Ứng phó những "cơn gió ngược"

“Năm 2022, Việt Nam đã có kết quả kinh tế vĩ mô tốt. Đây là kết quả đáng chú ý, đặc biệt khi xét đến tình trạng suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia khác. Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn rất nhiều với dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam”, ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chia sẻ với phóng viên Báo SGGP.
Ứng phó những "cơn gió ngược"

PHÓNG VIÊN: Tình hình kinh tế thế giới sẽ có những tác động gì với Việt Nam, thưa ông?

Ông ANDREA COPPOLA: Có 3 lực cản mạnh đã, đang, sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu năm 2022, 2023. Thứ nhất, áp lực lạm phát dai dẳng, điều kiện tài chính xấu đi và suy thoái ở những nền kinh tế lớn dự kiến sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh. Cùng với những cú sốc kinh tế bổ sung (như các nước thắt chặt tiền tệ mạnh hơn) có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” mạnh năm 2023 ở cả bên ngoài và bên trong.

Thứ hai, những rủi ro nêu trên sẽ tác động mạnh đến các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Thứ ba, ở trong nước, lạm phát cao hơn và sự không chắc chắn liên quan đến rủi ro lĩnh vực tài chính có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.

Trước những thách thức đó, ông có khuyến nghị gì?

Các cơ quan chức năng có thể xem xét hạn chế chi tiêu công, ưu tiên chi cho phát triển nguồn nhân lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công có tác động cao nhất đến tăng trưởng. Quản lý đầu tư công hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát.

Để giải quyết những thách thức về thanh khoản, khi một số ngân hàng trở nên dễ bị tổn thương hơn và cần hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước có thể giúp khôi phục niềm tin thông qua cung cấp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp với điều kiện là các ngân hàng phải có kế hoạch khôi phục khả năng thanh khoản, không phụ thuộc thường xuyên vào nguồn vốn vay của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó cần tiếp tục nâng cao sự ổn định tài chính, tăng cường giám sát, theo dõi và đánh giá rủi ro hệ thống trên các thị trường ngân hàng, vốn, bất động sản.

Như ông nói, đầu tư công là động lực quan trọng nhưng giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA trong thời gian qua còn thấp. Ông có đề xuất gì để cải thiện?

Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với các dự án sử dụng vốn ODA mà việc thu hồi đất và tái định cư được thực hiện bằng nguồn vốn đối ứng thường bị dự toán thấp trong quá trình chuẩn bị, dẫn đến không đủ vốn khi thực hiện. Một vấn đề khác làm chậm tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công là khâu chuẩn bị dự án còn yếu kém.

Để tăng cường hiệu quả quản lý đầu tư công, các cơ quan chức năng có thể nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án bằng cách ước tính chính xác hơn về chi phí và lợi ích, trong đó có vấn đề liên quan đến đất đai. Nếu dự án được đánh giá là không khả thi, có thể xem xét đơn giản hóa thủ tục để điều chỉnh kịp thời.

Việt Nam muốn trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Theo ông, vai trò của thể chế đối với khát vọng này là gì?

GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần trong 3 thập niên qua, trong khi thể chế không thích ứng kịp với tốc độ tương tự. Theo báo cáo gần đây của Nhóm WB với tiêu đề “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân”, có 5 khuyến nghị cải cách thể chế với Việt Nam. Thứ nhất, tạo nền tảng thể chế vững chắc cho từng ưu tiên phát triển để biến thành hành động cụ thể. Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao hiệu lực của chính quyền các cấp. Thứ ba, sử dụng các công cụ dựa trên thị trường để tạo động lực cho các bên liên quan thuộc khu vực công và tư. Thứ tư, thực thi hiệu quả các quy tắc, quy định để tăng cường động lực, niềm tin và sự công bằng. Thứ năm, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn.

Khi áp dụng những cải cách thể chế này có hệ thống hơn, Việt Nam sẽ củng cố tầm nhìn phát triển kinh tế, tăng cường năng lực thực hiện các chiến lược quốc gia và tạo ra kết quả trong một số lĩnh vực then chốt giúp đất nước đạt được các mục tiêu phát triển như tăng trưởng xanh, chuyển đổi kỹ thuật số…

Tin cùng chuyên mục