Những năm gần đây xuất hiện rất nhiều giải pháp công nghệ phục vụ cho giảng dạy và tương tác. Xu hướng ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đòi hỏi sản phẩm của đào tạo - người lao động, phải biết ứng dụng công nghệ không chỉ trong sản xuất mà còn trong giao tiếp, giao dịch, thanh toán và thực hiện các thủ tục hành chính. Đối với doanh nghiệp, họ cần lao động với những kỹ năng cơ bản bao gồm: ứng dụng được công nghệ cho công tác chuyên môn; am hiểu về toán thống kê để phân tích dữ liệu; có trình độ ngoại ngữ làm việc được với đối tác quốc tế; có kỹ năng quan hệ con người, làm việc nhóm, lãnh đạo nhóm..., và đặc biệt là khả năng thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh. Đối với lao động quản lý, rất cần năng lực quan hệ xã hội để có được sự hỗ trợ từ mạng lưới quan hệ để giải quyết công việc, tiếp cận tri thức mới.
Kỹ năng lao động thay đổi khá nhanh, đòi hỏi người lao động phải liên tục cập nhật để kịp thời thích ứng. Do vậy, trọng trách và tầm vóc của người thầy càng trở nên nặng nề hơn, cao hơn. Người thầy chẳng những liên tục cập nhật kiến thức mới mà còn phải biết cách vận dụng công nghệ để phục vụ cho công tác giảng dạy và tương tác hiệu quả với sinh viên.
Thực tế là kiến thức khi theo học ở trường lớp thường rất nhiều, nhưng ít được lưu lại nhất trong tâm trí con người. Kiến thức sâu sắc nhất lại thật sự đến trong thời gian hoạt động thực tiễn nhờ vào trải nghiệm, quan sát, va vấp… rồi khái quát thành kinh nghiệm riêng, quy luật riêng cho bản thân của mỗi con người.
Hiện nay, tình trạng cử nhân thất nghiệp rất nhiều, doanh nghiệp luôn phải đào tạo lại người lao động khi tuyển dụng. Nếu các cơ sở đào tạo ngay từ đầu áp dụng phương pháp giảng dạy theo định hướng ứng dụng thực hành, thì giờ đây chúng ta không phải bàn đến đổi mới phương pháp giảng dạy, cũng không phải nhức đầu với tình trạng cử nhân thất nghiệp. Sinh viên ra trường không bắt nhịp ngay với yêu cầu của thị trường, bởi lâu nay, rất nhiều trường chỉ giảng dạy theo hướng truyền đạt kiến thức và yêu cầu sinh viên đọc tài liệu, rồi cho kiểm tra để đánh giá thành tích học tập; hệ quả là, người học chỉ dừng lại ở việc tiếp thu để có được sự nhận thức, chưa thể làm chủ được kiến thức, và năng lực vận dụng sáng tạo, linh hoạt để giải quyết các vấn đề thực tiễn về sau đó cũng bị hạn chế.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội chuyển động liên tục, yêu cầu của doanh nghiệp về nhân sự ngày một cao, là thời điểm đòi hỏi chúng ta phải dứt khoát “khai tử” lối đào tạo truyền đạt, nhồi nhét kiến thức. Thay vào đó, giảng dạy theo định hướng ứng dụng giúp sinh viên khai mở những tiềm năng và tự nghiệm những nguyên lý, quy luật, cách làm từ trải nghiệm thực tiễn. Người dạy, trong trường hợp này, phải biết cách tạo tình huống, bối cảnh - tức là tung sinh viên vào thực tế và trang bị cô đọng kiến thức nền cũng như thái độ phù hợp với công việc cho sinh viên trước khi tiếp cận tình huống. Người học là trung tâm, tự trải nghiệm, tự xử lý, tự đúc rút điều hay, tự chỉ ra các ưu nhược khi tương tác với các đối tượng trong hơi thở thực tiễn; giảng viên, trên cơ sở đó, hỗ trợ, định hướng, tiếp sức cho sinh viên về kiến thức lẫn phương pháp xử lý. Với cách dạy và học này sẽ giúp phát triển năng lực đồng thời của thầy lẫn trò, và tất nhiên, đòi hỏi trình độ lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn lẫn tư duy của giảng viên là rất cao. Có được như thế thì sản phẩm cuối cùng - người lao động - sẽ biết cách lĩnh hội tốt hơn các kiến thức, kỹ năng từ đó làm chủ và vận dụng linh hoạt trong thực tiễn, hòa nhập tốt với môi trường làm việc cũng như phát huy năng lực nghiên cứu.