Trong lịch sử dân tộc ta, trước bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, đã có “bài thơ thần” với 4 câu chữ Hán ra đời thời Lý Thường Kiệt năm 1077 và bản Bình Ngô Đại Cáo do Nguyễn Trãi soạn thảo năm 1428 cũng được cho là những bản Tuyên ngôn Độc lập.
Nếu 4 câu thơ Thần và bản Bình Ngô Đại Cáo được suy ra để cho rằng nó có ý nghĩa là những bản Tuyên ngôn Độc lập thì bản Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 thật sự là một bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ soạn thảo.
Đây là bản Tuyên ngôn Độc lập có nội dung, bản chất rất mới. Nó đánh dấu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi mang tính nhân dân rất sâu sắc, thực sự là “đem sức ta tự giải phóng cho ta”. Giành độc lập là để dân làm chủ. Việc Chính phủ lâm thời ra đời với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, làm cho các lực lượng quân đồng minh đổ bộ vào Việt Nam sau đó phải tiếp xúc với chính quyền cách mạng, không còn cách nào khác.
Đáng lưu ý là mở đầu, bản Tuyên ngôn 2-9 đã nêu ra một chân lý lịch sử: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, “đó là lẽ phải không ai chối cãi được”. Nêu ra như vậy là từ dự báo về thực dân Pháp, đế quốc Mỹ còn đến xâm lược Việt Nam, khi đó sẽ lộ bộ mặt phi nghĩa, trái với đạo lý từ chính các Tuyên ngôn năm 1776 và năm 1791 đã đề ra.
Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 đã tập trung vạch trần tội ác của thực dân Pháp trong hơn 80 năm cai trị nước ta. Kể riêng trong 5 năm, Pháp đã hai lần bán nước ta cho Nhật. Trong lúc đó, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau những lời lên án mạnh mẽ đó, ta đã tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với thực dân Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam, kêu gọi toàn dân đoàn kết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Tuyên ngôn đã khẳng định: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, không phải từ tay Pháp như vậy là Việt Nam không còn là của Pháp nên Pháp không thể nói là đã mất Việt Nam. Không mất Việt Nam thì đặt vấn đề giành lại Việt Nam là vô lý”. Trong Tuyên ngôn có một nhận xét khái quát: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, khẳng định thực tế đó cho thấy dân ta lập nên chính quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là việc đương nhiên, không thể để một xã hội bị hỗn loạn nếu không có chính quyền nào quản lý.
Tuyên ngôn Độc lập đã kết thúc với một quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ soạn thảo có nội dung rất phong phú, thể hiện sự hiểu biết ở trình độ cao, với tầm nhìn bao quát về thời đại cùng những dự báo đúng đắn sâu sắc. Tuyên ngôn cũng thể hiện một lập trường kiên định về độc lập tự do của dân tộc, vừa có tính chiến đấu cách mạng rất mạnh mẽ với lập luận khôn khéo, vững chắc, bằng lời văn súc tích rõ ràng.
Tuyên ngôn Độc lập là tuyên ngôn về thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8-1945, một sự kiện nổi bật có vị trí trung tâm trong các sự kiện lịch sử của Việt Nam trong thế kỷ 20. Nó bắt nguồn từ thảm họa của một dân tộc bị mất nước. Nó chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật trong 87 năm. Nó đánh đổ chế độ phong kiến mấy ngàn năm. Nó mở ra thời đại mới, nước độc lập dân làm chủ.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8 với việc ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 đã tạo ra thế và lực mới để đánh thắng giặc Pháp, giặc Mỹ trong 30 năm. Từ đó, thế đứng của nước Việt Nam ta trên thế giới ngày càng được nâng cao, rất có lợi cho công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8 kết thúc với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 cùng những thắng lợi tiếp theo cổ vũ và cung cấp kinh nghiệm thành công cho nhân dân các nước thuộc địa đấu tranh giành độc lập. Nó cắt đứt một vòi hút máu của con bạch tuộc đế quốc làm cho thế lực đế quốc phải điều chỉnh chính sách thực dân. Nó làm cho Việt Nam trở thành một trong những dân tộc tiên phong cách mạng trong phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Trần Trọng Tân