Ứng phó với biến đổi khí hậu ở TPHCM đến năm 2015: Ưu tiên dự án có tính cấp thiết

Một kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại TPHCM đến năm 2015 đang được Ban chỉ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố xây dựng. Đây sẽ là cơ sở để TPHCM triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm ứng phó với các thảm họa thiên tai do BĐKH gây ra. Xung quanh nội dung này, báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, Thường trực Ban chỉ đạo.
Ứng phó với biến đổi khí hậu ở TPHCM đến năm 2015: Ưu tiên dự án có tính cấp thiết

Một kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại TPHCM đến năm 2015 đang được Ban chỉ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố xây dựng. Đây sẽ là cơ sở để TPHCM triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm ứng phó với các thảm họa thiên tai do BĐKH gây ra. Xung quanh nội dung này, báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, Thường trực Ban chỉ đạo.

° Phóng viên: Thưa ông, những chương trình, dự án gì sẽ được quan tâm hàng đầu trong kế hoạch thích ứng với BĐKH của TPHCM?

° Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Kế hoạch thích ứng với BĐKH đến năm 2015 của TPHCM đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong các ban ngành của thành phố. Nguyên tắc chung là tất cả các ngành, các sở đều phải tham gia với từng công trình, từng dự án cụ thể tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, từng dự án, công trình này sẽ được cân nhắc, đánh giá, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên dựa trên các yếu tố quan trọng về điều kiện tự nhiên, xã hội, kinh tế của TPHCM đồng thời dựa trên các tiêu chí lựa chọn do Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra trong khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH. Bộ khung ấy đưa ra một số tiêu chí lựa chọn.

Đầu tiên là tính cấp thiết, theo đó những dự án có thể giảm thiểu được những tác động trước mắt do BĐKH gây ra sẽ được ưu tiên. Thứ hai là tính xã hội, các dự án nhằm làm giảm tổn thất về người và sinh kế, tạo cơ hội giảm nghèo và tạo thu nhập cho cộng đồng, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, xa… sẽ được xem xét trước. Thứ ba là tính kinh tế, các dự án đạt hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở tính toán chi phí lợi ích, ưu tiên cho dự án chi phí thấp nhưng đạt hiệu quả cao. Thứ tư là tính đa mục tiêu. Thứ năm là tính hỗ trợ, bổ sung. Thứ sáu là tính lồng ghép. Thứ bảy là tính đồng bộ… Các dự án đáp ứng các tiêu chí này sẽ được ưu tiên quan tâm.

Việc biến đổi khí hậu sẽ gây mưa nhiều, ngập tại một số nơi ở TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Việc biến đổi khí hậu sẽ gây mưa nhiều, ngập tại một số nơi ở TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

° Đơn vị nào sẽ chủ trì xem xét và đánh giá các tiêu chí ấy cho các chương trình, dự án cụ thể của từng ngành, thưa ông?

° Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH TPHCM với tư cách là cơ quan liên ngành, hoạt động dưới sự chủ trì của UBND TPHCM sẽ xem xét, cân nhắc thứ tự ưu tiên đầu tư cho các dự án. Hiện nay, hầu hết các sở, ngành đều đã gửi chương trình hoạt động của mình về Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH và liên tục nhiều tuần ban đã họp để xây dựng chương trình cụ thể cho từng ngành và cho chung toàn thành phố.

° TPHCM hiện đang đối đầu với 3 vấn nạn nghiêm trọng. Đó là ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường và với tác động của BĐKH 3 vấn nạn này đang ngày một ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân. Chương trình ứng phó với BĐKH của TPHCM có ưu tiên quan tâm đến những vấn đề này không?

° Quản trị nguồn nước là một trong những quan tâm hàng đầu trong kế hoạch thích ứng với BĐKH của TPHCM. Theo tính toán của các nhà khoa học, BĐKH và việc trái đất nóng lên có khả năng gây ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô và tạo điều kiện cho xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền. Đối với TPHCM, điều này sẽ đặc biệt nguy hiểm vì nếu độ mặn của sông Sài Gòn tăng lên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất cũng như chất lượng nước sạch của Nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức (vì đây là nguyên liệu để sản xuất của hai nhà máy này). Trong mùa mưa, tình trạng BĐKH có khả năng gây ra những cơn mưa lớn hơn, dữ dội hơn trước và TPHCM đã được “kiểm nghiệm” điều này trong nhiều mùa mưa gần đây. Ngập tại TPHCM do nhiều nguyên nhân nhưng một trong số đó là do… mưa nhiều.

Hiện nay, trong kế hoạch thích ứng với BĐKH của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TPHCM, đã có kế hoạch giải quyết tình trạng ngập ở TPHCM như là một trong những giải pháp thích ứng với BĐKH của đơn vị. Tương tự, để giải quyết tình trạng kẹt xe, một kế hoạch phát triển xe buýt sử dụng khí CNG ít phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường cũng đã được tính toán tới… Tất cả những kế hoạch này nếu dựa vào khung tiêu chí lựa chọn dự án ưu tiên của Bộ Tài nguyên Môi trường cũng hoàn toàn xứng đáng được lựa chọn vì tính cấp thiết, tính xã hội, tính kinh tế, tính đa mục tiêu cao.

° Hàng năm, TPHCM phải tốn một khoản tiền trị giá khoảng 15% GDP của thành phố cho năng lượng. Như vậy, tiết kiệm năng lượng có được coi là một trong những chương trình ưu tiên không, thưa ông?

° Với việc trái đất nóng lên, năng lượng cho sinh hoạt, công nghiệp, giao thông, thương mại… chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể. Như vậy không những thành phố phải tốn thêm tiền mà còn làm gia tăng lượng khí phát thải có hại cho bầu khí quyển trái đất. Chính vì vậy, tiết kiệm năng lượng chắc chắn sẽ phải là một trong những chương trình được ưu tiên quan tâm. Hiện nay, TPHCM đã triển khai nhiều kế hoạch tiết kiệm điện và thu được nhiều thành công.

° Thưa ông, nhiều quy định cụ thể trong việc thích ứng với BĐKH ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng còn chưa có, hoặc có nhưng chưa đầy đủ, như vậy cơ sở nào để các đơn vị triển khai thực hiện các chương trình thích ứng với BĐKH?

° Không phải ở Việt Nam mới thiếu các quy định cụ thể về thích ứng với BĐKH mà nhiều nước trên thế giới cũng chưa cập nhật được. Quan điểm của Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH TPHCM đã được khẳng định trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng là sẽ phải vừa làm vừa hoàn thiện cơ chế

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục