Trong tuyên bố ngày 8-10, Bộ Tài chính Nga cho biết, mục tiêu chính của thỏa thuận nhằm gia tăng và chuyển dần sang sử dụng đồng ruble của Nga và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ trong các thanh toán song phương, từ đó tạo ra cơ sở hạ tầng tài chính và tăng sức hấp dẫn của đồng tiền nội tệ đối với các doanh nghiệp hai nước.
Tờ Daily Sabah cho biết, trong phạm vi của thỏa thuận được ký ngày 4-10, nhu cầu về 2 loại tiền tệ của các định chế thương mại sẽ tăng lên và một cơ cấu tài chính phù hợp sẽ được thiết lập. Thỏa thuận dự kiến kết nối các ngân hàng và doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ với hệ thống thanh toán SWIFT phiên bản tiếng Nga, đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng ở Thổ Nhĩ Kỳ để cho phép sử dụng thẻ MIR của Nga, được Moscow thiết kế nhằm thay thế cho thẻ MasterCard và VISA. Thỏa thuận này là một bước quan trọng để tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước. Thương mại song phương đã đạt 25,4 tỷ USD năm 2018, trong đó Nga xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ gần 22 tỷ USD.
Theo giới quan sát, đây là một đòn mới giáng xuống quyền uy của USD. Tuần trước, phát biểu tại Diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga”, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này đang hạn chế các giao dịch bằng USD để đối phó với những nỗ lực của Mỹ nhằm sử dụng USD như một “vũ khí chính trị”. Thực ra, từ tháng 5-2018, Nga đã cắt giảm đầu tư trái phiếu Chính phủ Mỹ xuống mức tối thiểu. Theo dữ liệu của Mỹ, vào tháng 4-2019, Nga đã bán lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 1,6 tỷ USD và hiện chỉ nắm giữ là 12-13 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2007. Những tháng gần đây xuất hiện một xu hướng mới: các nước phát triển, bao gồm các đồng minh truyền thống của Mỹ, cũng bắt đầu giảm lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ. Mới đây, Vương quốc Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ, đã lọt vào danh sách các quốc gia bán ra trái phiếu kho bạc Mỹ với số lượng lớn kỷ lục. Nhật Bản, chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ, cũng bán tới 11,07 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ trong tháng 4 vừa qua. Tỷ lệ USD trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu thế kỷ này. Tổng lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trong bảng cân đối của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng giao dịch bằng đồng nội tệ của họ vì chính quyền Mỹ đã tăng cường sử dụng USD như một công cụ trừng phạt các quốc gia khác. Trước đó, trong một số giao dịch giữa Nga với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, USD đã phần nào bị loại bỏ. Giới phân tích tin rằng trong tương lai, USD không chỉ bị loại dần trong các thanh toán dầu mỏ, mà trong tất cả các thanh toán khác, và có thể bắt đầu từ Liên minh châu Âu (EU).