Bài học đau lòng
Tham gia rất nhiều vụ cứu nạn trong hỏa hoạn, do đuối nước hay tai nạn hy hữu, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành và đồng nghiệp luôn trăn trở với công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ năng thoát nạn, ứng phó khi gặp sự cố. Đó là “chìa khóa” giúp người dân loại bỏ, giảm bớt hậu quả khi tai nạn, sự cố ập đến.
Thực tế, những sự cố thương tâm vẫn xảy ra có một phần nguyên nhân xuất phát từ thực trạng nạn nhân cũng như những người xung quanh vừa thiếu, vừa yếu kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ. Mới đây, một bé gái (2 tuổi) bất ngờ rơi xuống nước rồi thiệt mạng khi đang chơi với chị gái gần sông Soài Rạp (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TPHCM). Sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng cứu nạn tìm thấy thi thể nạn nhân, bàn giao về địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng lý do phổ biến khiến trẻ gặp tai nạn đuối nước xuất phát từ tính chủ quan, thiếu giám sát của người lớn khi để trẻ tự do vui chơi tại khu vực nguy hiểm. Phần lớn trẻ tử vong do không biết bơi, thiếu kỹ năng xử lý tình huống.
Không ít những vụ hỏa hoạn quy mô không lớn nhưng nạn nhân thực sự bất lực. Thiếu may mắn, nhiều người trong số họ mất mạng oan uổng. Vụ cháy căn nhà phố (1 trệt, 2 lầu) ở số 617 đường Lê Trọng Tấn (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM) là điển hình. Lửa chỉ gây hư hại 50/150m2 tổng diện tích căn nhà. Tuy nhiên, một người đàn ông (40 tuổi) tử vong sau khi nhảy từ tầng 2 xuống đất. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công an quận Bình Tân nhận định cháy mới phát sinh, nạn nhân quá hoảng loạn. Người này không có kỹ năng thoát hiểm nên chọn cách nhảy từ tầng cao xuống dưới. Trường hợp này, nạn nhân cần bình tĩnh tìm nơi thoát ra; hoặc có thể ở trong phòng (như 3 nạn nhân khác trong vụ cháy) khi thấy xung quanh có nhiều khói. Căn nhà nằm ngay góc đường lớn, có nhiều cửa, người gặp nạn không khó tìm cách thoát hiểm. Tuy nhiên, do phương tiện và kỹ năng thoát hiểm đều không có nên dẫn đến hậu quả thương tâm.
Giải pháp sâu sát, thực tế
Thiếu tá Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh kỹ năng sinh tồn lúc xảy ra tai nạn rất quan trọng; đặc biệt đối với các em nhỏ. Ông mong phụ huynh, nhà trường chú trọng đào đạo kỹ năng này song song với kiến thức văn hóa. Những bài học nhãn tiền đòi hỏi mỗi người dân, gia đình cần trang bị kỹ năng xử lý tình huống kỹ càng. Mọi đơn vị chức năng cần chú trọng, chủ động, tích cực hơn nữa trong tuyên truyền, phổ biến kỹ năng ứng phó nguy hiểm đến từng cá nhân.
Ở TPHCM, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến công tác PCCC & CNCH. Đơn cử, Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TPHCM) vừa phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC & CNCH Công an quận Tân Phú tập huấn cho công nhân. Ngoài kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ, công nhân được hướng dẫn thực hành, sử dụng thiết bị PCCC đúng cách. Phòng PC07 Công an TPHCM thực thi nhiệm vụ bằng nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực. Nổi bật là chương trình “Học làm chiến sĩ cảnh sát PCCC & CNCH” từng thu hút hơn 300 học sinh tham gia. “Chúng em rất hào hứng khi được hướng dẫn rồi trực tiếp sử dụng bình chữa cháy xách tay, thực hành thoát hiểm bằng thang dây, thoát hiểm trong môi trường nhiều khói, khí độc”, Hoàng Thanh Lan, học sinh Trường Trung học Thực hành - Đại học Sư phạm TPHCM, chia sẻ. Ngoài ra, các em dễ dàng tiếp thu kiến thức cơ bản liên quan đến quy định pháp luật về PCCC; biện pháp an toàn PCCC tại nơi ở… Các địa phương cũng đẩy mạnh diễn tập phương án PCCC, CNCH ở tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Đơn cử, TP Thủ Đức mới tổ chức diễn tập tại trung tâm thương mại GigaMall Việt Nam. Tình huống đưa ra là nhàhàng trên tầng 5 xảy ra rò rỉ khí gas. Sự cố gây cháy, lửa lan ra toàn bộ nhà hàng. Đám cháy tỏa ra nhiều khói, khí độc gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe khoảng 1.000 người mắc kẹt phía trong...
Bên cạnh đó, Phòng PC07 thường xuyên tổ chức tập huấn phòng chống tai nạn đuối nước ngay tại đơn vị, nhằm trau dồi kỹ năng cần thiết giúp trẻ em có thể sinh tồn trong môi trường nước. Chị Hồ Thúy Vân (ngụ quận 8, TPHCM) bộc bạch: “Từng đưa 2 con gái đến PC07 tập bơi, tôi rất an tâm. Cán bộ, chiến sĩ dạy cách bơi lội bài bản, trực quan nên các cháu dễ tiếp thu. Đây là một trong những kỹ năng rất quan trọng giúp các con tự bảo vệ mình”.
Việt Nam có hơn 2.000 trẻ tử vong do đuối nước mỗi năm. Tỷ lệ trẻ em đuối nước ở nước ta hiện cao nhất Đông Nam Á, cao gấp 10 lần so với nhiều nước đang phát triển. Trong đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn. |