Ủng hộ nâng mức giảm trừ gia cảnh

Ủng hộ nâng mức giảm trừ gia cảnh

(SGGPO).- Sáng nay, 15-11, Quốc hội đã tiến hành thông qua các dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách năm 2013 và chương trình hoạt động giám sát năm 2013. Cũng trong buổi sáng Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Giảm chi thường xuyên để tăng lương

Với 90,96% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách năm 2013. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là 519.836 tỷ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 296.164 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 681.836 tỷ đồng, bao gồm cả 193.595 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

Nghị quyết cũng yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan ở trung ương và địa phương sử dụng khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên (sau khi trừ tiền lương, các khoản có tính chất lương) để tăng nguồn cải cách tiền lương năm 2013.

Trong phần kinh phí hỗ trợ cho một số tập đoàn, tổng công ty thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được hỗ trợ 1.600 tỷ đồng để đầu tư phát triển các dự án dầu khí theo quy định của pháp luật; Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 238 tỷ đồng để nhằm đưa điện về thôn, bản, đồng bào dân tộc nghèo; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam: 25,2 tỷ đồng để nhằm thực hiện dịch vụ viễn thông công ích;  Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: 1.824,5 tỷ đồng và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: 17 tỷ đồng nhằm thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao, đặt hàng.

Để khắc phục tình trạng đầu tư kém hiệu quả, Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ kiểm soát chặt chẽ các khoản dự toán chi đầu tư phát triển giao cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tổ chức thực hiện, bảo đảm hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ và không có bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp, nhất là của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm khả năng trả nợ, sử dụng vốn hiệu quả, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Xung quanh vấn đề nợ của doanh nghiệp, Nghị quyết cũng đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá về quy mô, hiệu quả các khoản vay của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh; nợ của doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả, bảo đảm tránh hệ lụy trong trường hợp các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng không có khả năng trả nợ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ thường xuyên báo cáo Quốc hội về vấn đề nợ công  theo đúng quy định của Luật Quản lý nợ công.

Với 90,36% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2013.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; giám sát chuyên đề việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật;... Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012.

Nâng mức giảm trừ gia cảnh

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, đa số đại biểu đồng thuận với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng và người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/người/tháng lên 3,6 triệu đồng/người/tháng.

Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), từ khi triển khai luật thuế thu nhập cá nhân đến nay (ban hành năm 2007, đến năm 2009 mới thi hành), nền kinh tế của chúng ta biến đổi rất nhanh. Với mức lạm phát dự kiến năm 2012 vào khoảng 8%, trong 4 năm qua, lạm phát của chúng ta đã lên tới 44,38%, nghĩa là từ khi áp dụng luật này đến nay, thu nhập của người dân, nhất là những người làm công ăn lương đã giảm đi một nửa. “Đây là một vấn đề rất bức xúc, bức bách, nên phải điều chỉnh”, ông Kiêm nói. Cũng theo ông Kiêm, mức giảm trừ theo tờ trình của Chính phủ là tương đối hợp lý.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình). Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình). Ảnh: Minh Điền

Hai đại biểu Trần Thanh Hải và Trần Du Lịch của TPHCM cũng đồng tình với việc sửa đổi lần này. Đại biểu Trần Thanh Hải, đề nghị phải xem xét miễn, giảm thuế cho một số khoản thu nhập, nhất là những khoản liên quan đến chăm sóc sức khỏe như phụ cấp cho người lao động phải làm việc trong môi trường độc hại, trường hợp phải nuôi dưỡng người bị bệnh hiểm nghèo. Hai đại biểu trên cũng đề nghị áp dụng luật sửa đổi từ 1-1-2013 để sớm mang lại lợi ích cho nhiều người dân.

Đại biểu Chu Đức Quang (Lạng Sơn) cũng đồng tình với việc thực hiện sớm từ 1-1-2013 vì luật hiện hành và các hướng dẫn đã có mã số thuế nên cần sửa luật và có hiệu lực ngay. Nhất là trong bối cảnh kinh tế biến động lớn nếu kéo dài thời gian áp dụng sẽ giảm tính khả thi và hiệu lực của luật.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu Quốc hội nên cho áp dụng luật vào 1-7-2013 vì nếu áp dụng từ 1-1-2013 sẽ làm ngân sách mất thêm khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Ngọc Quang

Tin cùng chuyên mục