Đến hẹn lại lên, ngành giáo dục - đào tạo TPHCM tiến hành công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2012 - 2013 (ngày 7-4). Những gia đình nào có con em đang học lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 quan tâm đặc biệt đến thông tin tuyển sinh vào lớp 10.
Là người trong cuộc mới thấu hiểu nỗi khổ, mệt mỏi vì mục tiêu tìm một chỗ học trường công lập cho con em mình. Điều đáng nói thứ nhất là tại sao kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm nào cũng đánh đố dư luận, đánh đố người học, người dạy bằng cách chỉ công bố hai môn thi chính là Ngữ văn, Toán, còn môn thứ ba thì chờ công bố sau (năm nay công bố vào ngày 11-5-2012).
Nhìn lại các năm trước, từ giáo viên đến học sinh (HS) đều đoán ngay môn thi thứ ba chính xác là ngoại ngữ. Vì thế, hầu hết HS và các trường đều tập trung ôn luyện môn ngoại ngữ và kết quả đúng là thi môn này. Vẫn biết môn học nào cũng quan trọng và chủ ý “chưa công bố môn thi thứ ba” của ngành giáo dục TP nhằm giúp HS, giáo viên không học và dạy lệch. Thế nhưng, có cần thiết phải làm điều này để tạo thêm áp lực cho HS lẫn nhà trường?
Vào thời điểm chuẩn bị cho cuộc đua tranh quyết liệt vào lớp 10, trường nào cũng tất bật với nhiệm vụ tư vấn cho HS, phụ huynh (PH) chọn nguyện vọng 1, 2, 3 sao cho tỷ lệ đậu vào trường công lập cao nhất. Vì thành tích phải đậu vào trường công lập 90% - 95%, cả thầy lẫn trò phải khổ công ra sức ôn luyện. Có đi họp PH mới thấy chuyện chọn lựa nguyện vọng 1, 2, 3 căng thẳng, đấu trí hơn cả chuyện thi vào đại học.
Thầy chủ nhiệm - thừa lệnh của hiệu trưởng mong muốn HS đậu trường công với tỷ lệ cao, trong ngưỡng an toàn nên cứ căn dặn PH phải tính toán, cân nhắc đến năng lực của con mình và khuyên nên chọn trường thuộc hạng có điểm thấp hơn một chút…
Nhiều PH vì muốn an toàn cho con nên chọn trường không đúng với ý muốn của HS. Thậm chí, đến giờ chót, nhiều HS và PH còn lúng túng không biết chọn trường nào cho chắc chắn có được một chỗ học. Bạn của tôi kể lại chuyện buồn năm ngoái liên quan đến việc “bút sa gà chết” khi chọn nguyện vọng. Con trai của chị học rất giỏi, đứng trong những thứ hạng đầu của lớp nên cháu tự tin ghi nguyện vọng 1 - Nguyễn Thượng Hiền, thế nhưng thiếu có 0,25 điểm mà cháu phải học trường không mong muốn là L.T.V. Chị chua chát kể lại: “Cả nhà tôi phải xúm vào bàn thảo, tính toán chọn nguyện vọng cho con trai, vậy mà vẫn tính sai nước cờ”.
Một số PH khác thì ngậm ngùi vì con mình thi rớt hết 3 nguyện vọng đành phải học trường dân lập. Vẫn biết vì chỗ học lớp 10 ở các trường công lập của TP chỉ đáp ứng khoảng 70% nên ngành giáo dục phải tổ chức thi tuyển sinh đầu cấp. Thế nhưng với cách tổ chức thi tuyển và duy trì quy định đăng ký nguyện vọng chưa thật sự khoa học, thậm chí mang tính đánh đố như hiện nay khiến HS, PH lẫn nhà trường đều bị áp lực, hồi hộp như chờ kết quả xổ số. HS may mắn chọn đúng nguyện vọng thì vui mừng, còn không thì ngậm ngùi…
Không những thế, nhiều PH, HS lớp 9 cũng bối rối với quy định mới của Bộ GD-ĐT yêu cầu việc tuyển sinh vào lớp 10 trường chuyên, năng khiếu phải qua 2 vòng kiểm tra, trong đó phải có kết quả đánh giá các chỉ số: thông minh (IQ), xúc cảm (EQ), vượt khó (AQ). Quy định bất ngờ - áp dụng từ ngày 31-3-2012 khiến ban giám hiệu lẫn HS bất ngờ, trở tay không kịp. Hơn nữa, việc đánh giá các chỉ số IQ, EQ, AQ dựa trên tiêu chí nào và đơn vị, tổ chức nào có đủ thẩm quyền thẩm định đánh giá đúng?
Đến bao giờ kỳ thi tuyển sinh đầu vào lớp 10, trường chuyên mới hết trò đánh đố người học lẫn người dạy?
KHÁNH HÀ