
Ngày 28-8-2009, trạm thu phí xa lộ Hà Nội nằm gần cầu Sài Gòn được dời đến gần cầu Rạch Chiếc. Tuy vẫn nằm trên xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 52 song điều này đã gặp phải sự phản đối của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cũng như sự quan tâm của dư luận. Về việc này, ông Trần Quang Phượng đã có buổi trao đổi với Báo Sài Gòn Giải Phóng với tư cách là Ủy viên UBND TPHCM.
- Thủ tướng, Bộ Tài chính, HĐND TP đã cho phép thu phí ở xa lộ Hà Nội
* Phóng viên: Thưa ông, ông nghĩ sao khi Hiệp hội Vận tải hàng hóa cho rằng việc thu phí giao thông để hoàn vốn trả nợ đầu tư cho dự án nâng cấp mở rộng đường Điện Biên Phủ mà trạm thu phí lại đặt trên xa lộ Hà Nội là vi phạm pháp luật?
* UBND TPHCM đã nhận được đơn kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM (sau đây gọi tắt là hiệp hội) về vấn đề này. Trong đơn hiệp hội có viện dẫn điều 2 Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH 10 ngày 28-8-2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phí và lệ phí để khẳng định rằng việc thu phí ở xa lộ Hà Nội đối với xe không đi trên đường Điện Biên Phủ là không đúng. Tuy nhiên, việc triển khai thu phí giao thông và đặt trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội đã được triển khai thực hiện trước đó với sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, HĐND TPHCM và căn cứ theo Thông tư 57/1998/TT-BTC, Thông tư 75/1998/TT-BTC sửa đổi Thông tư 57/1998 về chế độ thu phí cầu, đường của Nhà nước.
Năm 1996, khi các tuyến giao thông tại các cửa ngõ phía Đông của thành phố, trong đó có đường Điện Biên Phủ bị xuống cấp trầm trọng mà thành phố lại không có tiền để sửa chữa, thành phố đã xin phép Thủ tướng Chính phủ cho vay tiền từ Quỹ Đầu tư và phát triển đô thị và một số ngân hàng trong nước khác để xây mới các trục đường này.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, ban đầu TPHCM đề xuất phương án trả nợ bằng cách “tạo vốn từ quỹ đất”. Tuy nhiên, do chưa tạo được quỹ đất nên tháng 8-1998 TPHCM đã có một văn bản khác xin phép Thủ tướng Chính phủ cho “khoán thu phí giao thông để thu hồi vốn đầu tư” và đề xuất cụ thể thêm: “Sau thời gian thu hồi xong vốn đầu tư xây dựng tuyến đường Điện Biên Phủ, thành phố sẽ tiếp tục thu phí để trả nợ vốn vay của Pháp trong quá trình nâng cấp, mở rộng cầu Sài Gòn và thu hồi vốn đầu tư xây dựng đường song hành xa lộ Hà Nội đang được triển khai thi công bằng vốn vay trong nước”.
Tháng 9-1998 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1107/CP-CN chấp thuận nguyên tắc khoán thu phí giao thông để thu hồi vốn của thành phố. Tại văn bản này Thủ tướng Chính phủ cũng giao UBND TPHCM quyết định, chịu trách nhiệm về việc giao khoán sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính. Trên tinh thần này, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và tháng 11-1998 Bộ Tài chính đã có văn bản số 4459/TC-CSTC “đồng ý với phương án tổ chức thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội - quốc lộ 52 của UBND TPHCM để hoàn vốn đầu tư đường Điện Biên Phủ”.
Cùng với việc xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM cũng có văn bản đề nghị HĐND TPHCM chấp thuận việc thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội. Trả lời đề nghị này, tháng 7-2001, HĐND TPHCM ra Nghị quyết số 13/2001, trong đó tại mục 5 đã quyết nghị: “Chấp thuận thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội để hoàn vốn, đồng thời có tích lũy để tiếp tục xây dựng các công trình phúc lợi khác”.
Trên cơ sở các văn bản chấp thuận nêu trên, tháng 8-2001 Chủ tịch UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 4960/QĐ-UBND về việc thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội. Theo quyết định này, mục đích thu phí là: “tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường Điện Biên Phủ, công trình trạm thu phí xa lộ Hà Nội”.
Tháng 8-2002, UBND TPHCM đã quyết định chuyển giao quyền thu phí giao thông đường Điện Biên Phủ (trên xa lộ Hà Nội) và đường Hùng Vương nối dài (trên đường Kinh Dương Vương) từ Công ty Thanh niên xung phong cho Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) trong thời gian 9 năm. UBND TPHCM cũng ủy quyền cho Sở Tài chính - Vật giá là đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ký kết “Hợp đồng chuyển nhượng quyền quản lý, thu phí giao thông đường Điện Biên Phủ và đường Hùng Vương trị giá 1.000 tỷ đồng” với CII. Trong quá trình thu phí CII phải chịu sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền trong đó chủ lực là Cục Thuế và Sở Tài chính - Vật giá.
Như vậy, căn cứ theo những văn bản có giá trị pháp lý trong thời gian thành phố triển khai việc thu phí giao thông ở xa lộ Hà Nội thì có thể khẳng định rằng, việc thu phí nêu trên là có cơ sở pháp lý.

Trạm thu phí xa lộ Hà Nội. Ảnh: ĐỨC TRÍ
* Vị trí trạm thu phí cũ (gần cầu Sài Gòn) cũng đã có thể thu phí giao thông cho các phương tiện đi trên đường Điện Biên Phủ, cầu Sài Gòn, đường song hành xa lộ Hà Nội và thu tích lũy thêm để xây dựng các công trình phúc lợi khác. Thưa ông, tại sao TPHCM lại cho phép CII (đơn vị đang trực tiếp thu phí giao thông ở xa lộ Hà Nội) di dời trạm thu phí đến gần cầu Rạch Chiếc? Đang có rất nhiều ý kiến nhận xét là ở vị trí mới, CII có nhiều lợi thế hơn vị trí cũ bởi ở nơi mới, CII có thể thu thêm phí giao thông của hàng ngàn xe tải, xe container đi trên Liên tỉnh lộ 25B?
* Trước tiên phải khẳng định: Quyết định này của UBND TPHCM hoàn toàn không đi ngược lại sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và HĐND TP vì vị trí trạm thu phí mới vẫn nằm trên xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 52.
UBND TPHCM cho phép CII di dời trạm thu phí bởi đây là điều kiện tiên quyết để thành phố triển khai thực hiện dự án cải tạo, mở rộng xa lộ Hà Nội và xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Theo quy hoạch, xa lộ Hà Nội sẽ được mở rộng lên 153,5m (đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Bình Thái), trong đó lòng đường chính rộng 48m, phần đường còn lại dành cho tuyến metro, cây xanh và 2 đường song hành. Trong khi đó, trạm thu phí cũ chỉ rộng 90,8m. Vì thế, UBND TPHCM đã đồng ý cho CII xây lại trạm mới, ở vị trí mới với chiều rộng phù hợp với quy hoạch của xa lộ Hà Nội. Quyết định này đã được ban hành từ năm 2007.
Việc di dời trạm thu phí ra vị trí mới hoàn toàn không xuất phát từ quyền lợi của CII vì hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí giao thông giữa UBND TPHCM với CII có trị giá không đổi là 1.000 tỷ đồng. Trong hợp đồng có ghi rõ: “Nếu doanh thu, thu phí thay đổi so với phương án tài chính thì thời gian thu phí sẽ được xác định lại. Nếu doanh thu, thu phí cao hơn thực tế thì thời gian thu phí hoàn vốn sẽ ngắn lại và ngược lại”. Như vậy, có di dời hay không di dời trạm thu phí thì CII vẫn chỉ được thu 1.000 tỷ đồng. Cũng phải nói thêm rằng, 1.000 tỷ đồng đã được CII thanh toán đầy đủ cho thành phố từ năm 2001.
- TPHCM luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động
* Một số doanh nghiệp cho rằng xe chạy trên xa lộ Hà Nội, qua cầu Sài Gòn, rẽ vào đường Nguyễn Hữu Cảnh và ngược lại thì không sử dụng đường Điện Biên Phủ, tại sao phải nộp phí giao thông?
* Đường Điện Biên Phủ được đặt tên và phân cấp quản lý từ mố cầu Sài Gòn (phía quận Bình Thạnh) đến vòng xoay Ngã Bảy (quận 3 – quận 10). Khi các phương tiện lưu thông trên xa lộ Hà Nội, vào cầu Sài Gòn, muốn rẽ vào đường Nguyễn Hữu Cảnh hoặc lưu thông từ đường Nguyễn Hữu Cảnh lên cầu Sài Gòn để vào xa lộ Hà Nội đều phải sử dụng một đoạn đường Điện Biên Phủ (được giới hạn từ mố cầu Sài Gòn đến điểm rẽ vào đường chui dưới dạ cầu Sài Gòn và đường chui dưới cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh) nên thuộc đối tượng phải nộp phí giao thông.
* Theo ông, việc di dời trạm thu phí giao thông đến địa điểm mới trên xa lộ Hà Nội có gây khó khăn cho hoạt động vận tải không?
* UBND TPHCM đã giao cho CII triển khai thực hiện ngay phương án tổ chức không thu phí đối với các phương tiện giao thông không thuộc đối tượng nộp phí khi lưu thông qua trạm bằng hình thức phát phiếu ghi nhận hướng lưu thông của xe sau khi qua trạm và hoàn trả lại phí đã nộp. UBND TPHCM cũng giao cho Sở GTVT thường xuyên kiểm tra hoạt động thu phí tại trạm của CII.
Việc thu phí giao thông để hoàn vốn cho các dự án nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng mới các trục đường giao thông trước đây và trong thời gian tới là giải pháp khả thi nhất trong điều kiện TPHCM rất thiếu vốn cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Thời gian qua, nếu không linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp tìm vốn thì có thể thành phố đã không có được một số trục đường mới như đại lộ Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ… Các trục đường mới này không chỉ giúp cho thành phố phát triển mà đã giúp cho người dân đi lại dễ dàng hơn, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải, hoạt động tốt hơn.
Hiện nay, mức thu phí giao thông ở TPHCM mà cụ thể ở trạm thu phí xa lộ Hà Nội có thể nói là thấp nhất nước. Đối với xe container, xe tải trên 10 tấn, trạm thu phí xa lộ Hà Nội chỉ thu 30.000 đồng/xe/lần, trong khi nhiều trạm thu phí ở các địa phương khác thu 80.000 đồng/xe/lần (Thông tư 90 của Bộ Tài chính cho phép thu đến 80.000 đồng/xe/lần và trong trường hợp cần thiết có thể thu gấp đôi mức này). Mức thu của các loại xe khác cũng thấp hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/xe/lần so với các trạm khác. Việc thu phí ở TPHCM luôn được HĐND, UBND TPHCM cân nhắc rất kỹ trên cơ sở hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
* Cảm ơn ông.
NGUYỄN KHOA
* Thông tin liên quan:
>> Trạm thu phí xa lộ Hà Nội- Đề xuất dời về đường Điện Biên Phủ
>> Tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội - Nhiều tài xế không chịu mua phí