Tỷ phú tiền cổ

Tỷ phú tiền cổ

Anh Đặng Đức Dũng là chuyên viên văn hóa xã hội Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh. Ngoài việc say mê công tác xã hội, anh còn “nghiện” sưu tập tiền cổ. Qua 15 năm sưu tập, nghiên cứu, Đặng Đức Dũng đã có bộ sưu tập tiền cổ quý giá của hơn 100 quốc gia trên thế giới. Về tiền cổ Việt Nam, anh thuộc loại “trùm”, có nhiều “hàng độc”.

Chính vì vậy, tháng 5-2006, nhân 55 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam, bộ sưu tập tiền Việt Nam qua các thời kỳ của Đặng Đức Dũng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chọn giới thiệu tại triển lãm ở Hà Nội.

  • Không dưng, vướng “nghiệp” tiền cổ
Tỷ phú tiền cổ ảnh 1

Đặng Đức Dũng bên “gia tài” tiền cổ của mình. Ảnh: NGUYỄN LINH GIANG

Đặng Đức Dũng quê ở Phú Yên. Anh có một tuổi thơ bất hạnh. Năm 1972, lúc lên 4 tuổi, trong một tai nạn lật xe ở đèo An Khê, Dũng bị thất lạc hết người thân.

Từ đó, anh lớn lên trong trại trẻ mồ côi. Năm 12 tuổi, Dũng đi bụi lang thang từ Pleiku đến Nha Trang, Sài Gòn, Đồng Nai. Anh từng làm đủ các nghề để sinh sống: đãi vàng, khai thác gỗ, lơ xe đường dài, bán bánh mì, đạp xích lô, làm thợ hồ, phụ bếp, chụp ảnh dạo…

Tuy phải bôn ba kiếm sống nhưng Dũng vẫn quyết tâm vươn lên, học tập để có vốn kiến thức “lận lưng”. Những ngày ở Làng cô nhi viện Long Thành (Đồng Nai), Dũng may mắn được các sư ở một ngôi chùa gần đó dạy chữ Hán. Năm 1993, Dũng thi vào Trường Đại học Mở bán công TP.Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp, anh lại học thêm Đại học Luật.

Đặng Đức Dũng đến với thú sưu tập tiền cổ bắt đầu từ một cơ duyên. Năm 1989, anh đang làm trực phòng ở Khách sạn Đệ Nhất, tình cờ, có một người Mỹ là nhà sưu tập tiền cổ nhờ anh tìm giúp một số đồng tiền cổ Việt Nam.

Chính những họa tiết và hoa văn lạ trên những đồng tiền đó đã khiến anh thích thú và bắt đầu nảy sinh ý định sưu tầm tiền cổ. Dũng bỏ ra 10 năm đọc sách, nghiên cứu và thu thập hiện vật. Lúc này, Dũng mới thấy vốn tiếng Hán mà các sư thầy truyền cho thật đắc dụng.

Mặc dù chơi tiền cổ chưa lâu, mới từ năm 1989, nhưng Dũng là một trong số ít người có bộ sưu tập khá công phu và đầy đủ về cả hai loại: tiền xu và tiền giấy.

Về tiền xu, Dũng đã có hơn 30 cuốn album với những đồng tiền xưa nhất như đồng Thái Bình Hưng Bảo (đời nhà Đinh), đồng Thiên Phúc Trấn Bảo (đời vua Lê Đại Hành). Dũng có cả những đồng tiền xu đúc cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam: đồng Bảo Đại Thông Bảo.

Độc đáo nhất trong bộ sưu tập tiền xu của Dũng là những đồng tiền của các chúa Nguyễn đúc vào thế kỷ XVI ở Đàng Trong và bộ tiền do Mạc Thiên Tứ đúc tại Hà Tiên năm 1736.

Về tiền giấy, Đặng Đức Dũng có tờ  tiền xưa nhất của Việt Nam do Pháp phát hành năm 1876. Anh cũng có bộ tiền đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành năm 1951.

Đặc biệt, Dũng còn có bộ tiền giấy (8 tờ giấy bạc với mệnh giá: 50 đồng, 10 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 50 xu, 20 xu, 10 xu) của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phát hành năm 1963, lưu hành trong vùng giải phóng.

Ngoài tiền Việt Nam, Đặng Đức Dũng còn sưu tập tiền của hơn 100 quốc gia, trong đó có 10 nước ASEAN. Đặc biệt, Dũng có bộ tiền cổ Trung Quốc rất quý (từ nhà Tần - Tần Thủy Hoàng đến nay). Dũng từng du lịch qua Trung Quốc để sưu tập tiền từ mộ Tần Thủy Hoàng khai quật và lang thang ở nhiều xó xỉnh ở Bắc Kinh để sưu tập tiền cổ. Anh đã trở thành tỷ phú… tiền cổ.

Đam mê sưu tập tiền, Đặng Đức Dũng còn sưu tập những hiện vật “độc đáo” liên quan đến tiền: tiền giả, tiền bị lỗi, trái phiếu, công trái, thước đo tiền (đời Thành Thái), bàn tính gỗ xưa, ống đựng tiền tiết kiệm (trước giải phóng), nén bạc 10 lượng (thời Tự Đức)…

  • Dự án học lịch sử qua tiền cổ

Đặng Đức Dũng chiêm nghiệm: “Lịch sử Việt Nam hiện lên rất rõ trên những đồng tiền cổ. Tìm hiểu tiền cổ chính là tìm hiểu lịch sử của Việt Nam”.

Đặng Đức Dũng lý giải: Từ Công nguyên, trải qua nhiều thế kỷ, dân tộc Việt bị nước ngoài xâm lược. Trong những khoảng thời gian bị đô hộ, người Việt thường phải dùng chung đồng tiền của triều đình nhà nước đô hộ. Người Việt chịu ảnh hưởng tiền tệ của các triều đại Trung Quốc cùng thời như: Ngũ Thù, Tuyền, Bối, Bố, Quy…

Xã hội thời bấy giờ lưu hành những đồng tiền bằng chì, thiếc, đồng hoặc vàng, bạc. Về sau, một số triều đại Trung Quốc phát hành những đồng tiền có niên hiệu cùng thời dùng để mua bán, lưu thông ở Việt Nam và một số quốc gia lân cận.

Trong đó, đồng tiền khá phổ biến là tiền Vương Mãng do triều Vương Mãng (từ năm 9 đến năm 24) của Trung Quốc đúc và lưu hành ở Âu Lạc, có 28 loại (vàng, bạc, tuyền, bối, bố, quy…). Tiền này có mặt ở Việt Nam rất sớm. Có thể xem đây là đồng tiền đầu tiên ở Trung Quốc và là đồng tiền đô hộ đầu tiên có ở nước Việt xưa.

Trong những khoảng thời gian giành được độc lập, tuy dài ngắn khác nhau nhưng các triều đại thời bấy giờ đều có phát hành tiền để lưu thông trong lãnh thổ. Đến khi giành được độc lập thống nhất đất nước, Việt Nam mới thống nhất được hệ thống tiền tệ.

Người Việt Nam bắt đầu có đồng tiền riêng của đất nước mình là từ thời nhà Lý (năm 542 – năm 555). Tuy nhiên, đến nay chúng ta chỉ mới xác định được đồng tiền từ thời nhà Đinh (968 – 980). Từ đó, các triều đại phong kiến Việt Nam hầu hết đều phát hành tiền.

Đó là đồng Thông Bảo. Đồng tiền có hình tròn, lỗ vuông ở giữa, xung quanh đúc nổi 4 chữ Hán nêu rõ niên đại và chữ Thông Bảo. Tiền tệ có giá trị lớn là những nén, thỏi bằng bạc hoặc bằng vàng (thời Cảnh Thịnh, Gia Long).

Ngoài ra, còn có các đồng tiền: Hưng Bảo của nhà Đinh; Trấn Bảo của nhà Lê; Trọng Bảo, Thuận Bảo, Tuyền Bảo, Chính Bảo, Nội Bảo, Cự Bảo, Trung Bảo, Thái Bảo, Đại Bảo, Vĩnh Bảo do vua Cảnh Hưng cho đúc; các đồng tiền Thánh Bảo, Nguyên Bảo, Bình Bảo do Mạc Thiên Tứ đúc vào năm 1736 tại Hà Tiên.

Trong lịch sử tiền cổ Việt Nam, chỉ một lần nhà nước phát hành tiền giấy dưới thời nhà Hồ (1400 – 1407). Tờ tiền giấy có hình vẽ: rong biển – 10 đồng; sóng biển – 30 đồng; đám mây – 1 tiền; con rùa – 2 tiền; con lân – 3 tiền; con phượng – 5 tiền; con rồng – 1 quan.

Trước lúc người Pháp vào Việt Nam, ở Việt Nam đã lưu hành những đồng tiền bằng đồng, bằng kẽm, bằng thiếc và có cả bằng sắt (đồng tiền sắt duy nhất là Đại Chính Thông Bảo thời nhà Mạc).

Đặng Đức Dũng tâm sự: “Đồng tiền đã gắn liền với lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ, các giai đoạn thăng trầm của dân tộc. Hay nói cách khác, qua lịch sử đồng tiền Việt Nam hiện rõ lên lịch sử dân tộc. Vì vậy, tôi đang triển khai dự án làm bộ sách : “Đồng tiền Việt Nam qua các thời đại lịch sử”. Bộ sách này dành cho thiếu nhi, gồm nhiều tập, mỗi tập là một triều đại (hoặc giai đoạn lịch sử), có nhiều hình ảnh, lời bình, trong đó xen kẽ việc giới thiệu đồng tiền của triều đại (hoặc giai đoạn lịch sử) đang diễn ra.

Tôi tin, với cách làm sinh động này, các em học sinh sẽ có hứng thú, say mê đọc và hiểu lịch sử dân tộc. Tôi đang tìm người để thực hiện phần tranh minh họa và nhuận sắc lời bình cho tranh vẽ…”.

Một dự án thật tâm huyết và mới mẻ. Mong sao, dự án của Đặng Đức Dũng sớm trở thành hiện thực.

NGUYỄN LINH GIANG

Tin cùng chuyên mục