Ươm rừng ngập mặn

Chồi non từ rừng ngập mặn đang vươn mình, trở thành nhiệt huyết thanh xuân và mục tiêu theo đuổi của nhiều bạn trẻ… Các bạn đã cùng chung tay, góp sức để giảm áp lực cho đất mẹ, quay về giá trị khởi nguồn lành mạnh.

MangLub Việt Nam triển khai trồng rừng ngập mặn tại các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh
MangLub Việt Nam triển khai trồng rừng ngập mặn tại các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh

Bể chứa carbon xanh

Cây con từ vườn ươm bắt đầu xanh màu, cắm rễ ở vùng đất ngập mặn, những cánh rừng bần chua, đước đôi, mắm, sú, vẹt… từng ngày vươn mình, giúp ích cho vùng ĐBSCL trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Và câu chuyện giữ màu xanh đất mẹ từ rừng ngập mặn cũng thiết thực hơn qua hoạt động của những doanh nghiệp xã hội ở vùng châu thổ này.

Nói về lý do các doanh nghiệp lựa chọn rừng ngập mặn để giảm thiểu carbon, chị Phạm Hải Thy, Giám đốc doanh nghiệp xã hội MangLub Việt Nam tại Trà Vinh, chia sẻ: “Rừng ngập mặn có lá xanh quanh năm, và có cấu trúc rễ đặc biệt giúp cây hấp thụ nhiều carbon hơn các loại rừng khác. Trên thế giới, rừng ngập mặn được gọi là bể chứa carbon xanh (blue carbon). Trong giai đoạn 5 năm đầu, chúng tôi ưu tiên cho những địa điểm dễ tổn thương nhất như các cồn gần cửa sông, các bãi dọc sông, biển của các huyện Cầu Ngang (nước lợ), Châu Thành (nước lợ) và Duyên Hải (nước mặn) của tỉnh Trà Vinh. Rễ cây vùng ngập mặn có tác dụng kết dính đất, giúp giữ đất, chống sạt lở. Cây vùng ngập mặn ở các cồn, dọc cửa sông còn giúp làm chậm tốc độ của lốc xoáy, gió, mưa bão”.

Hai mươi năm về trước, khi những vạt rừng ngập mặn chưa đủ lớn, sản lượng thu hoạch nông sản không cao do thường xuyên bị gió mạnh thổi từ cửa sông vào làm cho hoa màu bị đổ gãy, ngã rạp. Sau khi trồng rừng ngập mặn, thì hệ sinh thái ở những nơi có rừng bắt đầu đa dạng hơn. Vì rễ cây giữ đất, lọc nước nên chim cò, cá, cua, nghêu, ong, các loài thủy sản bắt đầu về trú ngụ.

“Bà con trong đất liền ở khu vực này bắt đầu canh tác được, thu hoạch vụ mùa tăng lên, và có thêm thu nhập từ những nguồn lợi như nuôi tôm cua tự nhiên trong rừng, thu hoạch mật ong trong rừng bần chua, tôm cá sinh sản tự nhiên dưới tán rừng giúp cho ngư dân có thêm nguồn sinh kế”, chị Hải Thy chia sẻ thêm.

Từ năm 2023, ngoài việc tiếp tục trồng, phục hồi rừng ngập mặn ở khu rừng phòng hộ tỉnh Trà Vinh, MangLub Việt Nam đã mở rộng hỗ trợ trồng rừng ngập mặn cho các hộ nuôi tôm tại tỉnh Trà Vinh và rừng phòng hộ của tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long. Hiện MangLub Việt Nam đang thực hiện hai việc song song, vừa trồng phục hồi nhiều cây rừng ngập mặn nhất có thể thông qua huy động các nguồn lực vừa thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các tour trải nghiệm trồng rừng và các khóa học trực tuyến.

Giá trị từ công việc vì màu xanh

Hành trình lập nghiệp của mỗi người là những lựa chọn khác nhau, chọn gắn bó với một doanh nghiệp xã hội ươm rừng ngập mặn với chị Hải Thy tất cả chỉ gói gọn trong một chữ duyên. Chị Hải Thy chia sẻ: “Tôi bắt đầu với MangLub Việt Nam từ tháng 4-2019, đó là lúc tôi vừa từ TPHCM về để tìm khoảng thời gian lặng cho bản thân. Khi đó, khái niệm như doanh nghiệp xã hội, rừng ngập mặn rất xa lạ với tôi. Nhưng khi bắt tay vào việc, tôi bắt đầu thấy rất may mắn vì doanh nghiệp mình đang làm đã đóng góp vào sự phát triển của cuộc sống xung quanh. Cũng qua công việc, tôi nhận ra có rất nhiều bạn trẻ không biết cây rừng ngập mặn là gì. Đội ngũ của tôi đã nắm bắt được điều này để từ đó có được mô hình kinh doanh như hôm nay”.

Bảo vệ môi trường, phát triển xanh hay cụ thể là trồng rừng ngập mặn, các giải pháp để thấy được hiệu quả cần phải duy trì lâu dài. Việc tiếp tục phát triển mô hình kinh doanh của MangLub Việt Nam tại ĐBSCL được chị Thy và đội ngũ xem như một sứ mệnh mang tính dài hạn, chứ không chỉ là mục tiêu kinh doanh.

“Tôi nghĩ bền vững phải mang tính truyền thừa và phổ quát, nói vui là muốn bền vững, trước tiên phải bền bỉ mới vững chãi được. Cụ thể hơn, khi muốn bền vững, ít nhất phải thấu hiểu mình đang hành động vì cái gì, phải làm gương để có thể đủ sức truyền đạt sự thấu hiểu của mình đến người thân cận xung quanh. Các tour trải nghiệm trồng rừng chúng tôi tổ chức cũng vậy, mục tiêu của những chuyến đi nhằm nêu bật được sự liên kết vô hình, nhưng ý nghĩa rất quý giá, bởi con người bảo vệ rừng thì rừng sẽ bảo vệ con người”, chị Hải Thy chia sẻ thêm.

Có thể thấy, câu chuyện sống xanh của thời điểm hiện tại đã khác nhiều với giai đoạn bắt đầu. Những phần việc giúp ích cho màu xanh bền vững của đất mẹ đã được người trẻ cụ thể hóa thành những dự án để phấn đấu thực hiện. Bài toán kinh doanh phải tính đến giá trị, nhưng giá trị góp phần chuyển biến để những vùng đất ngập mặn thêm xanh hẳn là công việc xứng đáng để người ta đặt niềm tin đường dài cho phát triển kinh tế xanh bền vững.

Tin cùng chuyên mục