Năm học 2011-2012, TPHCM dự kiến dành 57.455 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Trong khi đó, số lượng học sinh (HS) tốt nghiệp THCS dự kiến lại trên 76.000. Việc có thêm 2 quận là Bình Tân và quận 6 xét tuyển và có thêm 2 trường mới có khả năng tiếp nhận hơn 1.700 học sinh dường như vẫn chưa thể làm dư luận bớt lo lắng về một kỳ thi đầy căng thẳng mà hiệu quả vẫn không như ý.
Chỉ “xét” mà chưa “tuyển”
Năm học 2011-2012, toàn TP có 9 quận, huyện xét tuyển vào lớp 10 là các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và quận 2, 9, 6, Bình Tân, Thủ Đức. Đây là những quận có đủ Trường THPT công lập đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, ưu điểm của xét tuyển là không tạo áp lực thi cử cho HS, không gây tốn kém đối với ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, việc xét tuyển cũng tồn tại không ít nhược điểm.
Bà Phan Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh, Cần Giờ, chia sẻ: “Nói là xét tuyển nhưng rõ ràng là xét cho đủ 100% học sinh chứ cơ hội chọn lọc học sinh là rất khó. Hàng năm, trường có 5%-10% học sinh bỏ học vì không theo nổi chương trình lớp 10, dù theo kết quả xét tuyển đầu vào đều đạt, thậm chí cao”.
Cùng quan điểm trên, hiệu trưởng một trường THPT cho biết: “Theo quy định, căn cứ để tính điểm xét tuyển vào lớp 10 là học lực và hạnh kiểm trong bốn năm học bậc THCS. Vì vậy, chỉ cần học khá trong ba năm lớp 6, 7, 8, đến lớp 9 đạt mức trung bình, học sinh vẫn đủ điểm vào các trường công lập. Thêm vào đó, ở bậc THCS, nhiều giáo viên có tâm lý thương học trò, cho điểm cũng dễ dãi để các em có cơ hội vào trường công lập, vì vậy khó lòng đánh giá đúng thực chất đầu vào của học sinh”.
Tại cuộc họp giao ban hiệu trưởng các trường THPT và các phòng giáo dục quận huyện trong tháng 3 vừa qua, nhiều trường THPT công lập thuộc các địa bàn xét tuyển mong muốn được tổ chức thi tuyển hoặc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển, với lý do là xét tuyển càng nhiều, HS càng lười học và chê chất lượng đánh giá, cho điểm của bậc THCS. Năm nay, dù chọn hình thức xét tuyển nhưng quận 6 và Bình Tân cũng giới hạn chỉ tiêu ở mức 80%-90% vào trường công, chứ không thể lấy hết 100%.
Ông Trần Hữu Vĩnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết: “Quận chỉ xét khoảng 80% HS vào trường công, số còn lại được phân luồng vào trường tư thục, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên… Mặt khác, chúng tôi yêu cầu các trường THCS phải củng cố chất lượng, đánh giá đúng khả năng học tập của học sinh, tuyệt đối không có tâm lý “thả” hay nhẹ tay”.
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng
Hàng năm nhiều học sinh cố sức thi tuyển vào lớp 10 công lập, dù đậu nhưng nửa đường lại “đứt gánh”. Ông Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, phân tích: “Đối với những trường có điểm chuẩn đầu vào kha khá thì còn ít, đối với những trường công lập có điểm chuẩn thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học khá nhiều, do không theo nổi chương trình cấp 3”.
Ông Ngô Tương Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, cho biết: “Dù rất nỗ lực nhưng năm nào trường cũng có vài học sinh nghỉ học do không theo kịp các bạn khác”.
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2011-2012, chỉ tiêu vào các trường công lập sẽ giảm khoảng 5%-6% so với năm học trước. Chỉ tiêu giảm, trong khi lượng học sinh tốt nghiệp THCS lại tăng, điều này có nghĩa học sinh ở 13 quận huyện không xét tuyển phải trải qua kỳ thi căng thẳng mới có cơ hội vào các trường công lập.
Mặt khác, nhiều trường thi tuyển luôn mang tâm trạng lo lắng rằng liệu những HS này thật sự đủ năng lực để “chạy đường trường” suốt ba năm học THPT hay không, hay cố chạy thục mạng vào rồi lại đuối dần vì không theo kịp bạn bè?
Theo quy định, những HS ở địa bàn thi tuyển vào lớp 10 sẽ thi 3 môn: Toán, Văn và một môn nữa chưa xác định (theo dự kiến đến ngày 11-5 công bố). Điểm tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập là tổng điểm 3 bài thi và điểm cộng thêm (nếu có) theo quy định của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, sau khi có điểm thi học kỳ 2, phụ huynh và học sinh nên cộng điểm của 3 môn. Nếu tổng điểm này thấp hơn 20 điểm thì cân nhắc có hay không thi vào Trường THPT công lập.
Đừng “cố đấm ăn xôi”, hì hục thi đậu vào một trường công lập nào đó, nhưng lại không thể theo hết chặng đường.
Nguyễn Thủy