
Việc công ty quảng cáo EVA thuê nguyên đoàn tàu Sài Gòn - Nha Trang (17 tỷ đồng/năm) để phục vụ khách du lịch đã đánh dấu bước ngoặt: chấm dứt sự “độc quyền” của ngành đường sắt. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này có lợi cho khách hàng hay không? Tiến sĩ Vương Đình Khánh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã có cuộc trao đổi với chúng tôi.
Tiến sĩ Vương Đình Khánh khẳng định: - Đây là bước phát triển tất yếu mà các nước khác đã làm nhằm khai thác ĐS, phục vụ khách hàng hiệu quả hơn, đúng tinh thần của Luật ĐS. Đó là chống bảo thủ, độc quyền và khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư vào ĐS.

Hiện giờ, chúng tôi khuyến khích tư nhân bỏ tiền ra làm kho bãi, máy xếp dỡ. Luật ĐS quy định tất cả các công ty vận tải ĐS hoạt động đều phải có điều kiện về an toàn chạy tàu. Nếu đáp ứng được điều kiện này thì bất kỳ cá nhân, tập thể hay doanh nghiệp nào cũng đều có thể tham gia khai thác dịch vụ ĐS. ĐSVN đang hoạt động với hai hệ thống quản lý kinh doanh gồm: kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải khai thác trên cơ sở thuê cơ sở hạ tầng của nhà nước.
Hiện nay, các công ty chỉ mới thuê hành trình, trả một mức khoán doanh thu, còn khâu chỉ huy vẫn do ĐSVN thực hiện. Trong biểu đồ chạy tàu thì việc tăng thêm chuyến từ Sài Gòn - Nha Trang là rất thuận lợi cho chúng tôi. Hiện nay, tàu Sài Gòn - Nha Trang chỉ chạy buổi tối. Sắp tới, có thêm một chuyến sáng đi, chiều về, dự tính hành khách sẽ tăng lên và có khả năng tuyến buổi tối của chúng tôi sẽ bị giảm doanh thu, nhưng tổng số hành khách đi tàu tăng nên tổng doanh thu của hai đơn vị sẽ tăng.
Doanh nghiệp thuê tàu được một phần doanh thu để bù đắp chi phí họ phải bỏ ra để đại tu toa xe, duy tu bảo dưỡng toa xe, chi phí lương cho nhân viên đi tàu. Rõ ràng, hành khách được hưởng lợi khi được tăng thêm cơ hội lựa chọn. Mà nếu hành khách được lợi thì chúng tôi luôn sẵn sàng. Ngoài ra, việc cạnh tranh này cũng thúc đẩy nhân viên ngành ĐS phải năng động hơn, đó là mục tiêu của ĐSVN.
Các doanh nghiệp đều bình đẳng
* PV: - Liệu các doanh nghiệp tư nhân khi tham gia khai thác ĐS có được bình đẳng khi ĐSVN vừa quản lý hạ tầng vừa tham gia khai thác ĐS?
Tư nhân hay các doanh nghiệp khác đều bình đẳng khi tham gia khai thác ĐS. Tuy nhiên, ngoài 10% phải trả cho nhà nước, họ sẽ phải thuê đoàn tàu của ĐSVN, thuê dịch vụ chỉ huy điều hành và dịch vụ kỹ thuật. Trước đây cũng có ý kiến đề nghị giao việc quản lý cơ sở hạ tầng cho các cơ quan quản lý nhà nước và tách riêng phần kinh doanh vận tải để cho bình đẳng với các thành phần khác khi tham gia khai thác ĐS.
Nhưng nếu tách riêng quản lý hạ tầng và kinh doanh vận tải thì sẽ không đáp ứng được các nguyên tắc: đồng bộ, quy hoạch phát triển, chỉ huy điều hành tập trung thống nhất và như thế nếu mạnh ai nấy làm sẽ gây cản trở nhau và không an toàn. Luật ĐS quy định phải hạch toán tài chính rạch ròi giữa quản lý hạ tầng và kinh doanh khai thác vận tải ĐS. Các doanh nghiệp khai thác vận tải phải thỏa thuận với nhau để thống nhất việc phân công hành trình trên biểu đồ chạy tàu.
Nếu trường hợp không nhất trí thì phải đấu thầu. Ai trả hạ tầng nhà nước giá cao sẽ được chạy hành trình thuận lợi theo ý mình. Hiện nay, chỉ mới có một số đơn vị thuê một vài toa trong một chuyến tàu để kinh doanh như: Công ty cổ phần vận tải và thương mại ĐS (Ratraco), Công ty TNHH Dược phẩm và du lịch Tư Linh (Tulico), Công ty Du lịch TSC, Công ty TNHH Việt Hùng và Công ty Du lịch Phương Bắc…
Đấu thầu để giải quyết các vướng mắc
* Vậy đấu thầu như thế nào để không xảy ra tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” vì ĐSVN vừa quản lý hạ tầng, vừa khai thác hành trình, đồng thời là đơn vị tổ chức đầu thầu?
Đấy cũng chính là vấn đề mà các nhà quản lý như chúng tôi phải trả lời. Hiện tại chưa có lộ trình cụ thể cho những điều này, nhưng Luật ĐS đã có hướng giải quyết như vừa nêu trên cho những hoạt động đấu thầu cũng như những vướng mắc, tranh chấp có thể có trong ngành. Còn hiện nay chưa có đấu thầu mà chỉ có thỏa thuận và cũng chưa xảy ra tranh chấp. Các doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu chủ động đến đặt vấn đề với chúng tôi, chúng tôi thấy hai bên cùng có lợi thì bắt tay nhau làm. Sắp tới chúng tôi sẽ đưa ra cơ chế rõ ràng.
Những gì tư nhân không làm nổi thì Nhà nước làm
* ĐS là tài sản của nhà nước, nếu không hoạch định một lộ trình cụ thể thì rất có thể những tuyến đường dễ khai thác nhất sẽ được thuê trước, còn phần “xương xẩu” thì nhà nước chịu?
Hiện nay có một số kỹ sư của ngành ĐS sau khi ra ngoài làm vận tải đã quay lại thuê đoàn tàu của chúng tôi... Vậy nên, nếu không tính toán kỹ thì những phần tốt nhất sẽ vào tay tư nhân gần hết. Việc tư nhân tìm cách “thầu” lại những đoạn đường tốt nhất để khai thác cũng là điều bình thường. Những gì tư nhân không làm nổi Nhà nước mới cần làm, nhưng vấn đề là: nếu không có hình thức đấu thầu, mua bán hợp lý, minh bạch thì tất có móc nối tiêu cực, khiến Nhà nước bị thua thiệt.
Trong tương lai, các công ty quản lý ĐS, các công ty khai thác dịch vụ vận tải sẽ hoàn toàn tách riêng. Về hạch toán kinh doanh, họ sẽ ký hợp đồng kinh tế với nhau. Ngay cả các đơn vị vận tải trong ngành ĐS cũng phải ký hợp đồng với công ty quản lý ĐS riêng. Hiện nay, chúng tôi đang từng bước thực hiện việc này mà cụ thể là việc cho thuê đoàn tàu Nha Trang - Sài Gòn, sắp tới sẽ là đoàn tàu Hà Nội - Lào Cai, nhưng mới ở mức độ liên doanh thấp.