Đến thời điểm này, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 có thể nói đã kết thúc trong sự thở phào nhẹ nhõm của Bộ GD-ĐT cũng như các trường vì phần cốt lõi nhất là đề thi, công tác tổ chức thi diễn ra suôn sẻ, khắc phục được nhiều sự cố của những năm trước. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn đó những quan ngại về quy chế, những thông tư mang tính định hướng, giải quyết những quyền lợi ưu tiên của thí sinh được ban hành quá chóng vánh và chưa hợp lý.
Còn nhiều bất cập
Xét về mặt tổng thể, kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2013 diễn ra an toàn. Đáng nói hơn, phần quan trọng nhất, khâu đề thi năm nay không có hiện tượng “thiếu đề, đề thi mờ, cán bộ giải thích đề thi, cán bộ hủy bài thi và bắt thí sinh làm bài lại mà không tính thêm giờ” như những năm trước. Cả nước có 25 trung tâm in sao đề thi đều được chuẩn bị tốt về mặt kỹ thuật.
Một điều đáng ghi nhận nữa là an ninh và các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi được đảm bảo tối đa. Hình ảnh thí sinh bị kẹt xe phải chạy tất tả tới trường thi nhưng uất ức… bỏ thi không còn tái diễn; cúp điện, cúp nước cũng không xảy ra.
Tuy nhiên, trong sự nghiêm túc, an toàn ấy vẫn còn nhiều điều đáng bàn, đáng suy nghĩ qua những thông tư, hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT và các trường. Trước hết là Thông tư 25 (Thông tư liên tịch Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính ký ngày 8-3-2013) về hướng dẫn thu lệ phí tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo đó, lệ phí hồ sơ đăng ký dự thi, lệ phí thi từ 80.000 đồng tăng lên 105.000 đồng. Bất cập hơn, thông tư này có hiệu lực từ ngày 25-4-2013. Trong khi đó, thí sinh hoàn tất nộp hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 19-4 (?!). Chính nghịch lý này đã khiến thí sinh và các trường tổ chức thi phải vất vả trong ngày làm thủ tục dự thi: vừa phổ biến quy chế, chỉnh sửa sai sót lại vừa thu thêm lệ phí thi 25.000 đồng.
Tiếp theo là thông tư về sửa đổi bổ sung đối tượng ưu tiên ban hành ngày 4-7 (gọi tắt là Thông tư 24), trong đó có cả cộng điểm ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng và nêu rõ ngày 19-8 có hiệu lực. Tuy nhiên, ngày 24-7, Bộ GD-ĐT ra thông báo bãi bỏ quy định trên và thông báo: “Từ ngày 26-7-2013 đến hết ngày 9-8-2013, thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên tại Thông tư 24 nộp cho trường đăng ký dự thi (qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường) bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp”.
Cùng một thông tư, ban đầu Bộ GD-ĐT quy định ngày 19-8 có hiệu lực nhưng sau khi điều chỉnh lại yêu cầu thí sinh nộp hồ sơ từ ngày 26-7 đến ngày 9-8!
Nhiều thí sinh chịu thiệt
Về Thông tư 24, đại diện nhiều trường cho rằng: Bộ GD-ĐT ban hành thông tư quá cập rập về mặt thời điểm. Mọi thủ tục đã được hoàn tất khi thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi. Hơn nữa thời điểm quy định thí sinh bổ sung hồ sơ rất nhiều trường đã công bố điểm thi và gửi dữ liệu tuyển sinh về Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT. Và ngày 8-8, Bộ GD-ĐT cũng đã công bố điểm sàn năm 2013.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ GD-ĐT đã rất nỗ lực nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh theo đúng quy định của nhà nước. Tuy nhiên, về mặt thời điểm đúng là quá gấp và chúng tôi cũng đã nỗ lực đăng tải thông tin trên website của bộ và các phương tiện thông tin đại chúng để thí sinh nắm rõ”.
Hiện nay, rất nhiều thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên của Thông tư 24 làm thủ tục, nhưng các trường từ chối không giải quyết. Về vấn đề này, ông Nghĩa cho rằng: “Sở dĩ bộ ấn định thời gian như trên là nhằm đảm bảo công tác tuyển sinh của các trường không bị xáo trộn. Tuy nhiên, hiện nay nếu trường nào đó từ chối giải quyết cho thí sinh được hưởng ưu tiên theo Thông tư 24 cũng không thể trách họ vì thời điểm quy định nộp hồ sơ đã hết.
Còn trường nào giải quyết quyền lợi cho thí sinh cũng không sai phạm gì vì đó là cách giúp đỡ thí sinh theo đúng quy định”. Như vậy, có nghĩa là việc giải quyết quyền lợi chính đáng cho thí sinh theo Thông tư 24 cũng theo kiểu “hên - xui”, trường nào thích thì làm còn không thích thì có thể gạt bỏ thí sinh cũng không sao!
Ngoài vấn đề trên, trong khâu xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) năm 2013 cũng có nhiều trường vi phạm quy chế khiến thí sinh phải chịu thiệt. Quy chế tuyển sinh quy định: “Xét tuyển NVBS bắt đầu từ ngày 20-8 kéo dài đến 30-10 và chia làm 3 đợt (mỗi đợt kéo dài 20 ngày)”.
Quy định là vậy, nhưng hàng loạt trường thông báo xét tuyển NVBS sớm và kết thúc nhận hồ sơ sớm hơn quy định như Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Lao động Xã hội (cơ sở TPHCM), Trường ĐH Nguyễn Tất Thành… Không chỉ vậy, nhiều trường cũng từ chối cho thí sinh rút hồ sơ sau khi đăng ký xét tuyển NVBS dù trong Quy chế tuyển sinh quy định cho phép thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Đối với thí sinh dự thi vào 10 trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật được phép tổ chức thi riêng (không thi theo phương thức “3 chung”: chung đợt, chung đề và chung kết quả) nhưng không đậu cũng không thể dùng kết quả để xét NVBS vào những trường còn lại. Vì thực tế trong Quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cũng không quy định rõ ràng vấn đề này nên thí sinh dự thi vào 10 trường trên phải chờ đến sang năm thi tiếp...
Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “Từ nay đến năm 2015 thi tuyển sinh ĐH-CĐ vẫn theo phương thức “3 chung”. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục tiếp nhận và cùng các trường xây dựng các phương án tuyển sinh tối ưu sau năm 2015. Từ nay đến năm 2015, để ổn định trong công tác tuyển sinh, hàng năm Bộ GD-ĐT sẽ có sự điều chỉnh những điểm chưa hợp lý từ kiến nghị của các trường”.
Như vậy trong lúc chờ đợi phương án tuyển sinh hậu năm 2015, các trường vẫn phải thi tuyển sinh “3 chung”. Tuy nhiên, điều các trường mong muốn là những thay đổi và điều chỉnh của Bộ GD-ĐT đừng quá cập rập nhằm giúp công tác tuyển sinh “3 chung” đỡ rối và trên hết cải tiến, quy định mới phải giải quyết thỏa đáng và triệt để quyền lợi cho thí sinh.
THANH HÙNG