Tin mới nhất về cuộc đảo chính ở Thái Lan

Tuyên bố lập chính phủ mới

0 giờ 30 phút:
Tuyên bố lập chính phủ mới

Nửa đêm ngày 19-9, quân đội Thái Lan đã tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ của Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Đây là cuộc đảo chính quân sự thứ 2 ở Thái Lan kể từ tháng 2-1991, điều đáng chú ý là cuộc lật đổ diễn ra chớp nhoáng, không có tiếng súng, không đổ máu. Hiện tại, tình hình an ninh tại thủ đô Bangkok vẫn yên bình, người dân vẫn thực hiện những sinh hoạt thường nhật.

  • Diễn biến chính

Tuyên bố lập chính phủ mới ảnh 1

Thành phố Bangkok vẫn bình yên sáng 20-9

Lúc 0 giờ 12 phút: Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang ở New York đã phát biểu trên Đài truyền hình ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, nhưng ngay sau đó Đài truyền hình đã chuyển sang tiết mục khác, cắt ngang bài phát biểu của ông Thaksin.

0 giờ 30 phút: Tư lệnh Lục quân tướng Sonthi Boonyaratkalin chỉ huy xe tăng và quân đội tiến vào thủ đô Bangkok, giành quyền kiểm soát chính, thành lập Đảng Dân chủ cải tổ, tuyên bố giải tán chính phủ, quốc hội, tòa án hiến pháp, bãi bỏ hiến pháp.

1 giờ sáng: Xe tăng và binh lính có vũ trang tràn ngập thủ đô, tuy nhiên không có báo cáo nào về bạo lực hay nổ súng. Xe tăng bao vây tòa thị chính, quân đội chiếm trạm thu phát tin tức vệ tinh Thái Lan, một cánh quân khác thì tiến chiếm Đài truyền hình và cắt đứt mọi liên lạc ra ngoài.

1 giờ 30: Thủ tướng tạm quyền Chidchai và Bộ trưởng Quốc phòng Mingkwan Saengsuwan bị quân đảo chính bắt giữ, ông Chidchai đồng ý từ chức Thủ tướng tạm quyền.

2 giờ: Các tướng lĩnh thuộc lực lượng trung thành với ông Thaksin đã nhóm họp khẩn cấp ở ngoại ô Bangkok để thảo luận về cách đối phó với tình hình hiện tại.

2 giờ 40 phút: Tướng Sonthi Boonyaratkalin và đảng Dân chủ cải tổ tuyên bố giải tán chính phủ, bãi bỏ hiến pháp từ 97 năm. Đảng Dân chủ cải tổ ra tuyên bố cho biết, hiện nay Thái Lan đang đối mặt với sự mâu thuẫn, chia rẽ to lớn, các phe phái tranh giành ngôi vị khiến chính trường ngày càng bất ổn, trong bối cảnh tình hình bế tắc hoàn toàn, quân đội quyết định gây chính biến, tuy nhiên họ vẫn trung thành với nhà vua, chỉ nắm giữ quyền lực tạm thời, sẽ nhanh chóng trả lại quyền lực cho nhân dân.

3 giờ 20 phút: Phe đảo chính cắt đứt mọi thông tin trên truyền hình và mạng Internet và giải thích là để tránh hiểu lầm về các tin đồn.

Tuyên bố lập chính phủ mới ảnh 2

Du khách và người dân Thái Lan ra đường xem xe tăng quân đội trong đêm đảo chính

3 giờ 50 phút: Một nguồn tin của quân đội Thái Lan thông báo ông Surayudh Chulanont, cựu Tư lệnh Lục quân sẽ là Thủ tướng mới của Thái Lan, nhưng đến sáng ngày 20-9, người phát ngôn lực lượng đảo chính tuyên bố thủ tướng mới sẽ được quyết định sau khi Đảng Dân chủ cải tổ  họp và thông qua.

3 giờ 45: Phe đảo chính tuyên bố đã làm chủ tình hình, chiếm 6 đài truyền hình và nhiều đài phát thanh, quân đội và yêu cầu dân chúng hợp tác, đảm bảo an ninh. Đồng thời ra tuyên bố ngày 20-9 bộ máy chính phủ và ngân hàng sẽ không làm việc, phe đảo chính còn nói, ông Thaksin đã đồng ý từ chức.

4 giờ 30: Người phát ngôn TTK LHQ cho biết, ông Thaksin và đoàn đại biểu Thái Lan tham dự khóa
họp ĐHĐ LHQ lần 61 đã bỏ bài phát biểu trước ĐHĐ vào sáng 20-9.

6 giờ 45: Phe đối lập cho biết tướng Sonthi Boonyaratkalin tạm nắm quyền thủ tướng và yêu cầu các quan chức cao cấp, công nhân viên chức, nhân dân Thái Lan tới tổng hành dinh phe đảo chính để nghe Ủy ban Quản lý cải cách quốc gia tuyên bố về chính phủ mới.

7 giờ 30: Đài truyền hình cho biết tư lệnh 4 quân khu lớn ở Thái Lan sẽ tự nắm quyền tại địa phương và giữ an ninh tại khu vực của họ.

9 giờ 45 phút: Tướng Sonthi Boonyaratkalin sau khi tiếp quản chính quyền tuyên bố đề cử 3 người làm ứng viên tân Thủ tướng Chính phủ quá độ Thái Lan là: Tướng Sonthi Boonyaratkalin, cựu Tư lệnh Lục quân Surayudh Chulanont và Chánh án Tòa án Hành chính tối cao Thái Lan. 

Các cuộc đảo chính ở Thái Lan

* Năm 1971: Thống chế quân đội Hoàng gia Thái Lan Thanom Kittikachorn đưa quân đội thâu tóm quyền hành chính phủ, hủy bỏ hiến pháp, giải tán Quốc hội.

* Ngày 14-10-1973: 400.000 sinh viên học sinh biểu tình ủng hộ dân chủ đã lật đổ chức thủ tướng của đại tá Thanom Kittikachorn buộc ông này phải ra nước ngoài sống lưu vong.

* Ngày 6-10-1976: Đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình của sinh viên đưa quân đội trở lại cầm quyền.

* 26-3-1977: Chính phủ quân sự vô hiệu hóa một cuộc đảo chính do tướng Chalard Hiranyasiri lãnh đạo sau khi ông này cùng 300 người chiếm 4 tòa nhà của chính phủ và quân đội.

* 20-10-1977: Một cuộc đảo chính không đổ máu do đô đốc Sangad Chaloryoo lãnh đạo đã đưa Kriangsak Chomanan làm thủ tướng.

* 1-4-1981: Các phe phái trong quân đội âm mưu đảo chính chính phủ quân sự của Thủ tướng Prem Tinsulanonda nhưng bất thành.

* 9-9-1985: Các tướng lĩnh về hưu lại làm một cuộc đảo chính nhưng bất thành.

* 23-2-1991: Tướng Suchinda Kraprayoon và tướng Sunthorn Kongsompong lật đổ Thủ tướng Chatichai Choonhavan.

* Tháng 5-1992: 50 người bị bắn chết trong cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của hàng trăm ngàn người tại Bangkok dẫn đến sự ra đi của Thủ tướng Suchinda. Tướng Suchinda thâu tóm chức thủ tướng không qua bầu cử.

V.M (theo AFP, IHT)

Chân dung tướng đảo chính

Là một nhân vật có uy tín trong nước, Tổng Tư lệnh quân đội, tướng Sonthi Boonyaratglin, 60 tuổi, được đề bạt làm Tư lệnh Lục quân Thái Lan hồi tháng 9-2005. Đây là vị tư lệnh lục quân theo đạo Hồi đầu tiên ở Thái Lan. Cũng chính vì vậy nên ông Sonthi tỏ ra cương quyết trong việc trấn áp bạo lực gia tăng ở miền Nam Thái Lan.

Ông Sonthi có kinh nghiệm chiến trường phong phú do từng chủ huy binh đoàn bộ binh Hoàng gia, từng là sĩ quan cấp cao Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt..

Ông Sonthi tuyên bố mình là “Tổng chỉ huy lực lượng đảo chính”. Ngay sau khi tuyên bố đảo chính, các quan chức quân đội cấp cao đã gặp Nhà vua Bhumitol Adulyadej và quân đội đã hủy bản hiến pháp của nước này, thành lập “Hội đồng cải cách hành chính”.

Các thành viên hội đồng này tuyên bố ai chống lại quân đội sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, đồng thời ra lệnh cho các thị trưởng, người đứng đầu các cơ quan chính phủ, hiệu trưởng trường đại học… ra trình diện.

Có khả năng hai phái trong quân đội đang chuẩn bị đối đầu, với một bên ủng hộ ông Thaksin, còn bên kia ủng hộ tướng Sonthi.

VIỆT KHUÊ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục