1. Từ bé tôi đã thích tuyết. Chưa nhìn thấy tuyết ngoài đời bao giờ, nhưng xem phim thấy cảnh tuyết rơi trắng xóa, tôi thích mê tơi. Học cấp hai, lén ba mẹ thuê truyện kiếm hiệp về “luyện”, đọc tới chỗ các cao thủ võ lâm đi ngoài tuyết mà không để lại dấu chân, cước lực nhẹ nhàng, khinh khoái, đạt đến trình độ “đạp tuyết vô ngân”, tôi hâm mộ vô cùng.
Tây Môn Xuy Tuyết trong truyện Cổ Long, Tuyết Sơn Phi Hồ trong truyện Kim Dung, ngoại hiệu các tay cao thủ tuyệt đỉnh đó đều long lanh tuyết. Lớn lên chút nữa, những tác phẩm văn học yêu thích của tôi phần nhiều cũng liên quan đến tuyết: Xứ tuyết của Kawabata Yasunari, Con chim trốn tuyết của Paul Gallico, Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro của Ernest Hemingway… Vậy mà đến nay tôi chưa có dịp thấy tuyết bao giờ.
2. Tôi còn kém hơn cả các bậc tiền bối. Chắc chắn cha ông ta nhiều người đã nhìn thấy tuyết. Ta có thể tìm thấy điều đó trong trước tác của họ. Có người chê họ thiếu thực tế, theo đuổi lối văn chương ước lệ, chứ Việt Nam làm gì có tuyết. Có thể thời xưa các thi sĩ chưa đặt chân đến thị trấn Sapa ở Lào Cai, nơi thỉnh thoảng tuyết vẫn rơi vào mùa đông giá, nhưng các vị hẳn không ít người đi sứ sang Trung Quốc và mục sở thị cảnh “vũ tuyết phi phi” được mô tả trong phần Tiểu nhã của Kinh Thi. Vậy thì ta chớ trách oan các vị.
3. Cuối năm 2009, tôi đi dự Hội thảo Văn học thiếu nhi ở Stockholm, lòng sung sướng vô ngần, chắc mẩm phen này thế nào cũng nhìn thấy tuyết. Ngay hôm đầu tiên, trước khi đọc bản tham luận của mình, tôi chợt nhớ phải làm một động tác ngoại giao khi đến nước người, liền nói một câu “ước lệ”: “Hôm nay tôi rất hạnh phúc khi đặt chân đến đất nước Thụy Điển xinh đẹp”; ngập ngừng một chút tôi nói tiếp một câu “phá lệ”: “Đất nước Thụy Điển sẽ xinh đẹp hơn nữa nếu lần đầu trong đời tôi được nhìn thấy tuyết ở đây”. Cử tọa “ồ” lên và nhiều người vui vẻ chúc tôi được toại nguyện trong những ngày ở Stockholm.
Có người nói chắc như đinh đóng cột là trong một tuần lễ lưu lại đây thế nào tôi cũng nhìn thấy tuyết. Tôi đợi mỏi mòn, sáng nào mở cửa ra cũng hồi hộp căng mắt nhìn tứ phía, thất vọng chẳng thấy thứ gì giống như tuyết. Một hôm đi giao lưu ở thành phố Halmstad, tới nơi thấy bãi đỗ xe ô tô chiếc nào cũng trắng xóa, tôi mừng húm lại gần quẹt tay lên lớp “tuyết” mỏng, reo lên với cô Gizela Sladic đi cùng: “Đúng là trời không phụ lòng người! Cuối cùng tôi cũng nhìn thấy tuyết, Gizela!”. Gizela Sladic tủm tỉm: “Theo tôi thì trời phụ lòng người rồi! Lớp băng mỏng đó không phải là tuyết, chỉ là sương đêm gặp khí lạnh đông lại mà thôi!”.
Rốt cuộc, sau bảy ngày cuối năm đi lang thang ở xứ sở Bắc Âu, thứ gì tôi cũng nhìn thấy, từ hang động (tức là nhà ở) đầu tiên của người Viking đến tòa thị chính Stockholm, nơi diễn ra lễ trao giải Nobel Văn chương hàng năm, chỉ trừ tuyết là không thấy.
Tôi về đến Việt Nam ít hôm, báo đài đã ồ ạt đăng tin bão tuyết đang tràn qua châu Âu, nghe phát điên!
4. Tháng vừa rồi, tôi qua Mỹ đón Giáng sinh và Năm mới cùng gia đình, lòng cũng khấp khởi phen này ắt sẽ tận mắt chứng kiến cảnh “vũ tuyết phi phi”. Hai lần trước, tôi qua Mỹ vào mùa hè, phen này cố tình qua vào mùa đông cũng có ý đó. Rốt cuộc, chẳng thấy tuyết tung gì cả. Thậm chí, số tôi vô duyên với tuyết đến mức tự an ủi: thôi, không thấy tuyết thật thì đi tham quan “tuyết nhân tạo” ở khu Snow Mountain Park thuộc thành phố Atlanta (tiểu bang Georgia) cũng đỡ tủi phần nào. Hổng ngờ phóng ô tô chạy thục mạng tới nơi mới hay công viên tuyết này… hết vé.
Về tới Việt Nam chừng ba ngày, mấy đứa em ở Dallas và Atlanta, kể cả ở Orlando, gửi một lô hình về y như để trêu tức tôi: Tuyết đang rơi trắng xóa ở bển!
Thế là tôi đành ngậm ngùi quay lại với… tuyết ở quê nhà: Trưởng ban Văn hóa thể thao báo Sài Gòn Giải Phóng là cô Bạch Tuyết, sếp trực tiếp của tôi. Nhưng tuyết này chẳng mát mẻ chút nào: Vừa thấy tôi ló mặt vô cơ quan đã chìa tay ra, mặt nghiêm nghị: “Bài tuần này đâu, ông?”. Buồn ơi là sầu!
NGUYỄN NHẬT ÁNH