. Chỉ có điều Chỉnh ít được lòng lãnh đạo nên anh không có tên trong những suất cơ cấu kiểu như người nhà của Liên đoàn.

Nắm đội, Chỉnh xác định chơi một lối đá hào hoa, một thứ bóng đá tấn công như hình ảnh mình tung hoành trên sân ngày nào. Vậy mà…

Lầm thầy ở Cảng rồi sau này là Thép – Cảng, lối chơi dưới triều đại của Chỉnh cứ đi ngược với chính con người anh. Nhiều lúc TMN.CSG làm người xem chán ngấy với lối đá tiêu cực: Không thua trước đã rồi mới tính chuyện thắng. Nó chính là lối đá của những đội biết mình biết ta và xác định mình yếu nên phải đá bằng mưu.

Đó là nỗi đau mà Chỉnh luôn chôn giấu trong lòng và năm nào anh cũng nghĩ mùa sau khi lực lượng tốt hơn sẽ đá cống hiến.

Bây giờ, điều đấy vẫn là giấc mơ. Nó được minh chứng bằng thêm một mùa nữa TMN.CSG lo trụ hạng và đá bằng cái nền phòng thủ do một ông thầy chuyên phá lưới và chuyên đá đẹp buộc phải đá như thế để tồn tại.

  • Nhưng an ủi nhờ đôi mắt tiền đạo

Nếu hỏi ai là người phát hiện ra Antonio thì phải khẳng định đấy là Đặng Trần Chỉnh (xem SGGP Thể Thao ngày 1-8). Người “bắt” Antonio từ một cầu thủ chân “củi” cao lều khều đến thử việc, nhưng qua cặp mặt của HLV Chỉnh thì cầu thủ này lại hội đủ yếu tố để trở nên một ngôi sao chân tiền. Chỉ một mùa đá cho TMN.CSG, Antonio đã chứng minh cho cả làng biết. Món hàng dạt GĐT.LA không ngó tới đã trở nên giá trị muôn phần sau một mùa được tôi luyện. Lên chuyên nghiệp, TMN.CSG không đủ tiền để sở hữu hẳn Antonio, thế là mất.

Một năm sau, “tướng” Chỉnh lại biến một món hàng “dạt” giá bèo thành một chân sút thiện chiến nhất V-League - Elenildo De Jesus (dần đầu giải Vua phá lưới với 17 bàn thắng). Nói đến chân sút này phải nói đến quá trình cầu thủ này đến Việt Nam xin việc với độc nhất một đôi giày rách và hai bộ quần áo như những cầu thủ Tây balô. Chỉ sau một thời gian ngắn thử việc, Chỉnh nhận ra cầu thủ này có những tố chất hơn cả Antonio trong khả năng đột phá, ghi bàn và tự mình tạo nên những tình huống. Điểm thua duy nhất của cầu thủ Brazil này so với Antonio là ý thức chiến thuật trong lối chơi đồng đội. Thế là “tướng” Chỉnh buộc phải xây dựng Thép – Cảng chơi theo cái cách của riêng mình với sự trông chờ vào một tiền đạo biết ghi bàn và biết tạo tình huống cho riêng mình.

Hết V-League này, có thể “tướng” Chỉnh sẽ ra đi và cũng có thể anh sẽ ở lại. Tuy nhiên, điều mà nhiều người hiểu được nơi vị “tướng” trẻ này là chuyện đi - ở của anh chắc chắn không phải là chuyện lương bổng hay tiền bạc của cá nhân anh mà là đầu ra cho một tập thể mà anh yêu mến và gắn bó với nó.

Đó cũng là cái chất rất riêng của Đặng Trần Chỉnh – một vị “tướng” trẻ nhưng tối ngày cứ bị “lão hóa” bởi phải “liệu cơm gắp mắm”.

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục