Ứng phó biến đổi khí hậu, đẩy mạnh bảo vệ tài nguyên, môi trường

Ngày 17-1, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức Hội nghị nhằm tập hợp ý kiến các bộ, ngành trung ương và các địa phương phía Bắc đóng góp cho dự thảo Đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu: đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường”. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tham dự Hội nghị.

(SGGPO).- Ngày 17-1, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức Hội nghị nhằm tập hợp ý kiến các bộ, ngành trung ương và các địa phương phía Bắc đóng góp cho dự thảo Đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu: đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường”. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tham dự Hội nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, biến đổi khí hậu cùng với suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường là những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21, đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội, quá trình phát triển, đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh môi trường, năng lượng, nguồn nước, lương thực trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường vẫn còn những tồn tại, yếu kém, nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu gia tăng, trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

Thêm vào đó, mô hình tăng trưởng kinh tế còn thiếu bền vững, ý thức của người dân chưa cao, thói quen tiêu dùng lãng phí, thiếu thân thiện với môi trường đang đặt ra những vấn đề lớn. Ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát, có nơi nghiêm trọng; đa dạng sinh học tiếp tục bị suy giảm; khai thác, sử dụng tài nguyên kém hiệu quả. Chất lượng môi trường sống chậm được cải thiện. Nguy cơ mất cân bằng sinh thái, không đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước có thể xảy ra.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biển đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Băng-la-đét). Biến đổi khí hậu hiện hữu ở nước ta, có nguy cơ tác động ngày càng lớn hơn.

Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 10.711 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung cho ý kiến vào những ưu tiên trong lĩnh vực đối phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường; nhận xét về tính khả thi của các mục tiêu đề ra trong Đề án và giải pháp, lộ trình thực hiện.

Vẫn theo ông Trần Hồng Hà, một hội nghị tương tự sẽ sớm được tổ chức tại TPHCM.

Một số mục tiêu dự kiến đến năm 2020:

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực 8 - 10% so với năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP từ 1 - 1,5% mỗi năm, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10 - 20% so với phương án phát triển thông thường; năng lượng mới và tái tạo chiếm từ 5 - 7% trong cơ cấu năng lượng chung; đưa giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng được thị trường tín chỉ các-bon trong nước và tích cực tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon quốc tế.

b) Bảo vệ tài nguyên

- Về bảo vệ tài nguyên đất: bảo đảm diện tích đất nông nghiệp đạt 26,7 triệu ha; bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, trong đó có 3,2 triệu ha đất chuyên trồng lúa nước; khai hoang, phục hóa hơn 1,6 triệu ha đất chưa sử dụng; cải tạo một bước các vùng đất bị ô nhiễm; không để mở rộng thêm diện tích đất bị thoái hóa, bạc màu, hoang mạc hóa.

- Về bảo vệ tài nguyên khoáng sản: hoàn thành công tác đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 phần đất liền và các hải đảo, diện tích biển ven bờ sâu đến 30 m nước; hoàn thành điều tra địa chất khoáng sản biển tỷ lệ 1:500.000; đánh giá được tiềm năng tài nguyên từng loại, nhóm khoáng sản quan trọng đến độ sâu 500m và một số vùng đến 1.000m; khoanh định được một số khu vực dự trữ khoáng sản chiến lược quan trọng có tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao hiệu quả trong khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.

- Về bảo vệ tài nguyên nước: bản đồ tài nguyên nước được lập tỷ lệ 1:100.000 cho toàn lãnh thổ, tỷ lệ 1:50.000 cho 70% diện tích đất liền, tỷ lệ 1:25.000 cho các vùng trọng điểm; 70% lưu vực sông lớn, quan trọng được quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến; tất cả các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông được vận hành theo cơ chế phối hợp liên hồ; dòng chảy tối thiểu của 70% các hồ chứa nước khác được duy trì; giảm tỷ lệ thất thoát, lãng phí nước khoảng 5 - 7%; giải quyết về cơ bản tình trạng thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái phép; hoàn thành việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước cho 30% dòng sông, hồ chứa.

(Trích dự thảo Đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu: đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường”)

ANH PHƯƠNG   

Tin cùng chuyên mục