Theo Bộ Xây dựng, từ khi tham gia ASCN, Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án Phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đề án đã xác định 3 nhóm ưu tiên, gồm: quy hoạch đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh và tiện ích đô thị thông minh. Trên nền tảng cơ sở dữ liệu liên thông, hiện nhiều đô thị ở Việt Nam, trong đó có TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TPHCM đã có những thành công bước đầu trong việc cung cấp các tiện ích thông minh trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, môi trường... Các đô thị này đã từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển, nâng cao chất lượng sống cư dân và tạo ra cơ hội phát triển con người, không bỏ lại ai phía sau.
Năm 2020, các quốc gia trên thế giới cũng như ASEAN đang phải tập trung mọi nguồn lực để ứng phó với dịch Covid-19. Chia sẻ kinh nghiệm trong nỗ lực ứng phó với dịch, đại diện TPHCM cho biết, những ứng dụng đô thị thông minh đã phát huy rất hiệu quả trong phòng chống Covid-19. Cụ thể, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch dựa trên cơ sở trung tâm điều hành chỉ huy tích hợp thành phố đặt tại UBND TPHCM, đã hoạt động 24/7 kể từ 1-4. Trong đó, hệ thống camera đặt tại trung tâm đang kết nối với gần 1.200 camera, bao gồm cả 112 camera của các bệnh viện và khu cách ly trên địa bàn. Bên cạnh đó, hệ thống tổng đài điện thoại có thể tiếp nhận thông tin phản ánh về công tác phòng chống dịch từ mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Trung tâm chỉ huy cũng có thể phối hợp với các doanh nghiệp thông tin di động giám sát mật độ thuê bao tại các khu vực công cộng và xây dựng phương án giám sát các thuê bao của bệnh nhân.
Cũng trong nỗ lực bảo vệ an toàn cho cư dân, TPHCM đã tiên phong triển khai hệ thống quản lý người cách ly và bệnh nhân Covid-19 cho các khu cách ly và cơ sở điều trị trên địa bàn; triển khai sớm ứng dụng khai báo y tế toàn dân, ứng dụng quản lý chuỗi lây nhiễm Covid-19, xây dựng công cụ kỹ thuật giám sát vị trí cá nhân thuộc đối tượng cần giám sát. Trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh, TPHCM đã tích hợp hỏi đáp tự động của Bộ Y tế trên cổng thông tin điện tử thành phố để hỗ trợ người dân hỏi đáp về dịch; yêu cầu các doanh nghiệp thông tin di động tổ chức nhắn tin tuyên truyền phòng chống dịch với 55,7 triệu lượt thuê bao nhận được tin nhắn... Hiệu quả trong quản lý đô thị giúp công tác phòng chống dịch của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung đã được các quốc gia thành viên đánh giá rất cao.
Về vấn đề khôi phục sự phát triển cho các đô thị trong và sau dịch, ông Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN, cho rằng, trước hết cần có sự hợp lực với nỗ lực trong xây dựng đô thị thông minh của ASEAN, đặc biệt là những nỗ lực trong kết nối kỹ thuật số, chiến lược đô thị hóa của ASEAN, cũng như diễn đàn thị trường ASEAN.“Vấn đề quan trọng là phải xây dựng lại quan hệ đối tác của đô thị thông minh trong và ngoài khu vực để đạt được những tác động hữu hình. Chúng ta cần có sự hiểu biết tốt hơn giữa khu vực công và khu vực tư nhân, giúp tăng cường tiềm năng và nguồn vốn của khu vực, cũng như thực hiện những cơ hội về đô thị thông minh sau đại dịch”, ông Lim Jock Hoi nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, nếu đại dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, và trong điều kiện cho phép, Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn cao cấp ASCN vào cuối năm 2020 để trao đổi sâu sắc và toàn diện hơn về các kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong phát triển đô thị thông minh giữa các quốc gia, đô thị thành viên và thúc đẩy quan hệ đối tác ngoài khối.