Uber và câu chuyện “Không quản được thì cấm”

Câu chuyện về taxi Uber lẽ ra sẽ rất dài dòng và gay cấn nếu không có một phát ngôn của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: “Uber giá thấp hơn taxi thông thường, người dân được hưởng lợi, sao ta không hợp pháp hóa để quản lý nó, phải bỏ ngay tư tưởng “không quản được thì cấm”. Điều đáng nói là, phát ngôn này được đưa ra ngay sau khi một lãnh đạo của Bộ GTVT khẳng định với báo giới: Taxi Uber đang hoạt động trái phép tại Việt Nam, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý đối với taxi Uber, có biện pháp ngăn chặn việc vi phạm pháp luật (nếu có) của các tổ chức, cá nhân ứng dụng phần mềm Uber để kinh doanh.

Dù chưa thể khẳng định taxi Uber có được hoạt động ở Việt Nam hay không và bao giờ loại hình dịch vụ này sẽ được hợp pháp hóa nhưng rõ ràng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng về tư duy của không ít người quản lý, đó là “không quản được thì cấm”.

Lâu nay, “không quản được thì cấm” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người dân khi nói về các văn bản, quy phạm của các cơ quan quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực. Ở lĩnh vực giao thông, mới đây, dư luận đã ồn ào vì việc các cơ quan chức năng ra lệnh cấm người dân đội nón bảo hiểm giả trong khi thế nào là nón bảo hiểm giả và tại sao hàng giả lại tràn lan trên thị trường thì không có lời giải đáp thỏa đáng.

Với ngành y tế, nhiều người hẳn chưa quên việc ngành này dự định cấm “người nhẹ cân”, hay “ngực lép” được điều khiển xe máy trên 50 phân khối mà không cần biết họ đã từng điều khiển ra sao và nếu không được điều khiển tiếp thì cuộc sống bị ảnh hưởng thế nào. Ở lĩnh vực nông nghiệp, một thông tư của Bộ NN-PTNT cũng bị phản đối kịch liệt khi quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ.

Mới đây nhất, dư luận lại tá hỏa vì một quy định rất bất khả thi trong dự thảo Nghị định về sản xuất và kinh doanh rượu bia của Bộ Công thương, cấm bán bia cho phụ nữ có thai và cho con bú, cấm bán bia ở vỉa hè hoặc qua các điểm bán hàng, trong khi không biết đơn vị nào sẽ đứng ra quản lý việc bán hàng này, lấy quy định nào ra xử phạt. Tương tự, ở lĩnh vực văn hóa, Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL cũng được cho là mù mờ khi cấm dùng tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp nhưng lại không đưa ra quy định thế nào là danh nhân…
 
Tất nhiên, những quy định không xuất phát từ thực tiễn, không lấy an sinh xã hội làm gốc đều gặp phải phản ứng dữ dội của người dân và sau đó nhanh chóng “chết yểu”. Câu chuyện “không quản được thì cấm” và sau đó “không cấm được thì phạt” chỉ khiến cho hình ảnh của cơ quan quản lý, của những người làm luật trong con mắt người dân bỗng trở nên kỳ dị.
 
Trở lại câu chuyện taxi Uber, nếu cấm cũng khó cấm triệt để vì thực tế người dân vẫn muốn sử dụng loại dịch vụ vừa nhanh, vừa rẻ hơn nhiều so với loại taxi truyền thống này. Kết quả là, nhà nước vẫn không thu được đồng thuế nào, người dân thì phải lén lút để sử dụng dịch vụ, việc cấm cản khi đó chỉ tạo điều kiện cho những “con sâu làm rầu nồi canh” tranh thủ trục lợi. Chính vì vậy, tìm cách để taxi Uber hoạt động hợp pháp đã được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.

Bỏ tư duy “không quản được thì cấm” đã được nhắc đến nhiều lần, ở nhiều diễn đàn nhưng có lẽ nó không đơn giản đối với những bộ máy quản lý đã có “thâm niên” trì trệ. Thực tiễn cuộc sống luôn vận động về phía trước, tốc độ vận động ngày một nhanh, nếu các cơ quan quản lý không nhanh chóng thay đổi tư duy thì các cơ chế chính sách sẽ luôn bị tụt hậu, không những không đáp ứng được nhu cầu phát triển mà còn là những “hòn đá tảng” cản trở sự phát triển của xã hội. Bỏ tư duy “không quản được thì cấm” bắt đầu từ đâu nếu không phải là từ những cơ quan đầu não, từ những vị tư lệnh ngành như Bộ trưởng Đinh La Thăng? Rất mừng là chúng ta cũng đã thấy có một luồng gió mới trong việc bỏ tư duy “không quản được thì cấm” từ Quốc hội khi sửa đổi 2 luật rất quan trọng, đó là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Từ băn khoăn của người đứng đầu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Cấm thế này thì cấm hết à?”, các cơ quan soạn thảo đã rút gọn danh mục các ngành nghề bị cấm từ 51 ngành nghề xuống còn 6 ngành nghề, còn lại chuyển sang kinh doanh có điều kiện. Nghĩa là các doanh nghiệp sẽ được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. Và như vậy, lần sửa đổi này đã cởi bỏ những sợi dây trói, xóa bỏ những vòng kim cô mà doanh nghiệp càng vùng vẫy càng bị buộc chặt trong suốt hàng chục năm qua.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, trong nguyên tắc làm luật, điều gì có lợi ích nhất cho đại chúng thì phải áp dụng, không thể lấy vi phạm của một vài cá nhân, một vài tập thể nhỏ để mà bắt tất cả phải đi theo, phải bị quản lý chặt lại. Xã hội nào, dù chặt chẽ đến đâu cũng luôn có những hành động lợi dụng kẽ hở của pháp luật để kinh doanh trái phép, vi phạm luật pháp, chúng ta sẽ có biện pháp, chế tài để kiểm soát và xử lý số ít vi phạm nhưng vẫn phải tạo ra sự thông thoáng vì lợi ích chung cho toàn xã hội.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục