Tuyến đường sắt Á - Âu phát huy tác dụng

Nhiều công ty hàng hải của Trung Quốc đình chỉ mọi chuyến tàu biển đến và đi từ Israel do các vụ tấn công của lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen gây ra trên biển Đỏ, gây tác động đến hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng lại là thời cơ để nước này phát huy hiệu quả tuyến đường sắt vận tải Trung Quốc - châu Âu (CERE).

Một chuyến tàu vận tải container trên tuyến CERE. Ảnh: SCMP
Một chuyến tàu vận tải container trên tuyến CERE. Ảnh: SCMP

18 công ty vận tải biển của Trung Quốc trong đó có CMA CGM, Maersk, China Ocean Shipping Group, COSCO… đã ngừng hoạt động ở biển Đỏ. Tập đoàn CMA CGM áp dụng giá mới, tăng gấp đôi, kể từ ngày 15-1 cho tuyến đường châu Á - Địa Trung Hải do không đi qua kênh đào Suez. Giá vận tải một container tăng từ 2.000 lên thành 3.500 USD và từ 3.000 lên thành 6.000 USD đối với container loại lớn. Thời gian vận chuyển sẽ kéo dài thêm từ 10-14 ngày vì phải vượt thêm từ 7.000-10.000km qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.

Ông Lars Jensen, người sáng lập Công ty dịch vụ vận tải biển Vespucci Maritime và cựu giám đốc Maersk, cho biết việc tránh biển Đỏ sẽ khiến hành trình của một con tàu tốn thêm khoảng 2 triệu USD về mặt nhiên liệu và các chi phí khác. Điều này có nghĩa là đối với một hành trình khứ hồi đầy đủ giữa châu Á và châu Âu, mỗi tàu có thể phải trả thêm 4 triệu USD chi phí.

Tuy nhiên, khủng hoảng vận tải ở biển Đỏ có thể lại biến thành cơ hội cho Bắc Kinh phát triển CERE. Một số nhà xuất khẩu Trung Quốc đang hướng sang CERE, được coi là “một giải pháp thay thế và khả thi”, vì tuyến đường sắt được xây dựng để vận chuyển container. CERE nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hiện là tuyến vận tải hàng hóa chủ đạo từ châu Á sang Nga, sau khi Moscow bị phương Tây trừng phạt vì cuộc xung đột ở Ukraine. CERE đi qua hơn 100 thành phố ở 11 nước châu Á và kết nối với 217 thành phố ở 25 nước châu Âu.

Mặc dù vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt đắt hơn đường biển nhưng các chuyến tàu từ Trung Quốc tới châu Âu chỉ mất khoảng 12 ngày so với thời gian vận chuyển đường biển thông thường là 35-45 ngày. Theo dữ liệu từ Tập đoàn Đường sắt nhà nước Trung Quốc, trong 11 tháng đầu năm 2023, CERE đã có tổng cộng 16.145 chuyến tàu, vận chuyển tương đương gần 1,75 triệu container. Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trong giai đoạn này đã vượt tổng khối lượng được ghi nhận trong cả năm 2022.

Một quan chức giám sát phát triển vận tải đường sắt CERE ở tỉnh Chiết Giang cho rằng, trong bối cảnh an ninh vẫn bị đe dọa ở biển Đỏ, tuyến đường sắt cho thấy giá trị chiến lược. Kết nối đường bộ cũng là một giải pháp thay thế cho thương mại hàng hải và tăng cường sức bền của thương mại liên lục địa.

Còn theo Giáo sư Song Wei, Trường Quan hệ quốc tế và Ngoại giao tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh: “Tuyến đường này sẽ còn đóng vai trò quan trọng hơn trong tương lai, song song với việc tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu”.

Chủ tịch Công ty Quản lý chuỗi cung ứng EPU Thượng Hải Tommy Tan cho biết, số lượng các hãng vận chuyển quan tâm đến CERE tăng gấp đôi kể từ khi những an ninh biển Đỏ bất ổn. Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị tăng cường năng lực cho các dịch vụ khứ hồi để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Tin cùng chuyên mục