
Cục Nghệ thuật-Biểu diễn (Bộ VH-TT) và Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc (NCBT&PHVHDT) vừa tổ chức tổng kết dự án Sân khấu học đường (SKHĐ) giai đoạn 2001-2005. Dự án đã được triển khai tại 55 trường học thuộc 18 tỉnh, thành với gần 1.000 học sinh trực tiếp tham gia.

Dự án SKHĐ được mở đầu tại trường THCS Bình Tường (Tây Sơn) với hai đêm diễn giao lưu của Nhà hát tuồng Đào Tấn.
Không khí biểu diễn sôi động qua tài năng của các nghệ sĩ trong vở Thạch Sanh và gây náo nức hơn qua phần thi hỏi và đáp về nghệ thuật tuồng.
Tiếp đó các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát tuồng Đào Tấn đã tới các trường triển khai công tác giảng dạy nghệ thuật tuồng cho các em học sinh.
Các tiết mục được chọn lựa kỹ càng, vừa mang tính nghệ thuật cao, vừa có tính giáo dục, phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh như các trích đoạn Quang Trung lên ngôi, Trưng nữ vương đề cờ, Trần Quốc Toản ra quân, Bùi Thị Xuân khởi binh...
Hưởng ứng dự án này, nhiều trường đã thành lập các CLB Sân khấu truyền thống, làm hạt nhân cho phong trào văn hóa văn nghệ của nhà trường cũng như các địa phương. CLB nào cũng được trang bị đầy đủ phông màn, phục trang, đạo cụ, nhạc cụ và thiết bị âm thanh, ánh sáng để có thể tổ chức nhiều nơi cho học sinh các trường khác và cộng đồng dân cư nơi cư trú đón xem.
Các em không chỉ được học hát, học múa, học diễn, học đàn mà còn được các nghệ sĩ chuyên nghiệp truyền dạy cho những kỹ năng sáng tạo vai diễn trong các trích đoạn tuồng, chèo mẫu mực…
Ở Huế, việc thực hiện dự án về tuồng chưa thật nổi bật lắm (do phong trào còn mỏng, người dạy còn thưa) nhưng đến TP Đà Nẵng thì chất lượng diễn viên nhí đã khác. Các em diễn được nhiều vai tuồng truyền thống và lịch sử khá hay.
Đặc biệt ở đây còn đào tạo được một dàn nhạc tuồng khá tốt. Các em học sinh 12, 13 tuổi đánh trống, thổi kèn, kéo nhị... thật dễ thương; hình ảnh đó gieo trong chúng ta một niềm tin là truyền thống không thể mất đi, khi thế hệ trẻ vẫn yêu thích, vẫn kế thừa rất tốt khi được sự hướng dẫn và truyền nghề có phương pháp. GS Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm NCBT-PHNTDT tin tưởng rằng, nếu được truyền dạy một cách kỹ lưỡng, các em sẽ là lực lượng nghệ sĩ bổ sung cho các loại hình kịch hát dân tộc và là đội ngũ khán giả hùng hậu, biết quý trọng và tôn vinh các giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã không chuẩn bị cho mình một thế hệ khán giả hiểu và yêu giá trị văn hóa truyền thống trong đó có loại hình nghệ thuật sân khấu chèo.
Chúng ta đã thờ ơ và vô tình để các loại hình nghệ thuật hiện đại khác “cuỗm mất khán giả”. Dự án SKHĐ cần được tiếp tục duy trì nhiều năm sau nữa với sự quan tâm sâu sắc và toàn diện hơn, góp phần bảo tồn di sản văn hóa truyền thống.
HOÀNG GIANG