Tưởng nhớ anh Tám Lê Thanh

Đầu mùa khô năm 1958, sau Tết Nguyên đán độ một tuần lễ, tôi đi công tác vào Đông Nam bộ. Từ Nam Vang, nơi Xứ ủy đặt cơ quan, tôi giả làm người buôn đi tìm mối bán hàng ở vùng Mimôt, nằm trong dãy sở cao su của người Pháp, chặng cặp theo biên giới Việt Nam – Campuchia.

Cơ sở của ta ở Mimôt thu xếp cho tôi vượt biên vào đất Tây Ninh. Chập choạng tối, tôi băng qua con lộ nối từ Kompong Chàm lên Kratié, phía đất Việt Nam đã có một dấu hiệu cho biết tôi có thể theo con đường mòn đánh dấu bằng một nhánh cây bẻ gãy vứt giữa đường mòn. Qua khỏi chỗ có dấu hiệu đó, theo quy ước “cú tròn bốn”, tôi giả giọng làm chim cú kêu lên hai tiếng thì đột ngột, gần như sát bên tai tôi, hai tiếng cú đáp lại, tức tròn bốn. Té ra, nhóm đón tôi đã nằm sát quốc lộ, quan sát động tĩnh cả tiếng đồng hồ rồi.

 Một giọng cười không lớn lắm nhưng nghe rõ: “Sư phụ tới rồi!” và một người bước ra khỏi lùm cây ôm chầm tôi, tự giới thiệu: “Tám Lê Thanh đây!”. Rất nhanh nhẹn, anh lôi tôi đi sâu vào rừng phía đất Việt Nam. Bước chân anh thoăn thoắt, tôi gần như phải sải mới theo kịp anh. Đi sâu vào đất Việt Nam độ hai cây số, đến một chỗ trống, anh Lê Thanh bảo: An toàn rồi. Chúng tôi ngồi lại trên những thân cây mà thợ rừng chưa kịp chuyển đi, anh em bảo vệ tỏa ra vòng ngoài, anh Lê Thanh và tôi ngồi lại uống trà do anh mang trong bình toong, ăn kẹo đậu phộng.

Sau đó, chúng tôi về căn cứ, mật danh là C60. Giữa lúc Ngô Đình Diệm khủng bố khốc liệt người dân và phong trào yêu nước, giữa rừng già của Tây Bắc Tây Ninh lại có một khu nhà lợp lá trung quân, nghi trang đường vào rất kỹ nhưng lọt vào thì đúng là lọt vào một giang sơn riêng – vùng tự do của chúng tôi. Tôi rời vùng giải phóng Tây Nam bộ cuối năm 1954, bây giờ mới sống lại cái không khí mà tôi từng sống suốt 9 năm. Tôi nói cái tâm trạng ấy với anh Lê Thanh.

Anh cười: Cũng mới đây thôi, tụi này thôi cảnh ăn bụi ngủ bờ, các anh em phân tán trước đây bây giờ hợp lại thành những nhóm theo hệ thống tổ chức do Liên Tỉnh ủy Miền Đông chỉ đạo, kéo dài từ biên giới Campuchia đến Long Nguyên, Bến Cát và đến Bời Lời, Trảng Bàng, Tây Ninh. C60 này gồm hơn 30 cán bộ chiến sĩ, chúng tôi moi số súng chôn hồi tập kết đủ trang bị cho toàn C. Nay mai, anh sẽ đến C70 đóng ở Trại Đèn rồi C80 đóng ở Núi Cậu, nói chung đường dây nối từ chiến trường lên biên giới để từ biên giới chuyển lên Xứ ủy đã thông suốt gần năm nay. Còn phía bên chiến khu Đ thì anh Lâm Quốc Đăng lo xây dựng.

Xin nói thêm, bữa cơm đầu tiên của tôi ở chiến khu có thịt rừng nướng, rau rừng.

Chịu trách nhiệm cánh Tây Bắc này là hai anh: Đỗ Văn Nguyện và Lê Thanh. Anh Đỗ Văn Nguyện – Tư Nguyện – là trưởng, Lê Thanh là phó. Mấy hôm sau, tôi gặp anh Tư Nguyện ở C70, còn người đưa đường cho tôi đến Liên Tỉnh ủy Miền Đông đóng ở Long Nguyên là anh Lê Thanh cùng ba bảo vệ.

Đó là lần đầu tiên tôi gặp anh Lê Thanh. Tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng dân đi đường rừng không theo bản đồ mà đi đâu cũng không lạc, biết tránh những chỗ địch thường phục kích, biết chỗ nào nghỉ an toàn, thông thạo từng vùng như thông thạo vườn nhà của mình, thì chung quy chỉ có ba người: Lê Thanh, Đỗ Văn Nguyện, Lâm Quốc Đăng.

Từ lần đó, tôi còn hoạt động chung với anh Lê Thanh, nhất là sau đồng khởi, anh phụ trách khu căn cứ Xứ ủy, chúng tôi gần như ngày nào cũng làm việc với nhau. Có những chiến dịch như khai thác cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi, anh Lê Thanh là chỉ huy trưởng và tôi là chính ủy một đơn vị do Xứ ủy phái xuống khu Sài Gòn – Gia Định.

Nếu nói một vị tướng ở Nam bộ đóng góp trực tiếp vào quá trình xây dựng căn cứ lãnh đạo của kháng chiến thời chống Mỹ và người nhen nhóm đầu tiên để có một lực lượng vũ trang sau này đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh giải phóng, thì người đó là anh Tám Lê Thanh. Trong lịch sử Nam bộ kháng chiến ở Đông Nam bộ thời chống Mỹ, hầu hết những sự kiện có tầm vóc trong thời gây dựng cơ đồ như các trận đánh Minh Thạnh, Dầu Tiếng, Tua Hai đều có công sức của anh. Có trận với tư cách là người trực tiếp tổ chức và chỉ huy, có trận là người trợ lý chủ yếu cho bộ chỉ huy.

Một vị tướng “dân vận” có tầm cỡ, một vị tướng lăn lóc với chiến trường khi còn là một cán bộ cấp thấp, một vị tướng vào sanh ra tử như cơm bữa, một vị tướng dũng mãnh trong chiến đấu rất mực đôn hậu trong đời sống bình thường, một vị tướng có rất nhiều bè bạn là những chiến binh cùng xông pha trận mạc, những cán bộ lãnh đạo cấp cao, những nhân sĩ trí thức nổi tiếng – với các vị nhân sĩ trí thức này, Lê Thanh là cái tên đủ tin cậy. Trong kháng chiến, tôi đặt cho anh một “ngoại hiệu”: Tám Bằng Lăng. Bằng lăng là một loại cây rừng phổ biến, cùng với một vị tướng khác tôi cũng tặng cho một “ngoại hiệu” là Tám Dên Dên, ấy là anh Nguyễn Hữu Xuyến, còn gọi là Tám Kiến Quốc.

Anh Tám Lê Thanh, người con của Gia Định anh hùng vĩnh biệt chúng ta. Một nuối tiếc rất nhiều nghĩa, trong đó cái nghĩa nổi bật là nuối tiếc một con người, một con người từ nhân dân mà thành tướng lãnh, cúc cung tận tụy phục vụ nhân dân. Tấm gương của anh Tám Lê Thanh đời đời sáng chói.

13-3-2006

TRẦN BẠCH ĐẰNG

Tin cùng chuyên mục