Với việc bắt buộc cán bộ công nhân viên của mình đội nón bảo hiểm khi đi xe gắn máy 2 bánh và ủng hộ TPHCM 450 triệu đồng để thực hiện các chương trình về ATGT, Unilever Việt Nam khẳng định quyết tâm đồng hành cùng các chương trình ATGT của TPHCM.
Theo Unilever Việt Nam, nếu bị bắt gặp đến lần thứ 3 không đội nón bảo hiểm khi sử dụng xe gắn máy 2 bánh, cán bộ công nhân viên của đơn vị có thể bị đuổi việc. Unilever Việt Nam có hẳn một hồ sơ theo dõi tình hình ATGT của các nhân viên. Mọi tai nạn đều được ghi nhận và được đưa ra trao đổi trong những buổi sinh hoạt thường kỳ về ATGT trong đơn vị. Unilever Việt Nam còn thường xuyên mời các bác sĩ, các chuyên gia về giao thông đến nói chuyện về ATGT cho cán bộ, công nhân viên; in hàng ngàn sổ tay khuyến cáo những vấn đề cần lưu ý khi lưu thông như: đội nón bảo hiểm khi lái xe 2 bánh, không nghe điện thoại di động, không uống rượu, bia khi đang điều khiển xe… phát cho cán bộ công nhân viên và yêu cầu họ chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về ATGT. Đối với cộng đồng, Unilever còn ủng hộ nhiều phần quà có giá trị cho các chương trình ATGT của thiếu nhi, cán bộ công nhân viên thành phố.
AN NHIÊN
Phải công khai loại nón bảo hiểm bảo đảm chất lượng
Ủy ban ATGT Quốc gia vừa gửi công văn đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Thương mại nên công bố công khai những loại nón bảo hiểm (NBH) bảo đảm chất lượng cũng như danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh NBH bảo đảm chất lượng.
Có một thực tế là hiện nay, tình hình kinh doanh NBH đang diễn ra khá phức tạp, nhiều loại nón kém chất lượng vẫn được tiêu thụ trên thị trường. Người bán hàng chưa bị ràng buộc trách nhiệm về chất lượng nón bán ra còn người tiêu dùng lại không biết cách lựa chọn loại NBH nào đảm bảo về chất lượng. Để người tiêu dùng có điều kiện chọn mua những loại NBH đảm bảo chất lượng, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ hoàn thiện công tác quản lý chất lượng và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng các loại NBH đảm bảo chất lượng. Đồng thời yêu cầu Bộ Thương mại cần tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh NBH và công bố công khai danh sách các cơ sở kinh doanh, sản xuất nón bảo đảm chất lượng.
T.MẪN
Amoro khuyến cáo nón bảo hiểm bị “nhái”
Càng đến gần thời điểm 15-9 bắt buộc đội nón bảo hiểm (NBH) trên các tuyến quốc lộ và đến giữa tháng 12-2007 buộc đội NBH trên tất cả các tuyến đường khi tham gia lưu thông bằng mô tô xe máy, thị trường NBH càng chộn rộn. Điều này không có gì lạ, nhưng đáng ngại ở chỗ đã manh nha tình trạng “ăn theo”, làm nhái các thương hiệu có uy tín, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM hai trọng điểm tiêu dùng. Amoro - một nhãn hiệu NBH có uy tín và được biết đến nhiều nhất lâu nay trên thị trường TPHCM và Hà Nội mới đây đã phải gióng lên lời cảnh báo. Bởi theo một đại diện của thương hiệu Amoro tại TPHCM, người tiêu dùng có nguy cơ bị nhầm lẫn giữa các sản phẩm chính hãng Amoro với hàng nhái, đặc biệt các sản phẩm của Trung Quốc với các nhãn mác na ná như Amono, Amore, Amaro…
Nhà sản xuất Amoro khuyến cáo người tiêu dùng nên đến các siêu thị lớn để không sợ mua nhầm đồ dỏm, được yên tâm về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, NBH thật của hãng này cũng có thể kiểm chứng dễ dàng bằng một số biểu hiện như trên khóa cài và trên kính cài đều có chữ Amoro sắc sảo, tem bảo hành chính hãng có 7 màu còn tem chất lượng có chữ CS và ghi rõ thông số kỹ thuật trên tem…
TR.KHANH