Ngày 14-8 vừa qua, Bộ LĐTB-XH đã tuyển chọn 7 công chức trực tiếp từ các sinh viên mới tốt nghiệp và cán bộ khoa học trẻ. “Lần đầu tiên, bộ áp dụng tuyển chọn thẳng những sinh viên, cán bộ khoa học trẻ xuất sắc. Phải làm nhiều nữa để tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao cho bộ”, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định.
Những cố gắng như trên rõ ràng không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công, mà còn giúp bảo đảm công bằng xã hội. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những cố gắng riêng lẻ của một số cấp, một số ngành. Cái chúng ta cần hơn là một chủ trương nhất quán cho mọi cấp, mọi ngành trong cả nước. Ngoài ra, một chủ trương như vậy cũng cần được dẫn dắt bởi một khung lý thuyết rõ ràng, mạch lạc hơn.
Thời nào cũng vậy mà nước nào thì cũng vậy, quan trọng nhất là phải chọn cho được người tài. Chọn được người tài công việc sẽ trôi chảy; cuộc sống sẽ thăng hoa. Không chọn được người tài, công việc sẽ ách tắc, rối rắm; cuộc sống sẽ vất vả, khó khăn.
Tuy nhiên, tuyển chọn người tài là việc nói dễ, nhưng làm không dễ. Nhiều khi những quy trình xem xét, bổ nhiệm công phu, phức tạp lại chỉ giúp chúng ta lựa chọn được các nhân sự hết sức trung bình. Với những nhân sự hết sức trung bình, thì công việc nói chung cũng chỉ được thúc đẩy ở mức hết sức trung bình. Đó là chưa nói tới chuyện những quy trình càng công phu, phức tạp thì càng dễ tạo cơ hội cho việc lạm dụng, việc chạy chọt, việc “mua quan, bán chức”. Nhiều khi quy trình thì đúng, nhưng việc lựa chọn nhân sự thì vẫn không đúng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến chất lượng của công việc, mà còn đến cả sự chính đáng và danh dự của hệ thống. Vấn đề là không có những thể chế cần thiết, chúng ta không thể lựa chọn được người tài.
Thực ra, người tài nào thì thể chế đó. Ở cấp độ chính trị, thể chế để lựa chọn người tài là chế độ tranh cử hoặc chế độ lựa chọn người tài theo thành tích thực tế. Tranh cử là mô hình của nhiều nước phương Tây. Lựa chọn người tài theo thành tích thực tế là mô hình của một số nước khác. Theo mô hình thứ hai này, người lãnh đạo nào có thành tích giỏi nhất trong các xã thì được đưa lên huyện; giỏi nhất trong các huyện thì được đưa lên tỉnh; giỏi nhất trong các tỉnh thì được đưa lên Trung ương. Ở cấp độ chuyên môn - kỹ thuật, thể chế để lựa chọn người tài là chế độ thi tuyển. Bổ nhiệm không có thi tuyển khó có thể lựa chọn được người tài.
Chúng ta cần có những người tài kể cả ở cấp độ chính trị, lẫn ở cấp độ chuyên môn - kỹ thuật. Ở cấp độ chính trị, đó là những người có tầm nhìn và có khả năng dẫn dắt. Ở cấp độ chuyên môn - kỹ thuật, đó là những người học hành đến nơi đến chốn, hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực chuyên môn của mình. Rõ ràng, thiếu tầm nhìn không thể hoạch định được tương lai. Nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng cũng không thể biến tương lai trở thành hiện thực. Chính vì vậy, chúng ta cần phải cải cách thể chế cả ở tầm lựa chọn nhân sự chính trị, cả ở tầm lựa chọn nhân sự chuyên môn - kỹ thuật.
Cuối cùng, thi tuyển để lựa chọn công chức là một công việc mang tính chuyên môn - kỹ thuật rất cao. Đây là công việc rất mới, nên những tri thức và kinh nghiệm có liên quan vẫn chưa được tích tụ đầy đủ trong hệ thống. Trong bối cảnh như vậy, học tập kinh nghiệm của các nước là rất quan trọng. Kinh nghiệm của Nhật Bản là rất đáng tham khảo ở đây. Ở Nhật Bản thì tuyển công chức là một kỳ thi quốc gia. Thông thường hàng chục ngàn người dự thi thì chỉ có khoảng trên 6% thi đậu và được cấp chứng chỉ. Những người đã được cấp chứng chỉ mới được các cơ quan nhà nước các cấp ở trung ương và địa phương tuyển chọn.