Ứng phó với biến đổi khí hậu: Doanh nghiệp không thể đứng ngoài lề

Biến đổi khí hậu xuất phát từ nguyên nhân của sự nóng lên toàn cầu. Hiện tượng này đã và đang gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đến môi trường sống của cộng đồng dân cư thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều chuyên gia môi trường đã chỉ rõ, để giảm thiểu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra nhất thiết phải giảm lượng CO2 trong không khí từ mức hiện nay 390 ppm xuống dưới 350 ppm - mức giới hạn an toàn cho sức khỏe con người.
Ứng phó với biến đổi khí hậu: Doanh nghiệp không thể đứng ngoài lề

Biến đổi khí hậu xuất phát từ nguyên nhân của sự nóng lên toàn cầu. Hiện tượng này đã và đang gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đến môi trường sống của cộng đồng dân cư thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều chuyên gia môi trường đã chỉ rõ, để giảm thiểu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra nhất thiết phải giảm lượng CO2 trong không khí từ mức hiện nay 390 ppm xuống dưới 350 ppm - mức giới hạn an toàn cho sức khỏe con người.

Sản xuất trên các dây chuyền sản xuất hiện đại hầu như không gây ra hiệu ứng nhà kính. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất trên các dây chuyền sản xuất hiện đại hầu như không gây ra hiệu ứng nhà kính. Ảnh: Cao Thăng

Chính phủ đã vào cuộc

Trong chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hà Lan, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Hợp cho biết, Việt Nam là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Đáng lo ngại nhất là hiện mực nước biển dâng trong thời gian qua đã và đang khiến diện tích đất khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị thu hẹp đáng kể, nặng nhất là Cần Thơ mất 80% diện tích đất, TPHCM mất 30% diện tích đất. Không dừng lại đó, theo các chuyên gia, ước tính trong thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam sẽ tăng 2 - 3°C nhưng cũng có thể cao hơn.

Điều này sẽ kéo theo tình trạng ngập, xâm nhập mặn, hạn hán và thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khốc liệt hơn, gây ảnh hưởng nặng nề lên đời sống người dân, đe dọa sản lượng lương thực khu vực này.

Nhận thức được tác hại đó, từ năm 2002, Việt Nam đã tham gia vào Nghị định thư Kyoto với mong muốn cùng với nhiều nước, nhất là những nước phát triển trên thế giới chung tay cắt giảm khí thải carbon, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.

Gần đây nhất, tại hội nghị gia hạn nghị định thư Kyoto thêm 5 năm nữa (từ 2012 - 2017), đoàn đại biểu Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm của nước ta sẽ tiếp tục duy trì và xây dựng những chính sách, định hướng dài hạn cho vấn đề chống biến đổi khí hậu. Điều này thể hiện rõ nhất là Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Theo đó, mục tiêu được đề ra là phải đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tập trung nâng cao đời sống; hướng đến nền kinh tế carbon thấp, đặc biệt là tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững...; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách. Và cuối cùng là góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu...

Còn 70% doanh nghiệp xả khí thải chưa đạt chuẩn

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Văn phòng phát triển bền vững, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam khẳng định, về phía Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu cũng như giải pháp triển khai trong thời gian tới nhằm ứng phó hiệu quả với những tác hại do biến đổi khí hậu gây ra. Vấn đề còn lại là các tầng lớp trong xã hội sẽ tham gia hưởng ứng như thế nào.

Trên thực tế, thời gian qua việc tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu chỉ mới diễn ra mạnh mẽ đối với cộng đồng. Người dân 16 tỉnh, thành đã tự nguyện tham gia chương trình trồng 1.000.000 cây xanh; thu gom bình nhựa; tham gia dự án hướng đến môi trường ít carbon bằng cách tắt máy khi dừng đèn đỏ trên 20 giây; tham gia chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh - sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường…

Thế nhưng, riêng đối tượng chính gây ra nhiều phát thải khí nhà kính nhất là doanh nghiệp thì việc tham gia còn rất hạn chế. Từ năm 2006, Bộ TN-MT đã phối hợp với UBND TPHCM tổ chức giải thưởng doanh nghiệp xanh.

Tuy nhiên, cho đến nay số lượng doanh nghiệp được chứng nhận chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp. PGS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, cho biết, cho đến nay vẫn còn 70% doanh nghiệp xả khí thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường.

GS Nguyễn Ngọc Trân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng phó biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhấn mạnh, doanh nghiệp cắt giảm khí thải không nhất thiết phải cắt giảm sản xuất. Họ có thể cắt giảm bằng cách cải thiện dây chuyền, công nghệ sản xuất để tiết kiệm năng lượng sử dụng; xanh hóa sản xuất; sử dụng nguyên nhiên liệu thân thiện với môi trường…

Với những giải pháp cùng với hành động quyết liệt từ phía Chính phủ nhằm đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, cộng với sự nỗ lực thay đổi hành vi tiêu dùng của cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường hơn thì việc doanh nghiệp phải tự chuyển đổi theo hướng xanh hóa sản xuất là tất yếu nếu muốn cùng tồn tại và phát triển bền vững trong thời gian tới.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục