Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015: Đau đầu với chọn trường và nguyện vọng

Ở thời điểm gay cấn, đòi hỏi sự cân não đăng ký chọn trường, chọn ngành học, nhiều thí sinh lẫn phụ huynh cảm thấy rối bời, thậm chí hoang mang vì thiếu thông tin, lơ mơ về nghề nghiệp tương lai. Cơ hội được chọn nhiều nguyện vọng trong mùa tuyển sinh năm nay báo trước nguy cơ tiềm ẩn trong chọn ngành nghề - “kết duyên” sai - và tầm ngắm duy nhất vẫn hướng tới đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015: Đau đầu với chọn trường và nguyện vọng

Ở thời điểm gay cấn, đòi hỏi sự cân não đăng ký chọn trường, chọn ngành học, nhiều thí sinh lẫn phụ huynh cảm thấy rối bời, thậm chí hoang mang vì thiếu thông tin, lơ mơ về nghề nghiệp tương lai. Cơ hội được chọn nhiều nguyện vọng trong mùa tuyển sinh năm nay báo trước nguy cơ tiềm ẩn trong chọn ngành nghề - “kết duyên” sai - và tầm ngắm duy nhất vẫn hướng tới đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).

Rối và lo âu nhiều hơn

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã công bố điểm xét tuyển và điểm chuẩn dự kiến nguyện vọng (NV) 1. Thế nhưng, dù đã có kết quả điểm thi trong tay, nhiều thí sinh lẫn phụ huynh vẫn bối rối không biết chọn trường và nguyện vọng như thế nào để chắc chắn có một tấm vé vào ĐH. Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho biết: “Đổi mới tuyển sinh tuy có nhiều thuận lợi hơn nhưng thí sinh cũng bỡ ngỡ, lo âu nhiều hơn. Nhiều thí sinh tuy có phổ điểm cao hơn điểm sàn tới vài điểm nhưng không đủ tự tin, thậm chí hoang mang trước cả rừng thông tin tuyển sinh nên gọi điện nhờ nhà trường tư vấn chọn trường, chọn ngành học. Vì thế, công việc tư vấn, hướng nghiệp sau hậu thi cử cũng khá vất vả…”.

Giáo viên Trường THPT Gia Định TPHCM tư vấn cho các em học sinh làm hồ sơ xin xét tuyển Đại học. Ảnh: MAI HẢI

Nhằm gỡ rối cho thí sinh của mình, nhiều trường THPT ở TPHCM đã chủ động triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh cân nhắc trong chọn lựa trường ĐH và đăng ký nguyện vọng theo năng lực, sở trường. Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, chia sẻ: “Trước kỳ thi THPT quốc gia, nhà trường đã tổ chức tư vấn bước 1 về chọn trường, chọn ngành học cho học sinh lớp 12 rất kỹ. Tuy nhiên, sau khi có phổ điểm thi, nhiều em lại bối rối, dao động trước cánh cửa cạnh tranh cao và làm cách nào để tránh rủi ro trong chọn lựa nguyện vọng, ngành học. Vì thế sự đồng hành, định hướng thông tin, ngành nghề của nhà trường và các thầy cô giáo chủ nhiệm ở thời khắc này rất quan trọng và nó giúp các em có quyết định đúng đắn hơn”.

Việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia với mục đích hai trong một đã mở rộng cơ hội chọn trường, chọn nguyện vọng cho thí sinh. Thế nhưng, việc được quyền đăng ký nhiều trường và 4 nguyện vọng ở một trường tương đương với 4 ngành học đang tạo ra nguy cơ tiềm ẩn rủi ro lẫn kết quả ảo. Một khi không có may mắn chạm vào NV1 - ngành nghề yêu thích, hợp sở trường, năng lực thì thí sinh đành nhắm mắt “ép duyên” với ngành nghề không thích, miễn là có một tấm vé vào ĐH. Như thế, việc đổi mới tuyển sinh vẫn dừng ở phần ngọn. Còn cái gốc - học để thi cử và vào ĐH bằng mọi giá vẫn chưa thay đổi. Để thu hút thí sinh với số lượng càng nhiều càng tốt, nhiều trường ĐH, CĐ đang chuẩn bị tung chiêu tuyển sinh cũ “chỉ lấy mức điểm sàn”. Làm thế nào giám sát chất lượng tuyển sinh đào tạo bậc ĐH, CĐ ở những nơi chỉ chú trọng số lượng, xem nhẹ đầu vào và vô trách nhiệm với sản phẩm nhân lực đầu ra? Đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải tiến hành điều tra và mạnh tay xử lý những trường, cơ sở đào tạo đầu ra có chất lượng thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao.

Nước đến chân… chưa biết nhảy hướng nào!

Theo các chuyên gia, thành công nghề nghiệp tương lai phụ thuộc quan trọng vào sự lựa chọn ngành nghề khi bước vào giảng đường ĐH, CĐ. Thế nhưng, năm nào cũng vậy, “nước đến chân”, nhiều TS cũng chưa biết “nhảy” hướng nào vì không hiểu rõ mình có khả năng gì, thích hợp với ngành nghề, công việc nào? Chính vì thế, bên cạnh việc chọn trường theo “nhãn mác”, chạy phong trào - ngành nghề đang “hot”, “thời thượng” hoặc bị ép theo ước vọng của cha mẹ…, nhiều em lại chọn đại một ngành học nào đó để có chỗ học ở giảng đường.

Một số hiệu trưởng trường THPT thừa nhận công tác tư vấn hướng nghiệp ở trường THPT còn nhiều hạn chế, thiếu thông tin, thiếu giáo viên chuyên trách nên rất khó tư vấn, định hướng về ngành nghề, nhu cầu của thị trường lao động cho học sinh. Vì thế, trừ một số ít học sinh biết rõ sở thích, sở trường, đam mê, chủ động tìm kiếm thông tin liên quan đến ngành học, môi trường, áp lực làm việc trong tương lai, phần đông đều thụ động chờ đến ngày chọn trường, chọn ngành mới quyết định. Trước bức tranh màu xám với 178.000 cử nhân thất nghiệp, thầy cô giáo và các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cũng đau đầu trước những câu hỏi như “Học ngành nào dễ kiếm việc làm?” hoặc “Dự báo vài năm tới, ngành này, nghề kia có nhu cầu tuyển dụng hay không?”…

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã tuyên bố đổi mới thi cử và tuyển sinh nhằm đánh giá đúng năng lực người học, góp phần định hướng phân luồng TS vào các trường nghề, nhưng quan niệm và tâm lý bằng cấp, khoa bảng vẫn ngự trị, lấn át ước muốn học nghề, chọn nghiệp theo đam mê, sở trường. Cứ đến mùa tuyển sinh, từ Bộ GD-ĐT đến các trường ĐH lại rầm rộ chiến dịch tuyển sinh, quảng bá cơ hội vào ĐH nhiều và dễ dàng. Chỉ tội nghiệp cho các trường nghề, CĐ nghề dài cổ ngóng chờ nguồn tuyển sinh rơi rớt, “lọt sàng xuống nia” từ các trường ĐH, CĐ.

Đã có nhiều cảnh báo từ thực tế, thay vì sống chết để có một tấm vé vào ĐH, rồi 4 năm sau cầm tấm bằng cử nhân nhưng thất nghiệp dài dài, các bạn trẻ hãy cân nhắc chọn cho mình một nghề nghiệp vững chắc, nhiều tiềm năng phát triển ổn định trong tương lai. Đó là lời khuyên của các chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp. Để học sinh của mình chọn bến đỗ nghề nghiệp phù hợp, tránh lãng phí vì đầu tư sai ở bậc ĐH, các trường THPT hãy khuyên học trò của mình đừng với cao, đừng cố đăng ký nguyện vọng vớt vát để học ngành mà mình không ưa thích.

Một vấn đề khác cần đặt ra, trong khi thị trường lao động trong nước và khu vực biến động và thay đổi rất nhanh thì công tác dự báo về nhân lực, xu hướng ngành nghề ở nước ta lại tụt hậu, không theo kịp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng mù mờ về thông tin cũng như định hướng nghề nghiệp tương lai cho giới trẻ. Ai phải chịu trách nhiệm khi để TS, phụ huynh và cả xã hội khát thông tin và mù mờ khi chọn ngành học mà không biết rõ 4-5 năm nữa nó có cần cho thị trường lao động hay không?

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục