Tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công: Nhiều vấn đề khó lường

Vấn đề chống ngập cho TPHCM và vùng ĐBSCL là rất quan trọng và cấp thiết, cần có những giải pháp kịp thời và đúng đắn, cần rà soát lại cái gì đã làm, sai thì mạnh dạn sửa, cái gì tốt thì phát huy, dù có muộn.

Vấn đề chống ngập cho TPHCM và vùng ĐBSCL là rất quan trọng và cấp thiết, cần có những giải pháp kịp thời và đúng đắn, cần rà soát lại cái gì đã làm, sai thì mạnh dạn sửa, cái gì tốt thì phát huy, dù có muộn.

TPHCM và ĐBSCL nói chung nằm ở đồng bằng đất thấp, ở hạ du các sông lớn như Vàm Cỏ, Đồng Nai, Cửu Long với mạng lưới sông rạch kênh mương chằng chịt, chịu ảnh hưởng của cả triều và lũ, thường bị ngập, trong đó có vùng ngập mặn ven biển và ngập lụt từ lũ thượng nguồn. Hệ sinh thái cùng chế độ dòng chảy ở vùng này do đó sẽ mang tính đặc thù và mọi giải pháp chống lũ, chống ngập chống xâm nhập mặn đều cần dựa trên đặc điểm này, cần tôn trọng nó, cùng sống chung và tìm cách thích ứng với nó, khắc phục những nhược điểm, phát huy những mặt lợi thế của nó, và nhất thiết không nên làm điều gì có tính chất cưỡng bức.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực quan trọng, có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất công nghiệp và kinh tế biển với những cảng biển nước sâu phục vụ xuất nhập khẩu và làm dịch vụ hàng hải. Ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM, những cảng nước sâu, có thể phục vụ cho các tàu biển có trọng tải lớn đến trên dưới 10 vạn tấn, vượt đại dương, với hàng trăm lượt tàu ra vào cảng mỗi năm. Vì thế luồng vào các cảng Cái Mép Thị Vải, Hiệp Phước, Tân Cảng v.v... phải được rộng mở để tàu bè có thể đi lại tự do bất cứ lúc nào.

Do vậy, không nên có bất cứ công trình nào ngăn trở việc đi lại, vì mỗi lần qua âu, tàu bè đều mất nhiều thời gian chờ đợi bơm nước, dắt tàu ra vào, sẽ không làm hài lòng các hãng tàu vì họ phải luôn tranh thủ thời gian từng phút giây để giải phóng tàu tại bến cảng và rút ngắn thời gian đi lại, và do đó có thể làm nản lòng các các hãng tàu, các nhà đầu tư hàng đầu thế giới và họ có thể từ bỏ ý định chọn những cảng biển ở khu vực này để làm điểm xuất phát cho việc đi trực tiếp từ Việt Nam đến Canada, Bắc Mỹ, châu Âu để chọn cảng ở các nơi khác hoặc nước khác, gây tổn thất nặng nề cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài ra, ở khu vực này sẽ còn có hàng ngàn tàu lớn nhỏ khác, cả trong nước và ngoài nước cần ra vào nhanh chóng để được cung cấp dịch vụ hàng hải (sửa chữa, tiếp nhiên liệu, nước ngọt, chuyên chở hàng hóa, đi đánh bắt cá xa bờ, vào khu tránh trú bão v.v...) sẽ gặp những trở ngại không nhỏ trong việc đi lại, do đó có thể gây những hiểm họa khôn lường cho tàu bè khi gặp bão lũ.

Nếu chỉ vì chống ngập lụt cho TPHCM, chống nước biển dâng, chống xâm nhập mặn thì có thể còn nhiều cách, chứ không chỉ là việc xây đê ngăn cả một vùng cửa biển. Cách tốt nhất cho giải pháp chống ngập cho TPHCM là nên khơi thông dòng chảy sông kênh, nâng cấp hoạt động của hệ thống thoát nước TP, tạo những hồ chứa nước mưa, nước lũ, nước ngọt ở khu vực gần vùng bị ngập và gần nguồn nước lũ, tạo dòng chảy thông suốt cho nước lũ, nước thoát và nước triều.

Việc lợi dụng triều cũng là nhân tố quan trọng, giúp tăng độ sâu chạy tàu có trọng tải lớn, giúp duy trì hệ sinh thái và môi trường vùng ngập mặn, nói chung là cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả vùng ĐBSCL. Hệ sinh thái này cần được duy trì tốt, không nên làm điều gì gây ảnh hưởng không tốt đến nó, vì nếu không, chắc chắn sẽ phải chịu hậu quả nặng nề.

Nói chung, chúng ta nên tìm cách sống chung với biến đổi khí hậu, sống chung với lũ, xâm nhập mặn và tìm cách khống chế và khắc phục từng bước, chứ không nên làm điều gì có tính cách cưỡng bức, trái với quy luật tự nhiên. Các vùng bờ biển ở những nơi cần thiết phải bảo vệ các cánh đồng và khu dân cư… thì cần xây đê biển và đê cửa sông như thông lệ nhưng có xét từng bước nâng cao độ khi mực nước biển dâng như Hà Lan đã và đang làm.

Bên cạnh đó, dọc bờ biển cần tăng cường trồng rừng ngập mặn để cản sóng, hạ mực nước dâng. Các cửa sông, các kênh rạch cần được thông suốt để tận dụng chứa nước triều. Cây trồng vật nuôi ở vùng ngập mặn cần chọn thích hợp, phù hợp với hệ sinh thái. Ngoài ra, cần lưu ý là khu vực xây đê biển Vũng Tàu - Gò Công là vùng bờ lõm, có thể sẽ bị sa bồi nghiêm trọng như đã từng chứng kiến trước đây với bãi cạn Cần Giờ và nơi đây sẽ là vùng tập trung sóng, và sóng sẽ lớn và dữ dội, có thể gây khó khăn cho tàu thuyền, và với kết cấu cứng của đê biển dài hàng chục kilômét, sẽ gây mất cân bằng chuyển cát và cân bằng sinh thái vùng ven bờ và do đó có thể gây xói lở các vùng bờ phụ cận như các nghiên cứu ở bờ biển Hắc Hải thuộc Bulgaria đã cho thấy.

Tóm lại, dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công tuy xuất phát từ những ý đồ tốt như giúp ngăn nước biển dâng, chống bão, chống xâm nhập mặn, tạo dựng tuyến đường ven biển... nhưng thực ra tuyến đê sẽ gây ra nhiều vấn đề phức tạp chưa thể lường hết, và nhất là sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế biển tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và sẽ khó lòng bảo đảm chống ngập cho thành phố, khó lòng bảo đảm thoát nước lũ tốt, do cửa thoát bị thu hẹp nhiều. Thiết nghĩ vấn đề này cần được xem xét thận trọng hơn và tốt nhất là không nên tìm cách bịt cửa biển tại khu vực Vũng Tàu Tiền Giang bằng bất cứ công trình nào như kiểu đê biển Vũng Tàu - Gò Công.

PGS-TS TRẦN MINH QUANG

Tin cùng chuyên mục