Sáng sớm, Bản Giốc sương giăng trắng đục, rơi lộp độp trên lá, thấm ướt cỏ cây... Dưới chân đồi của trạm biên phòng, người ta đã mở quán kinh doanh. Chúng tôi bằng lòng với món mì gói trụng nước sôi đập trứng, món điểm tâm duy nhất của cái quán duy nhất nơi đây, kiêm luôn “cửa hàng” bán đồ lưu niệm xếp những chiếc mũ tre rộng vành kiểu đồng bào dân tộc và những cặp sừng trâu khá lớn...
Bên ngoài quán, một đoàn nam nữ chắc đến từ hôm trước, vừa xong cữ cà phê sáng, đang mua xăng cũng của quán này, đổ vào xe, mặc áo mưa chống sương, nổ máy về xuôi... Chẳng biết đêm qua họ ngủ đâu, còn chúng tôi thuê phòng ở Trung tâm Điều hành du lịch thác Bản Giốc, một ngôi nhà mới xây hai tầng rộng rãi khang trang, phòng ốc khá tiện nghi, giá cả khá đắt, nhưng chưa có hàng ăn. Mấy anh em phải ăn tối ở thị trấn Trùng Khánh cách đây hơn hai mươi cây số...
Chúng tôi cuốc bộ ra thác Bản Giốc như một đoàn đi “thỉnh kinh” vì có nhà thơ nữ Trần Huyền Trang ở Bình Định, được gọi đùa là thầy Tam Tạng (Tam Tạng tên thật là Trần Huyền Trang). Ai đó bảo: còn lại bốn người mà “đồ đệ” của thầy chỉ có ba thì phân vai sao đây... Tôi nói: đừng quên con bạch mã, nó cũng là đồ đệ thứ tư, là Long Vương thái tử...
Thác Bản Giốc đã hiện ra sau khúc quanh. Thác đổ ào ào, trắng xóa. Cảnh quan thật quen thuộc, thân thương vì chúng tôi đã bao lần nhìn ngắm Bản Giốc qua ảnh, qua phim, nhất là bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Hữu Cấy với đồng bào Tày gánh hàng qua thác. Lại liên tưởng đến cảnh thầy trò Đường tăng qua một con thác khác trong giê-nê-ríc phim Tây du ký của đạo diễn Dương Khiết với Lục Tiểu Linh Đồng sắm vai Tôn Ngộ Không...
Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quế Sơn (có tài liệu ghi là Quây Sơn hay Quy Xuân). Sông này bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy về hướng biên giới hai nước rồi vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Từ xã Ngọc Khê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thủy, dòng sông lượn quanh dưới chân núi Cô Muông, qua các cánh đồng của Đàm Thủy, qua bãi ngô trên Bản Giốc, quay trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh, đột ngột hạ thấp xuống khoảng 35m, tạo thành thác Bản Giốc.
Sau khi xuống đáy thác, sông quay vào lãnh thổ Trung Quốc, và trung tuyến đoạn sông ở đây được lấy làm biên giới. Giữa thác có một mô đất rộng phủ đầy cây, xẻ dòng sông thành ba luồng nước. Vào những ngày nắng, làn hơi nước bắn ra từ thác tạo nên bảy sắc cầu vồng rực rỡ...
Tôi nhìn sang bờ bên kia, thấy những dãy núi cao chớn chở, thấp thoáng dáng đồn biên phòng Trung Quốc. Sát mép nước, là những bến đậu bè, nhìn rõ dáng dấp và màu áo du khách lại qua...
Bờ bên ta là một dải đất rộng, bằng phẳng, với màu xanh cây cối cùng bãi cát vàng xa xa như mời gọi khách lên chơi... Đất rộng, dân trồng trọt, canh tác, khai thác lâu đời. Những vạt cỏ xanh và những thửa ruộng vừa gặt còn đầy gốc rạ... Nắng lên, đồng bào đổ ra đồng gặt lúa, quang cảnh đông vui rộn ràng. Song Hảo, Huyền Trang không bỏ lỡ cơ hội, sà vào, luôn tay bấm máy...
Chúng tôi đi qua dãy lều bán đồ lưu niệm, xuống một con bè, thong thả chống ra giữa dòng, hướng về phía thác. Phía bên Trung Quốc cũng có bè rời bến dạo chơi... Mọi người trong đoàn chúng tôi lấy máy ảnh ra chụp lia lịa, chủ yếu là chụp thác.
Bè cập bãi cát vàng cho cả đoàn lên đi dạo. Thật thú vị và xúc động. Cảnh đẹp như tranh... cổ điển, với cây xanh xòe tán đứng làm tiền cảnh trước thác nước đang đổ ào ào, phun sương ướt áo...
Theo Wikipedia, thác Bản Giốc được chia thành hai phần, phần ở phía Nam gọi là thác Cao. Đây là thác phụ vì lượng nước không lớn. Thác Thấp là thác chính nằm ở phía Bắc, ở giữa thác chính là cột mốc biên giới Việt-Trung. Cột mốc này được xác định qua hiệp ước về biên giới giữa hai nước năm 1999, là cột mốc 53 do Pháp - Thanh xây dựng. Theo hiệp ước 1999, phần thác phụ hoàn toàn thuộc về Việt Nam, phần thác chính chia đôi... Hiện hai bên đang khai thác du lịch tại đây, du khách có thể ung dung thả bè ngắm thác, chỉ không được phép đặt chân lên phần đất của phía bên kia.
Chợt nhìn thấy cột mốc mới xây của ta, Song Hảo, Huyền Trang vội chạy lên chụp ảnh. Cột xây trên bệ đá cao, có đề VIETNAM 836 (2).
Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia (sau thác Iguazu giữa Brazil - Argentina, thác Victoria giữa Zambia- Zimbabwe; và thác Niagra giữa Canada và Mỹ)...
Thác Bản Giốc cũng là một trong những thác nước rộng lớn và đẹp nhất nước ta với đất đá cây cối giữa thác. Bãi cát vàng trước thác là nơi dạo chơi kỳ thú mà không phải thác nào, ngay cả bờ thác bên kia, cũng có... Tôi ngồi trên bè ngắm con đường từ bãi cát dẫn trở về nương ngô ruộng lúa của đồng bào ta, qua những chiếc cầu bắc ngang mấy lạch nước thấy một bức tranh tuyệt đẹp, sống động lạ lùng, vừa cổ điển vừa bình dị, gần gũi, thân thương. Đó là bức tranh đất nước yêu mến ngàn đời của cha ông vẽ bằng máu xương để lại cho con cháu...
Gió đưa hơi nước của thác bay ướt mặt, tôi thỉnh thoảng phải đưa tay lau cặp mắt... nhòe sương...
TRẦN THANH GIAO