Ngày 23-10, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế về giải pháp ứng phó của TPHCM trước các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán 12 FTA song phương và đa phương. Trong số đó, có 8 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi.
Cụ thể, Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA, ký kết năm 1996) và 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác (còn gọi là ASEAN+), gồm FTA giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA 2004), FTA giữa ASEAN và Hàn Quốc (AKFTA 2006), FTA giữa ASEAN và Nhật Bản (AJFTA 2008), FTA giữa ASEAN và Ấn Độ (AIFTA 2010) và FTA giữa ASEAN và Australia - New Zealand (AANZFTA 2010); 2 FTA song phương gồm Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA 2009) và Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Chile (VCFTA 2012). Các hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực là FTA Việt Nam - Hàn Quốc (ký kết ngày 5-5-2015) và FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (ký ngày 29-5-2015). Các FTA thế hệ mới đã kết thúc đàm phán gồm FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA, công bố ngày 4-8-2015) và Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP, ngày 5-10-2015).
Hầu hết các FTA thế hệ đầu chỉ tập trung chủ yếu vào mục tiêu xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa và loại bỏ các hàng rào phi thuế quan. Trong đó, các lĩnh vực khác (dịch vụ và đầu tư) cơ bản không vượt qua mức cam kết trong WTO, trừ một số lĩnh vực như giáo dục (trong FTA AANZFTA), dịch vụ máy tính (AJFTA) và đầu tư (VJEPA). Mức độ cắt giảm cho khoảng 90% dòng thuế, chiếm khoảng 90% kim ngạch nhập khẩu, trong đó mức xóa bỏ cao nhất là trong AFTA với 99% dòng thuế, thấp nhất là AIFTA với 80%. Lộ trình cắt giảm thuế tại hầu hết các FTA trung bình khoảng 10 năm, trong đó một số mặt hàng có lộ trình cắt giảm nhanh từ 3 - 5 năm, nhưng cũng có mặt hàng kéo dài từ 15 - 20 năm.
Các FTA, đặc biệt là 2 FTA thế hệ mới là FTA Việt Nam - EU và TPP sẽ có tác động sâu rộng đến kinh tế thương mại và các vấn đề thể chế của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Nó không dừng lại ở việc cắt giảm xóa bỏ hoặc ưu đãi về thuế quan như các FTA thế hệ cũ. Các nghiên cứu đều cho rằng, khi gia nhập TPP, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Theo tính toán, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025, xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD năm 2025…
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cũng nhìn nhận, gia nhập và thực thi các FTA giúp gia tăng GDP, nâng cao vị thế của Việt Nam, song chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Kinh tế Việt Nam còn rất non trẻ, đội ngũ doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn yếu so với 11 quốc gia mà Việt Nam sẽ tham gia trong TPP. Một số DN có tâm lý lo ngại thua ngay trên sân nhà là có thực, điển hình như ngành dệt may, việc đi mua nguyên phụ liệu của các nước sẽ rẻ hơn nhiều so với đầu tư trong nước. Đó là chưa kể, nếu đi vay vốn thì DN sẽ còn thua xa, vì lãi suất của các nước quá thấp. Do vậy, vấn đề quan trọng và mang tính quyết định trong hội nhập vẫn là cơ chế, chính sách. “Hội nhập đồng nghĩa mở cửa thị trường, hàng hóa của các nước vào Việt Nam ngày càng nhiều, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa hình thành các rào cản thương mại để hỗ trợ cho DN trong nước. Sau 8 năm gia nhập WTO nhưng vẫn chưa có những cuộc họp sơ kết, tổng kết đánh giá những gì làm được và chưa làm. Nhiều cơ chế, chính sách TPHCM kêu gọi phía Trung ương hỗ trợ nhưng đến nay vẫn không có phản hồi” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng bức xúc.
Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, hội nhập kinh tế là tiến trình tất yếu, các FTA mới hình thành sẽ cao hơn so với FTA đã và đang có hiệu lực, nên đòi hỏi đội ngũ triển khai ngày càng chuyên nghiệp. TPHCM tiếp tục kiện toàn bộ máy Ban chỉ đạo, sẽ chuyển đổi Trung tâm WTO thành Trung tâm hội nhập quốc tế để hoạt động bao quát hơn. Với vai trò là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TPHCM sẽ tích cực triển khai các cơ chế để sẵn sàng ứng phó với hội nhập, trên cơ sở vừa học vừa làm và vừa sửa chứ không thụ động ngồi chờ. TP cũng giao cho trung tâm này phối hợp với các sở, ngành và các chuyên gia tổ chức nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá hiệu quả, tác động của từng FTA trong từng ngành hàng cụ thể để tính toán chúng ta xuất khẩu mặt hàng nào, nhập sản phẩm gì có lợi nhất cho nền kinh tế. Đồng chí Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: “Kiến thức và sáng tạo là chìa khóa để thành công, do vậy phải làm cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, các DN và người dân có sự hiểu biết sâu sắc về hội nhập và các FTA. Trên cơ sở đó, sản phẩm làm ra phải mang hàm lượng chất xám cao, chất lượng tốt mới mang lại sự trường tồn cho một quốc gia. Do vậy, trong từng sở, ngành, từng lĩnh vực DN phải nghiên cứu kỹ các chương trình ứng phó hội nhập. Nếu tạo được sự đồng thuận từ nhận thức đến tiếp cận cụ thể, chúng ta sẽ thành công trong hội nhập”.
THÚY HẢi