Ứng xử văn hóa đúng tầm

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là nhiệm vụ rất quan trọng và ý nghĩa, nhằm hình thành nếp sống và các chuẩn mực đạo đức người dân, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để người dân tham gia sáng tạo và thụ hưởng văn hóa. Do vậy, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, trở thành chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược trong phát triển văn hóa và con người Việt Nam. 

Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí. Có thể kể đến một số thiết chế văn hóa phổ biến ở đô thị nước ta như nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, công viên, sân vận động, nhà văn hóa... Càng ngày, nhu cầu văn hóa giải trí, tìm hiểu kiến thức, nâng cao dân trí của người dân càng phong phú, hiện đại, đòi hỏi hoạt động các thiết chế văn hóa cũng phải đa dạng và phong phú hơn. Và lẽ đương nhiên việc xây dựng thiết chế văn hóa phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân.

Trên lý thuyết là vậy, còn thực tế thì sao? Tại TPHCM, một đô thị với vai trò là đầu tàu, là trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước và khu vực nhưng việc xây dựng thiết chế văn hóa cho đến nay vẫn là câu chuyện nóng.

Không khỏi tiếc nuối khi tại TPHCM, một số thiết chế văn hóa đã trở thành “ký ức đô thị” của nhiều thế hệ cư dân, mà rạp hát, rạp phim là tiêu biểu. Ra đời từ thời Pháp thuộc, trải qua hơn trăm năm tồn tại, những thiết chế này đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp thị dân. Riêng rạp hát còn gắn liền với sự phát triển của cải lương - một loại hình nghệ thuật đặc thù, di sản văn hóa tiêu biểu nhất của đất và người Nam bộ. Nhưng, từ cuối thế kỷ XX đến nay, các thiết chế này đã bị rơi vào “quên lãng”, bởi hàng chục rạp hát và rạp phim lần lượt biến mất, nhường chỗ cho trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn... 

Không phải TPHCM không có dự án xây dựng các nhà hát hiện đại, chỉ có điều cứ nghe nói mãi hàng chục năm trời mà vẫn chưa thấy khởi động, vẫn loay hoay tìm giải pháp khả thi. Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) mất nhiều năm xin triển khai dự án tại Thủ Thiêm (quận 2) nhưng đến nay vẫn đang chờ đợi. Các nghệ sĩ phải làm việc trong văn phòng tạm bợ, chỗ tập luyện phải đi thuê mướn. Qua rất nhiều cuộc họp, dự án Rạp xiếc và Trung tâm biểu diễn đa năng Phú Thọ với tổng mức đầu tư 1.491 tỷ đồng tại quận 11 đến nay vẫn đang nghiên cứu khả thi trình phê duyệt. Các nghệ sĩ Đoàn Xiếc TPHCM long đong, trôi dạt khắp nơi, từ Thảo Cầm Viên, về Đầm Sen, Thanh Đa, Công viên 23-9, sau một thời gian lại dạt về tận công viên Gia Định. Mà đâu chỉ có nghệ sĩ xiếc, TP có 8 đơn vị biểu diễn nghệ thuật, nhưng hầu như chưa đơn vị nào có cơ sở xứng tầm nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Nhà nước. Duy nhất đến nay, chỉ có một công trình được xây dựng mới là Nhà hát Nghệ thuật Cải lương Trần Hữu Trang, đầu tư trên 130 tỷ đồng nhưng hiện rơi vào cảnh khó sử dụng do thiết kế không phù hợp. Tương tự, hàng loạt dự án trăm tỷ đến ngàn tỷ đồng đang xếp hàng: Dự án Bảo tàng Tổng hợp TP tại Khu công viên lịch sử văn hóa dân tộc ở quận 9, Dự án Trung tâm Văn hóa TP, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP…

Đã hơn 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM hầu như chưa xây dựng được một thiết chế văn hóa nào gọi là xứng tầm một đô thị đặc biệt, một đầu tàu kinh tế phát triển quan trọng như hiện nay. Điều đó đã quá rõ. Vậy nhưng, thật xót xa khi theo Quyết định 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030 thì hệ thống thiết chế văn hóa cấp TP và quận huyện trên địa bàn TPHCM được xếp vào hạng đã… vượt chỉ tiêu!?

Thiết chế văn hóa cho đô thị nào, phù hợp với khu vực nào, với đối tượng cư dân nào, nếu không xác định rõ thì chẳng khác nào một đô thị có xác mà vô hồn. Thiết chế văn hóa, nói một cách nào đó cũng là “của dân, do dân, vì dân” chứ không phải là sản phẩm mà các cấp quản lý mang lại cho người dân hưởng thụ. Việc hướng đến xây dựng “TP văn minh, nghĩa tình”, “TP đáng sống”, “TP có chất lượng sống tốt” thì đời sống văn hóa, môi trường văn hóa càng phải được xem trọng hơn nữa. Khi xã hội còn chưa nhận thức đầy đủ về văn hóa, thì khi ấy văn hóa chưa được tôn trọng.

Tin cùng chuyên mục