Azim H.Premji

Tỷ phú “nghèo”

Tỷ phú “nghèo”

Làm thế nào Azim H. Premji có thể biến một công ty dầu ăn thành tập đoàn kỹ thuật công nghiệp cao có tầm vóc toàn cầu? Đó là câu hỏi mà thế hệ trẻ châu Á – trên con đường tích lũy kinh nghiệm khi thâm nhập làng doanh nghiệp công nghệ thông tin – chắc chắn sẽ quan tâm…

  • Một tấm gương cần cù
Tỷ phú “nghèo” ảnh 1

Azim Premji.

4 giờ 30 sáng, ánh đèn trong căn nhà tại Bangalore bật sáng. Azim Premji, vị chủ tịch 60 tuổi của Công ty Phần mềm Wipro Ltd, bắt đầu thức. Vừa nhấm nháp cà phê, Premji vừa liên lạc qua e-mail với các giám đốc của mình tại bốn châu lục. 7 giờ, Premji đi bộ 250m đến văn phòng tại trụ sở Wipro. Tại đó, ông dùng điểm tâm với vài khách hàng hoặc viên chức chính phủ. Tiếp đó, ông tham dự các cuộc họp về những vấn đề liên quan tới doanh nghiệp. Thông thường, Premji kết thúc ngày làm việc bằng chuyến bay thương mại đến Bombay, San Francisco hoặc Luân Đôn, nơi các nhân viên cần được hỗ trợ. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, Premji làm việc không biết mệt. Ông sở hữu 84% Wipro, với gia sản khoảng 5,3 tỉ USD, trở thành tỉ phú giàu nhất Ấn Độ nhưng là một trong những người giàu nhất thế giới không có máy bay riêng hoặc xe hơi bóng lộn.

Từ hãng dầu ăn được bố thành lập năm 1945, Wipro đã được Premji biến thành công ty công nghệ truyền thông với số nhân viên 23.000 người, lợi nhuận 902 triệu USD và lãi 170 triệu USD trong năm tài khóa kết thúc tháng 3-2003 – theo BusinessWeek. Doanh số bán tiếp tục tăng vọt với tỉ lệ 25%/năm và doanh thu tăng đều 52%/năm trong bốn năm qua.

Azim Premji vẫn không dừng lại. Cách đây vài năm, Wipro chỉ sản xuất phần mềm mật mã và bảo trì hệ thống mạng nhưng nay công ty đang tiến sâu vào nhiều ngành hấp dẫn nhất của công nghệ thông tin nói chung, từ con số không cách đây hai năm. Năm 2002, Wipro tuyển thêm 8.000 nhân viên mới và “đánh” mạnh vào phần mềm chuyên biệt từ quản lý y tế, bán lẻ đến năng lượng, ngoài ra, Premji vừa mua ba công ty nhằm mở rộng tầm với ra thị trường toàn cầu, đặc biệt tại Trung Đông, nơi các công ty Mỹ gần đây bị thất sủng. Với tham vọng biến Wipro thành một trong 10 công ty dịch vụ truyền thông đa phương tiện hàng đầu thế giới, Azim Premji đã phát triển “dàn nền” Wipro đến nhiều nơi.

Cách đây vài năm, ông chuyển tổng hành dinh Wipro đến Santa Clara (California) và thuê Vivek Paul (nguyên quản lý GE Medical Systems) làm tổng giám đốc điều hành. Kết quả, Wipro hiện nắm trong tay lượng chuyên gia hùng hậu hàng top thế giới. Tháng 11-2002, Wipro là Công ty Công nghệ truyền thông Ấn Độ đầu tiên mua một công ty lớn của Mỹ (American Management Systems Inc tại Boston) với giá 24 triệu USD và tháng 5-2003, Wipro mua tiếp NerveWire Inc (Massachusetts) với giá 19 triệu USD. Trước đó, tháng 4-2003, Wipro qua mặt đại gia Mỹ Oracle Corp trong đấu thầu cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho Công ty TeliaSonera. 

  • Chân dung một tỉ phú bình dị

Sinh ngày 24-7-1945, Azim Premji được bố gửi sang Mỹ học Đại học Stanford nhằm tiếp quản doanh nghiệp gia đình Western India Vegetable Products Ltd (Wipro). Năm 1966 (đang học năm cuối), nhận được tin bố mất, cậu sinh viên 21 tuổi Azim Premji về nước, tiếp nhận doanh nghiệp gia đình với mạng bán lẻ dầu ăn. Với kiến thức từ Stanford (một trong những đại học hàng đầu Mỹ), Premji thực hiện chiến dịch chuyên nghiệp hóa. Ông thuê nhiều thạc sĩ kinh thương và để họ tự quản lý phần việc của mình. Sau đó, Premji thâm nhập công nghiệp xà phòng, cạnh tranh với nhiều gương mặt sừng sỏ, trong đó có Hindustan Lever.

Năm 1977, Chính phủ Ấn Độ hất cẳng IBM, mở đường cho doanh nghiệp địa phương tham gia thị trường phần cứng máy tính và Premji là một trong những người đầu tiên tận dụng cơ hội này. Năm 1981, Wipro bắt đầu tung ra máy tính mang thương hiệu riêng và thống trị thị trường máy tính Ấn Độ trong hai thập niên. Năm 1984, Wipro tham gia lĩnh vực phần mềm. Hiện tại, nhà máy sản xuất phần cứng máy tính trị giá 178 triệu USD vẫn làm việc, song song liên doanh với GE Medical Systems (14 năm qua) trong sản xuất thiết bị y khoa (chưa kể dầu ăn và xà phòng).

Tỷ phú “nghèo” ảnh 2

Ấn Độ đã trở thành quốc gia số một châu Á trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ thông tin.

Năm 2000, Azim Premji được tuần báo Asiaweek bình chọn là một trong 20 người quyền lực nhất thế giới và ông liên tục có mặt trong danh sách 50 người giàu nhất hành tinh của chuyên san kinh tế Forbes vài năm gần đây. Theo một phóng sự đặc biệt về Azim Premji của hãng thông tấn BBC, Azim Premji được xem là một Bill Gates của Ấn Độ. Tuy nhiên, Azim Premji là một tỉ phú “nghèo”. Thay vì xuất hiện trong những yến tiệc trong giới đại gia công nghệ thông tin Ấn Độ, Premji thường cuốc bộ lên vài ngọn núi quanh Bangalore. Dù mê nghệ thuật nhưng Premji không vung tiền qua cửa sổ nhằm giành các tác phẩm độc đáo qua những cuộc đấu giá, như cách mà giới tỉ phú Nhật vẫn thường chơi nổi. Văn phòng làm việc Premji có thiết kế đơn giản, trên bàn chỉ có một máy tính xách tay. Ông không xài xe Limosine mà là chiếc Ford Escort 1996 (chỉ mới đổi chiếc Toyota Corolla vào đầu năm 2005).

Khi đi công tác xa, ông tự giặt đồ và chỉ ở khách sạn ba sao. Người vợ chung sống với ông hơn ba thập niên qua – Yasmeen – cũng tự lái chiếc Fiat nhỏ xíu khi về thăm gia đình tại Bombay. Không như nhiều công ty khổng lồ khác, giới giám đốc quản trị Wipro không có thư ký riêng và họ phải tự trả lời e-mail. Trụ sở làm việc không có bãi đỗ xe riêng như hầu hết công ty lớn của Mỹ. Với Azim Premji, tất cả nhân viên Wipro là thành viên gia đình và bản thân ông xem mình là một “công dân Wipro”.

 “Một doanh nhân đáng trân trọng không phải là người xây dựng lớn lao như thế nào cho cơ nghiệp riêng mà là đóng góp nhiều như thế nào cho xã hội trong sự nghiệp của mình” – Azim Premji.

Tờ Financial Times (trong ấn bản thượng tuần tháng 5-2005) đã không quá lời khi chọn Azim Premji vào danh sách 25 tỉ phú cống hiến tận tâm cho xã hội với mục tiêu đem lại cho cuộc sống nhiều điều tốt đẹp hơn (Bill Gates đứng đầu danh sách này). Tháng 1-2005, Chính phủ Ấn Độ trao Premji Giải Padmabhushana – giải dành cho thường dân cao quý nhất nước này. Đó là một sự công nhận xứng đáng. Từ năm 2001, Azim Premji đã thành lập Tổ chức (phi lợi nhuận) Azim Premji với mục đích giáo dục cho trẻ em nghèo khắp nước Ấn. Hiện thời, 1,8 triệu trẻ em Ấn đang được hưởng lợi từ các chương trình trong khuôn khổ Tổ chức Azim Premji.

Tại một hội thảo quốc tế tổ chức ở Bangalore gần đây, Azim Premji nói: “Công nghệ thông tin đang trên đường trở thành nguồn thu xuất khẩu lớn nhất cho Ấn Độ và tôi nghĩ rằng đóng góp của nó thậm chí mang tính nền tảng hơn. Đất nước chúng tôi trở thành vùng đất của những gương mặt hàng đầu về công nghệ thông tin. Các kỹ sư công nghệ thông tin của chúng tôi được kính trọng không chỉ ở Mỹ, nơi đầu tiên nhận biết tài năng Ấn Độ, mà còn ở nhiều nước khác”.

HOÀNG MINH

Tin cùng chuyên mục